Chuyển đổi số

Thành quả chuyển đổi số giúp phát triển năng lượng bền vững tại TP. HCM

Tuấn Trần 28/08/2023 7:08

Trong khoảng thời gian gần 10 năm vừa qua, tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC) đã giảm được tỷ lệ tổn thất điện từ 5,08% vào năm 2014 xuống còn 2,39% năm 2023. Để có được thành quả này, EVNHCM đã áp dụng nhiều biện pháp trong đó có chuyển đổi số (CĐS) và lưới điện thông minh.

Để phát triển năng lượng bền vững, trong suốt thời gian qua, EVNHCMC đã triển khai 8 chương trình trọng điểm, trong đó có các chương trình liên quan đến CĐS như: ứng dụng công nghệ (AMR - công nghệ đọc chỉ số điện từ xa, ứng dụng di động, cơ sở dữ liệu...), và sử dụng thiết bị, công nghệ tiết kiệm điện năng.

Trong đó EVNHCMC đặc biệt nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ là rất quan trọng trong việc phát triển năng lượng bền vững tại Thành phố.

Thành quả từ lưới điện thông minh

Không chỉ là kết quả đáng khích lệ liên quan đến phát triển năng lượng bền vững tại TP.HCM, hay tỉ lệ giảm tổn thất điện... Theo kết quả đánh giá lưới điện thông minh năm 2022 do tập đoàn Năng lượng Singapore (SP Group) công bố, EVNHCMC đang được xếp hạng 47/94 các doanh nghiệp (DN) điện lực trên toàn cầu về phát triển lưới điện thông minh.

Theo ông Phan Quang Vinh, Ban Kinh doanh, EVNHCMC: "Từ việc CĐS với giải pháp ứng dụng lưới điện thông minh, EVNHCMC đã tự động hóa 100% các tuyến trung thế, giúp công tác vận hành hệ thống điện hiệu quả hơn và sẵn sàng chuyển tải nhanh trong vòng 2 - 3 phút khi xảy ra sự cố điện; đã thay thế, lắp đặt gần 100% công-tơ đo xa, giúp cả ngành điện và khách hàng có thể giám sát tình hình sử dụng điện hàng ngày. 100% các trạm biến áp 110kV vận hành không người trực, được giám sát và điều khiển từ xa".

Nhờ tích cực ứng dụng lưới điện thông minh trong những năm vừa qua mà hiện nay, EVNHCMC đang duy trì 1.032/1.032 phương án đóng kết mạch vòng trung thế (tương ứng 940/940 tuyến dây, chiếm tỷ lệ 100%); Duy trì vận hành hiệu quả 100% TBA 110kV theo mô hình không người trực/điều khiển từ xa, 100% lưới điện trung thế có chức năng Mini SCADA và triển khai chức năng vận hành tự động cho 100% lưới điện trung thế công cộng. Tỷ lệ thao tác từ xa lưới điện thành công trên 99%.

Kết quả thực hiện các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện phân phối trong tháng 2/2023 tại TP. HCM: SAIFI (số lần mất điện bình quân của người dùng) là 0,08 lần; và SAIDI (thời gian mất điện bình quân của người dùng) là 5,62 phút.

img_7893.jpeg
Ông Phan Quang Vinh, ban Kinh doanh, EVNHCMC phát biểu trong một hội thảo về các giải pháp năng lượng bền vững tại TP,HCM trong tháng 8.2023. (Ảnh N.B)

CĐS giúp cung cấp 100% các loại hình dịch vụ trực tuyến cấp độ 4

Thực hiện CĐS, EVNHCMC đã đưa vào sử dụng hàng loạt các ứng dụng CNTT như tự động hóa, quản lý mất điện, quản lý tổn thất điện năng, tổng đài, ứng dụng chăm sóc khách hàng…, qua đó đã xây dựng được cơ sở dữ liệu Ngành điện Thành phố với quy mô lớn và đầy đủ.

"Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đánh giá EVNHCMC đã đạt mức độ CĐS 3/5 (mức hình thành DN số) trong 5 mức độ CĐS theo Quyết định 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 phê duyệt đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN và hỗ trợ thúc đẩy DN CĐS gồm: Mức 0 - Chưa CĐS; mức 1 - Khởi động; mức 2 - Bắt đầu; mức 3 - Hình thành; mức 4 - Nâng cao; mức 5 - Dẫn dắt. Đặc biệt, trong đó, Công ty mẹ với vai trò tổ chức và dẫn dắt quá trình CĐS doanh nghiệp (DN), đã đạt 545 điểm, tiệm cận điểm chuẩn của mức 4 là 556 điểm.", ông Phan Quang Vinh cho biết.

Nhờ tích cực triển khai CĐS, EVNHCMC đã cung cấp 100% các loại hình dịch vụ trực tuyến cấp độ 4. Trong đó tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán điện tử (qua các hình thức: SMS & Mobile Banking; Internet Banking của Ngân hàng; Trích nợ tự động; Ví điện tử; ATM/Thẻ ngân hàng; Ủy nhiệm thu - Ủy nhiệm chi; Thanh toán trực tuyến qua Web CSKH) để thanh toán tiền điện tại TP. HCM đã đạt 99,76% về thuê bao điện và tương ứng 99,5% về tiền.

EVNHCMC cũng đã lắp đặt được 99,46% công-tơ có chức năng thu thập dữ liệu và đo đếm từ xa. Phấn đấu đến hết năm 2023, sẽ đạt tỷ lệ 100% trên địa bàn toàn Thành phố.

evnhcmc.jpeg
Nhân viên điện lực hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng EVNHCMC CSKH trên thiết bị di động (Ảnh: tietkiemnangluong.com.vn)

Các giải pháp sáng tạo

Trong quá trình CĐS, EVNHCMC cũng đang tích cực tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy Thành phố sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển đổi sang năng lượng sạch, góp phần vào kết quả của mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.

Việc cộng tác hiệu quả giữa hai khối công - tư trong việc đạt được các mục tiêu mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả cũng đã được EVNHCMC quan tâm.

Ông Brandon Chia, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Úc, mảng Giải pháp Năng lượng Bền vững của SP Group, cho biết: "SP Group rất mong muốn hợp tác chặt chẽ với EVNHCMC và các đối tác địa phương để xây dựng tương lai bền vững cho TP. HCM và Việt Nam".

Tận dụng chuyên môn trong khu vực cùng bộ giải pháp năng lượng thông minh và bền vững, ông Brandon Chia cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái năng lượng sạch, hiệu quả và đáng tin cậy để giúp các Thành phố, quận huyện và tòa nhà chuyển đổi sang tương lai đạt mức phát thải carbon thấp. Điều này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng được đề ra trong PDP8 (Quy hoạch Điện VIII), và thực hiện khát vọng trung hòa carbon".

Các giải pháp cụ thể được đề cập đến trong một hội thảo về các giải pháp năng lượng bền vững vừa diễn ra tại TP. HCM trong tháng 8/2023 do EVNHCMC và SP Group, bao gồm: Đầu tư và phát triển các dự án năng lượng mặt trời áp mái, các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn và các giải pháp năng lượng tích hợp để tối ưu hóa lượng năng lượng xanh và quản lý tiêu thụ điện;

Hỗ trợ các công trình xanh và thông minh với công nghệ năng lượng xanh (GET) của SP Group, một bộ giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) để tạo ra tương lai năng lượng thông minh và phát thải carbon thấp. GET tích hợp các hệ thống công trình và nguồn dữ liệu để quản lý tiện ích toàn diện, giúp chủ sở hữu và nhà quản lý công trình đạt được các mục tiêu bền vững phù hợp với PDP8;

Và hệ thống làm mát khu vực - một giải pháp làm mát bền vững và có khả năng mở rộng giúp tiết kiệm năng lượng liên quan đến việc làm mát, cải thiện độ tin cậy, giảm lượng khí thải carbon và khí nhà kính./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thành quả chuyển đổi số giúp phát triển năng lượng bền vững tại TP. HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO