Chiều 28/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), do ông Roberto Cesari, Trưởng Bộ phận IUU (Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản) làm trưởng đoàn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EC đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU hướng tới phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, có kiểm soát. Việt Nam khẳng định lại cam kết mạnh mẽ và thể hiện nỗ lực của các cấp quản lý cùng với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt và tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU.
Tuy nhiên, nghề cá Việt Nam là nghề cá nhiệt đới, đa loại, diễn biến ngư trường trên Biển Đông chịu sự tác động của nhiều yếu tố; nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế. Do vậy, chống khai thác IUU cần có nhiều nỗ lực, lộ trình và thời gian để đạt được mục tiêu chấm dứt và loại bỏ tình trạng khai thác IUU một cách bền vững.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị EC và các nước thành viên EU tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ kĩ thuật kịp thời, tính tới yếu tố đặc thù của nghề cá Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU. Đề nghị EC ghi nhận các nỗ lực chống khai thác IUU và các kết quả tích cực Việt Nam đã đạt được và sớm gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng cho Việt Nam.
Đoàn công tác của EC ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc huy động cả hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp quyết liệt, bài bản chống khai thác IUU thời gian qua. Qua thực tế kiểm tra ngẫu nhiên tại các địa phương ven biển, đoàn công tác đã được chứng kiến những tiến bộ, cải thiện đáng kể trong triển khai thực hiện chống IUU. Đoàn ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương có biển.
Đoàn công tác cho rằng, Việt Nam đã có sự quyết liệt ở cấp Trung ương, ban hành nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để chống khai thác IUU, nhưng việc triển khai thực hiện ở cấp cơ sở vẫn còn yếu.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần có cơ chế giám sát hiệu quả với những quy định pháp lý chặt chẽ, đảm bảo thực thi nhất quán, đồng bộ từ trung ương đến địa phương; nâng cao chế tài, đảm bảo đủ sức răn đe, xử phạt thật nghiêm mọi vi phạm. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch quản lý nguồn lợi thủy sản tổng thể, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu; chấm dứt hẳn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Dự kiến trong thời gian 6 tháng, đoàn công tác sẽ tiếp tục có chuyển kiểm tra, đánh giá tại Việt Nam./.