Việt Nam chú trọng phát triển kinh tế Biển Đông

T.H| 24/05/2022 04:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Biển Đông là cửa ngõ thông ra Thái Bình Dương - đại dương lớn nhất thế giới, là vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thông, giao thương quốc tế và an ninh chiến lược, không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà cả đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn. Chính vì vậy, nơi đây trở thành tâm điểm trong quan hệ quốc tế tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Nằm bên bờ Tây của Biển Đông, một biển lớn và thuộc loại quan trọng nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như của thế giới, Việt Nam có một vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Đặc điểm địa hình của Việt Nam hẹp về chiều ngang, nhưng lại trải dài dọc theo Biển Đông, được Biển Đông bao bọc toàn bộ sườn phía Đông và phía Nam, không chỉ cho phép chúng ta phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển mà biển Đông còn trở thành "lá chắn sườn" trong hệ thống phòng thủ quan trọng, bảo vệ đất nước.

Do đó, từ rất sớm, nhất là trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ quan điểm phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn được quan tâm sâu sắc.

Chú trọng phát triển kinh tế Biển Đông - Ảnh 1.

Việt Nam luôn chú trọng phát triển kinh tế biển.

Tập trung phát triển kinh tế biển

Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, Chính phủ đã xác định kế hoạch đến năm 2025 phát triển kinh tế biển, ven biển tập trung vào các lĩnh vực sau:

Đối với du lịch và dịch vụ biển: tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 06/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, tập trung phát triển du lịch và dịch vụ biển theo mục tiêu, yêu cầu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; rà soát, xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để tạo sự phát triển đột phá cho du lịch và dịch vụ biển, v.v.

Với kinh tế hàng hải: tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các cảng: cửa ngõ quốc tế, chuyên dùng quy mô lớn. Cải tạo nâng cấp các cảng hiện có; xây dựng có trọng điểm một số cảng địa phương theo chức năng, quy mô phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư nâng cấp, nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải; tiếp tục phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, v.v.

Về khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển: nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, tận thăm dò dầu khí các bể trầm tích có tiềm năng đang khai thác; đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò các bể nước sâu, xa bờ; nghiên cứu, thăm dò các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng tài nguyên, khoáng sản đáy biển, đặc biệt là những khoáng sản có giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược, v.v.

Lĩnh vực nuôi, trồng và khai thác hải sản: chuyển đổi từ các mô hình nuôi, trồng thủy sản quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ ra vùng lộng và vùng khơi; xây dựng và vận hành các mô hình nơi cư trú nhân tạo cho các loài sinh vật biển, mô hình nhà màng công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng phục vụ khai thác thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường biển, v.v.

Về công nghiệp ven biển: đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dự án sử dụng công nghệ nguồn vào các khu: kinh tế, công nghiệp ven biển; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị, v.v.

Đối với phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới: ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và một số dạng năng lượng tái tạo khác. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển, như: rừng ngập mặn, dược liệu biển, nuôi, trồng và chế biến rong, tảo, v.v.

Cùng với đó, kế hoạch xác định: phát triển các vùng biển về du lịch và dịch vụ biển tại vùng có tiềm năng, lợi thế; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp một số tuyến, luồng hàng hải quan trọng, cải tạo và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, như: đê chắn sóng, bến neo đậu, cầu cảng,… theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo, trong đó, một lần nữa khẳng định vị trí và tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Trước tiên, cần tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển kinh tế biển và mối quan hệ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền của đất nước trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo. Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống người dân vùng biển, đảo.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thực hiện tốt việc quy hoạch tổng thể kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển và ven biển. Cần có sự đánh giá đầy đủ tiềm năng, lợi thế của từng vùng gắn với quốc phòng, an ninh đất nước. Quy hoạch biển nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Công tác quy hoạch phải bảo đảm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển những ngành nền tảng và những ngành mũi nhọn.

Cần có sự lựa chọn phát triển những khu đô thị hiện đại, gắn với xây dựng các cảng biển chiến lược để làm nòng cốt phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác quy hoạch và đầu tư cần gắn kết ngay từ đầu mục tiêu phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển phải có sự gắn kết với xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh theo tính lưỡng dụng để vừa bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó là phát triển mạnh mẽ các ngành có tiềm năng và lợi thế của biển gắn với quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp và các đô thị ven biển. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, điều tra tài nguyên môi trường biển, xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển.

Phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bảo vệ chủ quyền, bảo đảm tốt quốc phòng, an ninh chính là bảo vệ tài nguyên và môi trường, ngược lại, bảo vệ tốt tài nguyên và môi trường làm cơ sở cho phát triển bền vững kinh tế biển, là cơ sở để bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển một cách vững chắc.

Ngoài ra, cần nâng cao trình độ quản lý trên cơ sở tận dụng công nghệ hiện đại, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường và quốc phòng, an ninh. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển.

Bài liên quan
  • Để báo chí luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội
    Mấy năm gần đây, Bắc Giang liên tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kính tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động báo chí truyền thông. Báo chí thực sự đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng, vị thế tỉnh Bắc Giang cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chú trọng phát triển kinh tế Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO