Hội đủ các điều kiện cần
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế để nhanh chóng triển khai các hình thức giáo dục dựa trên công nghệ 4.0. Theo thống kê của Speedtest, trong tháng 6/2020, tốc độ tải xuống (download) Internet di động của Việt Nam trung bình đạt 33,12 Mbps. Mức này là tiệm cận với tốc độ download Internet di động trung bình của thế giới là 34,67 Mbps. Việt Nam hiện đứng thứ 60 thế giới về tốc độ đường truyền Internet di động.
Trong khi đó, theo báo cáo "Digital 2020" của We are social, Việt Nam có 96,9 triệu dân, số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước). Điều đó có nghĩa là mỗi người dân Việt Nam đang sử dụng nhiều thiết bị di động khác nhau để thực hiện công việc và giải trí trên thiết bị di động.
Số lượng người dùng Internet là 68,17 triệu người (chiếm 70% số dân), tăng khoảng 6,2 triệu (tăng hơn +10,0%) so với năm 2019. Số lượng người dùng mạng xã hội đạt 65 triệu người (chiếm 67% số dân). Nếu tính theo tỉ lệ tăng trưởng so với các năm trước đó, số người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội tại Việt Nam đã tăng khá nhanh với con số tăng cụ thể là 5,7 triệu người (tức là tăng khoảng hơn + 9,6%).
Những con số cho thấy khả năng sử dụng các thiết bị số cũng như mức độ sử dụng Internet tại Việt Nam là khá cao. Hạ tầng về băng rộng cố định và băng rộng di động cũng đạt mức thâm nhập và tốc độ tốt. Đây chính là những điều kiện cần về mặt hạ tầng và kỹ năng để Việt Nam đẩy nhanh triển khai các chương trình giáo dục thông minh dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.
Đẩy mạnh đưa công nghệ vào lĩnh vực giáo dụcThời gian gần đây, đặc biệt là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các trường học đã cùng với các doanh nghiệp (DN) công nghệ tại Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới vào lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Thực tế, thời gian diễn ra dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh khả năng tiếp nhận và sử dụng các công nghệ trong lĩnh vực giáo dục là khá tốt khi mà cả học sinh và giáo viên đều nhanh chóng thích nghi với phương pháp này.
Các DN công nghệ đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thị trường để cung cấp những giải pháp giáo dục trực tuyến. Tập đoàn VNPT cung cấp giải pháp giáo dục điện tử VNPT E-Learning nhằm giúp công tác giảng dạy và học tập từ xa cho các cấp từ tiểu học đến đại học. Theo đó, trong thời gian nghỉ học tránh dịch bệnh, thầy trò có thể dạy và học từ xa, trao đổi sách vở bài giảng, giao bài tập và chấm điểm… trên hệ thống VNPT E-Learning.
Hay như Viettel, cũng triển khai Hệ thống ViettelStudy (Viettelstudy.vn) với nguồn học liệu chính thống, chất lượng cao được cập nhật thường xuyên trên hệ thống đã giải quyết được vấn đề đảm bảo kiến thức giảng dạy, học tập từ xa cho giáo viên, học sinh với 11 triệu tài khoản người dùng đến từ 40.000 trường học trên khắp cả nước. Hệ thống cũng cho phép học sinh và giáo viên có thể tương tác từ xa hoàn toàn miễn phí.
Các DN công nghệ cũng đang đẩy mạnh triển khai những công nghệ mới và các nền tảng giáo dục của mình. Có thể kể đến như công nghệ thực tế ảo AR/VR giúp việc học trở nên trực quan hơn. Theo thông tin từ VNPT, DN này đã cung cấp nền tảng AVR cho giáo dục, với hơn 871 bài giảng hệ phổ thông được ứng dụng công nghệ này.
Ngoài ra, các DN công nghệ lớn như VNPT, Viettel, FPT cũng triển khai công nghệ blockchain trong cấp chứng chỉ, bằng cấp. Công nghệ này giúp xác thực thông tin, tránh việc làm giả mạo bằng cấp chứng chỉ - một thực trạng nhức nhối tại Việt Nam nhiều năm qua.
Hướng tới hệ sinh thái giáo dục 4.0
Sự tham gia của các tập đoàn lớn vào giáo dục không chỉ giảm bớt áp lực cho xã hội mà còn hỗ trợ gia tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Học sinh sẽ có thêm nhiều lựa chọn cơ hội học tập chất lượng cao. Tuy nhiên, một giải pháp đơn lẻ sẽ không giải quyết được vấn đề. Do đó, thời gian gần đây, các tập đoàn công nghệ tại Việt Nam đang tiến thêm bột bước nữa trong lĩnh vực này, đó là xây dựng các hệ sinh thái giáo dục dựa trên các công nghệ 4.0.
Một trong số những hệ sinh thái giáo dục nổi trội hiện nay của Tập đoàn VNPT là các mô hình giáo dục chú trọng vào đáp ứng đa dạng nhu cầu. VNPT đã phát triển với hơn 20 giải pháp, ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục như cổng thông tin điện tử nhà trường, sổ liên lạc điện tử, soạn bài giảng điện tử, hệ thống thi trực tuyến tuỳ biến, thu hộ học phí…
Với nhu cầu đào tạo từ xa, giải pháp dạy và học VNPT E-Learning mang đến tiện ích học và làm bài trực tuyến, theo dõi kết quả học tập, đặc biệt là khả năng tương tác, trao đổi bằng hình thức live stream; giáo viên có thể số hóa tài liệu, học liệu bản mềm thay bài giảng truyền thống, thiết lập giáo án điện tử và lưu hệ thống… Với ưu điểm như vậy, dịch vụ VNPT E-Learning đã được triển khai tại hơn 29.000 trường học, được nhiều trường học, giáo viên, học sinh và phụ huynh đánh giá cao với hơn 800.000 tài khoản giáo viên và hơn 8 triệu tài khoản học sinh.
Trong khi đó, Tập đoàn Viettel cũng xây dựng, làm chủ công nghệ và cung cấp ra thị trường hệ thống mạng xã hội học tập trực tuyến với tên gọi ViettelStudy. ViettelStudy có sự khác biệt là các tài khoản định danh người dùng theo cơ sở dữ liệu tập trung của ngành giáo dục, đảm bảo an toàn hơn các trang mạng xã hội thông thường, giúp học sinh và giáo viên chọn học kiến thức tập trung, phù hợp.
ViettelStudy cho phép học sinh và giáo viên có thể tương tác từ xa, học sinh ôn luyện, học tập, giáo viên chấm, chữa bài và trao đổi với học sinh từ xa hoàn toàn miễn phí thông qua hệ thống. Đặc biệt hơn, với ViettelStudy, phụ huynh, học sinh có thể dễ dàng tương tác với giáo viên và nhà trường khi cần sự trợ giúp, cùng hiểu học lực của con, xây dựng kế hoạch học tập cùng con cũng như hiểu và đồng hành với ngành giáo dục.
Với những gì đang diễn ra, có thể nói Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện, cả về hạ tầng công nghệ, hiểu biết của người dân và các tập đoàn đủ lớn, để triển khai các hệ sinh thái giáo dục trên phạm vi toàn quốc. Tin rằng trong thời gian tới, các hệ sinh thái này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần vào việc chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục – một lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi số.