Truyền thông

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng công nghệ blockchain - nền tảng phát triển thương mại quốc tế

Nguyễn Nhàn 10:29 01/11/2024

Sự gia tăng dân số, đô thị hóa, thay đổi nhu cầu tiêu dùng đang đặt ra yêu cầu ngành thực phẩm phải chú trọng nhiều hơn vào chất lượng sản phẩm. Tận dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang trở thành hướng đi được nhiều doanh nghiệp trên thế giới sử dụng.

Blockchain góp phần đảm bảo chất lượng thực phẩm

Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, thông tin, mỗi năm, thế giới có khoảng 600 triệu ca bệnh và 420.000 ca tử vong do 31 mối nguy thực phẩm gây ra. Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhất với 125.000 trẻ tử vong mỗi năm vì bệnh do thực phẩm. Các quy trình thủ công, hồ sơ giấy và hệ thống cũ thường mất vài ngày đến vài tuần để xác định nguồn thực phẩm bị ô nhiễm.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay thường dựa vào hệ thống lưu trữ hồ sơ thủ công và mạng lưới các nhà cung cấp phức tạp, khiến việc truy tìm các sản phẩm bị ô nhiễm và đảm bảo an toàn cho nguồn cung cấp thực phẩm trở nên khó khăn. Các hồ sơ lưu trữ dễ dàng bị thao túng hay gian lận bởi con người để phục vụ lợi ích riêng nhưng ảnh hưởng đến sức khoẻ chung.

agriculture-technology-farmer-man-using-smartphone-analysis-data-visual-icon-1-1-1024x576.jpg
Theo dõi thực phẩm thông qua blockchain có thể giúp lưu giữ sổ cái các hồ sơ về nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất thực phẩm, chất lượng hạt giống và phân bón được sử dụng...

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) định nghĩa truy xuất nguồn gốc thực phẩm là khả năng theo dõi thực phẩm qua các giai đoạn: sản xuất, chế biến và phân phối, nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm được cung cấp cho người tiêu dùng.

Nếu xảy ra bất kỳ vấn đề gì trong quá trình tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng, phải có cơ chế xác định và truy tìm lại chuỗi cung ứng để tìm ra thực phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm để thu hồi sản phẩm nhanh chóng. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) - một công nghệ đổi mới phi tập trung được xem là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ quá trình này.

Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số phân tán được liên kết thành các khối, lưu trữ thông tin theo chuỗi an toàn, chống giả mạo. Đối với các công ty trong ngành, khả năng truy xuất nguồn gốc sẽ cải thiện hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp (DN), giúp họ tuân thủ các quy định của ngành đồng thời quản lý hiệu quả hàng tồn kho.

Ứng dụng blockchain trước hết cho phép ngành thực phẩm đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Theo dõi thực phẩm thông qua blockchain có thể giúp lưu giữ sổ cái các hồ sơ về nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất thực phẩm, chất lượng hạt giống và phân bón được sử dụng...

Nhờ đó, nếu người dân gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe liên quan đến thực phẩm, các chuyên gia có thể xác định thực phẩm bị ô nhiễm đến từ đâu và ngay lập tức loại bỏ nó khỏi thị trường. Biến đổi khí hậu và các kiểu thời tiết khắc nghiệt cũng đang diễn ra phức tạp và việc sử dụng công nghệ có thể cho thấy chất lượng của các sản phẩm thực phẩm bị ảnh hưởng ở đâu.

Một trong những lợi ích nổi bật của sổ cái blockchain là khả năng chống giả mạo, vì vậy, dữ liệu thực phẩm rất chính xác. Mọi bên liên quan trong chuỗi cung ứng đều có thể yêu cầu xem dữ liệu đã được xác minh có chứa thông tin chi tiết về sản phẩm thực phẩm như số lượng nhận được, chứng nhận hữu cơ, cộng đồng nông nghiệp, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn. Khi một bản ghi đã được nhập thì không thể thay đổi được.

Xu hướng của nhiều doanh nghiệp trên thế giới

Theo phân tích của Emergen Research năm 2021, quy mô thị trường truy xuất nguồn gốc thực phẩm toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng lên 9,75 tỷ USD vào năm 2028. Điều này làm nổi bật giá trị và tầm quan trọng của nó trên toàn cầu.

Nestle và Carrefour - tập đoàn siêu thị lớn thứ hai thế giới đã hợp tác sử dụng blockchain cho dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ sơ sinh vào giữa năm 2019. Tập đoàn này cũng bắt đầu áp dụng công nghệ blockchain cho 20 sản phẩm nông sản khác và dự tính tăng lên con số 100 sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, tập trung vào những sản phẩm cần độ an toàn cao, như thực phẩm cho trẻ em và những dòng sản phẩm hữu cơ.

block-chain-va-truy-xuat-nguon-goc.jpg
Các công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), blockchain… mở ra nhiều cơ hội trong việc giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.

Auchan - tập đoàn bán lẻ của Pháp cũng đang ứng dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi siêu thị của họ. Thử nghiệm ban đầu diễn ra tại Việt Nam giúp truy xuất nguồn gốc lợn, gà và trứng tại TP. Hồ Chí Minh đã đem lại kết quả ngoài mong đợi. Hiện nay, nền tảng này đang được Auchan triển khai ở Pháp, và tương lai ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Senegal.

Walmart cũng đã sử dụng blockchain để số hóa chuỗi cung ứng thực phẩm của họ và giảm thời gian theo dõi nguồn ô nhiễm thực phẩm. Công ty yêu cầu tất cả các nhà cung cấp thương mại các loại rau lá xanh phải tuân thủ đầu vào bản ghi dữ liệu vào nền tảng dựa trên blockchain có thể truy nguyên sản phẩm của họ. Công nghệ blockchain đã giúp Walmart đã giảm thời gian truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ 7 ngày xuống chỉ còn 2,2 giây.

Tại Đông Nam Á, CP Foods, công ty thực phẩm có trụ sở tại Thái Lan đang tích hợp công nghệ blockchain vào chuỗi sản phẩm của công ty. Công ty này có hệ thống truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số để giám sát các sản phẩm thịt lợn và thịt gà nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn. CP Foods in mã QR trên bao bì để cung cấp cho khách hàng thông tin về nguồn gốc, tính bền vững và chứng nhận an toàn của thực phẩm.

Tại hội thảo, “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc” diễn ra tháng 10/2024, GS. TS. Lê Văn Cảnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh khẳng định, để đảm bảo an toàn thực phẩm, một lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, do đó, công nghệ 4.0, với các yếu tố cốt lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), blockchain… mở ra nhiều cơ hội trong việc giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.

Việc công khai tất cả các giao dịch trong mạng lưới - bản chất của blockchain là giúp tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Đó là giá trị lớn nhất mà các nhà sản xuất hướng tới. Trong một mạng lưới blockchain, tất cả thành phần trong chuỗi đều có thể nhìn thấy và xác thực thông tin ở bất cứ thời điểm nào./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Chuyển đổi số cần tầm nhìn xa để thực hiện
    Chuyển đổi số chính là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một quá trình cần thiết để hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ công dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đất nước.
  • Tổng thư ký Liên hợp quốc chúc mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
    Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres ngày 25/1 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đã gửi thông điệp chúc mừng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
  • Một hành trình đầy tiềm năng được thúc đẩy
    Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa đang tạo ra một môi trường văn hóa mới cho con người - môi trường số, với sự thay đổi trong phương thức phát triển và khả năng tiếp nhận, cùng rất nhiều đòi hỏi. Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để làm rõ hơn nội hàm các nội dung có tác động lớn đến sự phát triển của đời sống văn hóa-xã hội này.
  • iTanong: ChatGPT phiên bản Philippines, giúp cách mạng hóa dịch vụ công
    Philippines đang tự tin giới thiệu iTanong, một trợ lý ảo thông minh được thiết kế riêng cho người dân địa phương. Với khả năng truy cập thông tin chính phủ và thực hiện các thủ tục hành chính, iTanong hứa hẹn sẽ cách mạng hóa cách người dân tương tác với chính quyền.
  • Tiếp cận về văn hóa số trong thời đại số
    Trong chiến lược chuyển đổi số, những thuật ngữ như “kinh tế số”, “xã hội số”, “văn hóa số” cũng được đề cập một cách thường xuyên, vừa như phương thức, vừa như hệ quả của sự chuyển đổi. Trong đó, thuật ngữ “văn hóa số” có lẽ là phức tạp hơn cả, cũng như bản thân sự phức tạp vốn có của văn hóa. Bài viết góp một thảo luận sâu và rộng hơn về chủ đề này, thay vì cách hiểu máy móc và đơn giản là sự chuyển dịch của văn hóa trên nền tảng số.
Đừng bỏ lỡ
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng công nghệ blockchain - nền tảng phát triển thương mại quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO