Truyền thông

Việt Nam chú trọng truy xuất nguồn gốc bằng hệ thống cổng thông tin điện tử

Nguyễn Nhàn 09:41 18/11/2024

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc truy xuất nguồn gốc nông sản đã trở thành một nhu cầu cấp thiết không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn với các nhà sản xuất.

Việc áp dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu thiết yếu để đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp.

Truy xuất nguồn gốc đáp ứng đòi hỏi từ thị trường quốc tế

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, thị trường các nước xuất khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Đặc biệt, sự quan tâm không chỉ dừng lại ở chất lượng hay mẫu mã mà còn ở quá trình tạo ra sản phẩm, từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như nông sản, thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.

truy-xuat-nguon-goc-8166.jpg
Thị trường các nước xuất khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. (Ảnh Internet)

Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) tuân thủ quy định quốc tế mà còn khẳng định chất lượng và sự minh bạch của sản phẩm. Tại nhiều quốc gia, truy xuất nguồn gốc đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều này không chỉ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ cho DN Việt Nam.

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp hữu hiệu để người tiêu dùng có thể dễ dàng truy ngược thông tin sản phẩm từ nơi sản xuất ban đầu cho đến các giai đoạn chế biến và phân phối. Việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn hỗ trợ DN trong việc xây dựng thương hiệu và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Các báo cáo do Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) công bố tại Hội thảo khoa học "Cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số (CĐS), xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp", do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tháng 6/2024 tại Hà Nội, cho thấy, công tác truy xuất nguồn gốc nông sản hiện đang đối mặt nhiều khó khăn

Theo các báo cáo tại hội nghị, hoạt động truy xuất nguồn gốc hiện còn phân tán, chưa đồng bộ. Việc kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, "mạnh ai nấy làm". Đáng chú ý, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, sai phạm về truy xuất nguồn gốc, thí dụ như gian lận mã số vùng trồng.

Ngoài ra, việc sản xuất ở nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ còn gây khó khăn nhất định khi áp dụng công nghệ hiện đại; tình trạng thiếu nhân lực khiến công tác kiểm tra thông tin, dữ liệu đầu vào cập nhật trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản chỉ dừng lại ở công đoạn hậu kiểm; thói quen sản xuất, canh tác, chăn nuôi theo đặc thù vùng miền, không có quy trình rõ ràng, khó áp dụng truy xuất nguồn gốc... Một số nơi, nông dân sản xuất còn phải ghi số liệu nhật ký sản xuất bằng tay rồi mới nhập thủ công lên máy tính, tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, chưa kể trường hợp sai lệch.

Để hỗ trợ DN trong thực hiện truy xuất nguồn gốc, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án 100 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng xây dựng hơn 30 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, y tế và đồ chơi trẻ em.

Ngày 28/03/2024, Bộ KH&CN tiếp tục ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN, có hiệu lực từ 1/6/2024, quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Thông tư này áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cung cấp giải pháp liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Các hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đảm bảo quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ phù hợp tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Thông tin truy xuất nguồn gốc sẽ bao gồm tên, hình ảnh sản phẩm, đơn vị sản xuất, các công đoạn sản xuất, mã truy xuất, thời gian và địa điểm sản xuất. Các thông tin này sẽ được in mã trên bao bì sản phẩm và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia chính thức đưa vào vận hành từ 10/2024

Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc (TXNG) quốc gia đã chính thức được đưa vào vận hành từ tháng 10/2024. Đến nay, Cổng đã có sự kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 DN tham gia để thực hiện TXNG sản phẩm hàng hóa. Nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị kết nối kỹ thuật với cổng.

cong-thong-tin-truy-xuat-nguon-goc-quoc-gia-chinh-thuc-di-vao-van-hanh-102142.jpg
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia chính thức đưa vào vận hành từ tháng 10/2024.

Cổng thông tin TXNG quốc gia do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) chủ trì phối hợp cùng Trung tâm CNTT - Bộ KH&CN, các Vụ, các Bộ, ngành và các địa phương triển khai xây dựng. Cổng thông tin đóng vai trò trung tâm của hệ thống truy xuất nguồn gốc Việt Nam, với sự tham gia của tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, vận chuyển, phân phối, bán lẻ, đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước.

Cổng thông tin TXNG quốc gia sẽ thực hiện lưu trữ các thông tin về sản phẩm, hàng hóa được thu thập đầy đủ trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng được DN chuẩn hóa trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc gia. Đây sẽ là một “đám mây ẩn” cho phép các nhà cung cấp giải pháp TXNG và tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng cùng cơ quan quản lý kết nối và chia sẻ thông tin.

Hiện nay, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia - đơn vị thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao triển khai hoạt động này, đang hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai việc kết nối truy cập.

Để vận hành hiệu quả Cổng thông tin TXNG, hiện nay, Bộ KH&CN đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, một chính sách quan trọng là đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa, trong đó có mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc. Nội dung này sẽ được xây dựng, triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước, qua đó tạo thuận lợi cho việc vận hành Cổng thông tin TXNG quốc gia./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chú trọng truy xuất nguồn gốc bằng hệ thống cổng thông tin điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO