Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số để bứt phá mạnh mẽ

T.H| 10/06/2022 05:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Kinh tế số tạo ra không gian phát triển mới, mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT)). Kinh tế số tạo ra không gian phát triển mới, mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số trong đó có việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT) và xây dựng chính quyền điện tử được Việt Nam đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia.

Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số để bứt phá - Ảnh 1.

Sự dịch chuyển và thay đổi theo hướng số hóa nhanh giúp Việt Nam phát triển kinh tế số ngày càng mạnh

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Những năm gần đây, TMĐT ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, TMĐT vẫn tăng trưởng ấn tượng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức, cần có giải pháp để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.

Để tạo môi trường hành lang pháp lý cho thị trường TMĐT phát triển, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Điển hình như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT (thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch TMĐT được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh); Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2014-2020.

Từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã có các chính sách lâu dài và nhất quán nhằm phát triển TMĐT với các kế hoạch tổng thể cho từng giai đoạn 5 năm, gần đây nhất là Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đây là chính sách quan trọng với những giải pháp toàn diện và nguồn lực cụ thể làm cơ sở cho thị trường TMĐT phát triển trong giai đoạn 5 năm tới.

Nhờ hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, thị trường TMĐT ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.

Bên cạnh đó, nhờ chính sách phổ cập Internet thành công đã giúp cho TMĐT phát triển bùng nổ. TMĐT tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế số Việt Nam đạt 8 tỷ USD (năm 2017). Về TMĐT xuyên biên giới, tăng trung bình 35%/năm, là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất, nhanh hơn gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Việt Nam có 48 công ty Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán tiền gửi và tiền điện tử. Năm 2017, có 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện được năng lực công nghệ số, thực hiện nhiều dự án công nghệ cao như: Xe tự lái, Robot, AI.

Năm 2021, TMĐT Việt Nam tăng mạnh, thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD năm 2025. Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình của TMĐT Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 sẽ là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT đạt 52 tỷ USD. Triển vọng của Việt Nam trong nền kinh tế số hóa và lĩnh vực TMĐT rất lớn. Với một quốc gia có 70% dân số sử dụng Internet và gần 50 triệu thuê bao điện thoại thông minh, thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.

Xây dựng Chính phủ điện tử

Việt Nam chú trọng xây dựng Chính phủ điện tử nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế số hóa. Những nỗ lực đầu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử được thực hiện bằng việc thành lập Ủy ban Chính phủ điện tử (năm 2018) với nhiệm vụ đề xuất chiến lược, chính sách tạo môi trường pháp lý xúc tiến thành lập Chính phủ điện tử. Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có bước nhảy vọt chỉ số phát triển Chính phủ điện tử mức cao và đặt mục tiêu trở thành Top 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử trước năm 2025, trong nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử thế giới năm 2030.

Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm "Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…". Nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 "triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực".

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, năm 2015, Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên tập trung về Chính phủ điện tử nhằm "Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng".

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành.

Các cơ quan Nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… Một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức. Chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã được quan tâm.

Nhìn vào thành quả của các nước trên thế giới, có thể nói, triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và là con đường để tạo lập phồn vinh cho dân tộc. Để có bước đột phá mạnh mẽ, Việt Nam cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của thế giới và xây dựng các bước triển khai cụ thể, trực diện với hiệu quả cao nhất.


Bài liên quan
  • Sơn La tăng cường trồng cây dược liệu - mở lối phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS
    Những năm qua, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều nông dân và Hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi khai thác, chế biến các sản phẩm dược liệu. Đây đang là một trong những hướng đi mở lối phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số để bứt phá mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO