Truyền thông

Việt Nam đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

T.Đ.H 15:39 20/09/2023

Để giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang tham gia các hoạt động nhằm làm giảm các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, trong đó chuyển đổi năng lượng và phát triển xanh đã trở thành xu hướng được nhiều quốc gia lựa chọn.

Biến đổi khí hậu hiện diện ngày càng nhiều và diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Các giải pháp nhằm ngăn cản sự gia tăng của biến đổi khí hậu cũng được nhiều nước quan tâm qua các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là Cop), giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng được coi là những cam kết phải thực hiện đối với gần 200 quốc gia.

Việt Nam đã đưa ra cam kết đến năm 2050 sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, thông qua qui hoạch phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh và bền vững.

tiem-nang-nang-luong-tai-tao-5.jpg
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh: Internet)

Tiềm năng và tình hình đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Không phải nguồn năng lượng nào sinh ra cũng vô tận và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Một vài nguồn năng lượng có thể tái tạo lại trong một khoảng thời gian nhất định, trong khi những loại khác không tái tạo được như than đá, khí đốt và dầu mỏ. Các nhiên liệu hóa thạch này đều đang dần cạn kiệt, dẫn đến chi phí khai thác ngày càng tăng và giá thành cũng đội lên gấp bội. Kể cả khi những loại năng lượng không tái tạo này không cạn kiệt thì chúng cũng đang là thủ phạm chính gây ra phát thải khí nhà kính.

Nguồn năng lượng lý tưởng phải đáp ứng được ba điều: tái tạo, ổn định và hiệu quả. Những nguồn năng lượng như gió, mặt trời, thủy triều, hạt nhân (dùng phản ứng tổng hợp) và địa nhiệt đang ngày càng tỏ ra có thể đáp ứng được, chúng có thể giúp con người tiến tới một tương lai bền vững, bằng cách cung cấp năng lượng tái tạo bền vững và hiệu quả.

Hiện trạng và chủ trương, chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đồng nghĩa sẽ sử dụng nhiều năng lượng, từ đó tăng giá thành mua điện. Đây là điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Theo một số chuyên gia về năng lượng thì, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo có thể thu hồi vốn sau 12 tháng chứ không phải sau 15 năm như nhiều năm trước đây nhận định.

Nguồn năng lượng ổn định là một yếu tố quan trọng đối với các nước có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), năm 2020, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW và thậm chí đang tiến gần đến mục tiêu năm 2030 là 18.600 MW.

Việt Nam cũng là quốc gia ASEAN duy nhất miễn giảm thuế thuê đất đối với các doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo, nên đã tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư và tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo. Việt Nam có môi trường đầu tư khá thuận lợi cho các dự án năng lượng tái tạo. So với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam là quốc gia có mức trợ giá thấp nhất đối với nhiên liệu hóa thạch.

Giai đoạn đến 2050, hệ thống năng lượng/hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng.

Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam bao gồm: điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ năng lượng tái tạo. Để thực hiện hóa được chiến lược phát triển năng lượng sạch/năng lượng tái tạo, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng/ hệ thống điện góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhiều người dân đang mong muốn được tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, do vậy ngoài yếu tố phát triển kinh tế, nó còn giúp bảo vệ cuộc sống và sinh kế của nhiều người dân Việt Nam (nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 2 độ C thì 40% diện tích ĐBSCL bị ngập làm mất sinh kế đối với nhiều người).

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam

Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam có thể còn làm giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu than, cùng với giảm sản xuất điện than, từ đó giúp bảo vệ môi trường tạo điều kiện phát triển bền vững.

Chính vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Tại Hội nghị COP26 năm 2021 diễn ra tại Vương quốc Anh, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định và cam kết rất mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.

Những chủ trương, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã được xác định từ sớm: phát triển thủy điện từ những năm 2000, phát triển điện gió từ sau 2010, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55 - NQ/TW (Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020)… đã huy động được nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển năng lượng tái tạo và đã đạt được những kết quả vượt bậc, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, đưa Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo.

Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đối với điện gió và điện mặt trời: Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Mục tiêu trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc.

Bên cạnh đó, đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo được hưởng ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư và được ưu đãi thuế trong 15 năm. Để có cơ sở đầu tư, phát triển trong thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện Qui hoạch Điện lực quốc gia (Qui hoạch điện 8) để phê duyệt.

Theo đó, hệ thống điện Việt Nam sẽ phát triển theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26 đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc phát triển điện từ gió, mặt trời tiếp tục được khai thác tối đa, hiệu quả với giá hợp lý. Cơ chế đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp cũng đang được đề xuất xem xét.

Theo dự thảo Qui hoạch điện 8, hàng chục ngàn MW nhiệt điện than được đề nghị loại khỏi qui hoạch, với phương án điều hành, phụ tải cao và chuyển đổi năng lượng, đến năm 2045 tỷ lệ điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 50% tổng công suất toàn hệ thống.

Từ các cam kết tại COP26, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh. Một loạt các chương trình, đề án xây dựng văn bản QPPL liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo đang được chỉ đạo thực hiện, nghiên cứu.

Như vậy, từ chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, xu hướng chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và tập trung phát triển trong thời gian tới.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO