Kinh tế số

Việt Nam không có khoảng cách quá xa so với các nước về nghiên cứu lẫn ứng dụng AI

Anh Minh 17:00 05/07/2023

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, cho rằng xu hướng Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) sẽ tạo ra cuộc cách mạng vô cùng lớn.

Để công nghệ phát huy hiệu quả, cần tích hợp chính sách kinh doanh và yêu cầu pháp lý từ chính quyền. Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, về công nghệ AI, ứng dụng AI tại Việt Nam cũng như "giấc mơ Việt Nam có một trung tâm AI của thế giới".

_mg_1749.jpg
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT

PV: Thưa ông, việc ứng dụng AI vào các ngành công nghiệp tại Việt Nam hiện nay ra sao? Mức độ ứng dụng AI tại Việt Nam như thế nào khi so sánh với các quốc gia trong khu vực?

Ông Vũ Anh Tú: Là công nghệ đột phá, với tiềm năng to lớn, AI được ứng dụng trong rất nhiều ngành ở Việt Nam. Nổi bật nhất là lĩnh vực ngân hàng, với việc ứng dụng AI để đổi mới mô hình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng. 

Các ngân hàng đang sử dụng trợ lý AI như chatbot để đưa ra lời khuyên tài chính được cá nhân hóa và xử lý ngôn ngữ tự nhiên nhằm cung cấp dịch vụ khách hàng tự phục vụ; Sử dụng định danh điện tử (eKYC) để xác thực, hay sử dụng máy học (machine learning) để xây dựng các mô hình dự báo chính xác hơn, nhanh chóng hơn.

Ở lĩnh vực y tế, giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, các trợ lý AI (voice bot) đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi, hỗ trợ ngành y kiểm soát, sàng lọc và truy vết các ca nhiễm. 

Trong lĩnh vực giáo dục, thương mại... AI được ứng dụng trong việc đa dạng hoá cách truyền tải nội dung, cá nhân hoá trải nghiệm mua sắm... 

Hầu hết các sản phẩm, giải pháp AI trên đều do các công ty công nghệ Việt Nam phát triển. Đây là kết quả của sự nỗ lực và đầu tư mạnh mẽ của các công ty vào AI.  

Từ những tín hiệu trên, tôi cho rằng, Việt Nam không có khoảng cách quá xa so với các nước trong khu vực về cả nghiên cứu lẫn ứng dụng AI trong thực tế. 

PV: Khát vọng của FPT là tiên phong trên thế giới về các mô hình DN, công nghệ, nghiên cứu, sánh vai các tập đoàn lớn trên thế giới. Ông hãy chia sẻ cụ thể hơn về khát vọng này của FPT và công nghệ AI chắp cánh cho khát vọng này như thế nào?

Ông Vũ Anh Tú: Trong sự phát triển không ngừng của công nghệ, chúng tôi xác định AI là công nghệ lõi, là mái chèo chính để FPT có thể bắt kịp được dòng chảy của thế giới. Khát vọng của chúng tôi là "có một trung tâm AI của thế giới" và đang nỗ lực hiện thực hoá điều đó.

Ở FPT, mục tiêu của công nghệ nói chung hay AI nói riêng đều đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người. Bên cạnh hành trình xây dựng "một trung tâm AI của thế giới", chúng tôi đang nỗ lực để đưa AI vào mọi ngõ ngách cuộc sống của con người và doanh nghiệp (DN).

AI có thể mang lại bình đẳng y tế nhờ việc phân bố thuốc đồng đều cho bệnh nhân, từ thành phố đến nông thôn, như cách Nhà thuốc FPT Long Châu đã làm. Ngay trong mỗi gia đình, AI được ứng dụng để phân tích dữ liệu tiêu thụ năng lượng và đề xuất các biện pháp tiết kiệm năng lượng với FPT Smart Home. Trong DN, AI sẽ giúp tăng năng suất lao động, tối ưu vận hành với FPT-AI hay akaBot. 

Tôi tin rằng, một ngày không xa, mọi hoạt động trong 24 giờ của con người sẽ có AI song hành. 

PV: Giấc mơ Việt Nam có một trung tâm AI của thế giới được thực hiện ra sao và mất bao nhiêu thời gian, thưa ông?

Ông Vũ Anh Tú: Từ năm 2013, FPT đã đẩy mạnh nghiên cứu về AI, ngay khi AI còn là khái niệm rất mới ở Việt Nam. Chúng tôi ra mắt nền tảng AI toàn diện đầu tiên ở Việt Nam - FPT.AI - vào năm 2017 và nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu. 

Từ kết quả này thúc đẩy chúng tôi thành lập một công ty chuyên về AI - FPT Smart Cloud - với mục tiêu dẫn đầu thị trường, bằng việc tập trung xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc, phát triển hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, mở rộng kết nối toàn cầu.

Chúng tôi có một giấc mơ lớn hơn là "Bứt phá dẫn đầu về AI, hiện thực mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực và thế giới".

Năm 2020, với sự đồng hành của Viện Nghiên cứu AI Mila (Canada), chúng tôi quyết định xây dựng Trung tâm AI FPT tại Quy Nhơn, quy mô khoảng 94 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.362 tỷ đồng. 

Để thực hiện khát vọng đó, FPT đã đầu tư mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả khía cạnh: con người, cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu và nghiên cứu. 

Chúng tôi đã quy tụ được hơn 500 chuyên gia, 50 tiến sĩ/thạc sĩ, nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI và bổ sung nguồn lực từ Đại học FPT với 1.300 sinh viên, cùng hơn 300 sinh viên được FPT đào tạo thực tiễn AI hàng năm.

FPT cũng không ngừng mở rộng với các đối tác hàng đầu thế giới về AI như Viện Mila, công ty tiên phong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley - Landing AI (Mỹ)... để đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực chất lượng. Đội ngũ của chúng tôi được dẫn dắt bởi những bộ não AI thế giới như Yoshua Bengio (Mila), Andrew Ng (Landing AI) và nhiều chuyên gia nổi tiếng khác...

Chúng tôi cũng đầu tư thiết bị hạ tầng và công nghệ nền tảng từ sớm để phục vụ cho việc xử lý dữ liệu, ngôn ngữ, hình ảnh... trong AI. Đến năm 2024, dự kiến tổng mức đầu tư của FPT cho nghiên cứu công nghệ cloud (bao gồm thiết bị hạ tầng, phát triển ứng dụng) là 2.300 tỷ đồng.

Về dữ liệu, mỗi năm FPT đầu tư 100 tỷ đồng cho nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI. Từ 2021, tập đoàn công bố đầu tư thêm 300 tỷ đồng cho mảng này trong 5 năm tới. Đồng thời xây dựng hạ tầng đồng nhất về dữ liệu, các công cụ để có thể tích hợp triển khai đào tạo dữ liệu trong AI.

Trong mảng nghiên cứu, chúng tôi đã có 10 năm nghiên cứu chuyên sâu vào các khía cạnh của AI. Các nhà khoa học FPT đang tập trung phát triển bộ não AI có khả năng nhận thức, tư duy và phân tích thông tin tiếp nhận từ các giác quan nghe, nhìn, đọc giống như con người. Song song, chúng tôi cũng nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng tính toán AI, đăng ký bằng sáng chế... 

Sau 10 năm đầu tư cho AI, FPT đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, với hơn 20 triệu người dùng cuối tại 15 quốc gia, và đang nỗ lực “lấn sân” thị trường công nghệ tại khu vực Đông Nam Á. Cùng với Trung tâm AI tại Quy Nhơn, Bình Định đang được thành hình, tôi tin rằng chỉ trong thời gian nữa giấc mơ của FPT sẽ thành hiện thực.

PV: Ông có thể cho biết FPT đặt ra những chiến lược, tầm nhìn như thế nào đối với công nghệ AI? Hiện tại FPT đã có những nghiên cứu và sản phẩm cụ thể về ứng dụng AI như thế nào?

Ông Vũ Anh Tú: AI là một trong 4 công nghệ lõi trong chiến lược công nghệ của FPT, với mục tiêu đưa AI đến với từng DN, từng người dân. 

Sau 10 năm nghiên cứu, FPT đã hình thành hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp, nền tảng dành cho doanh nghiệp và người dùng: mô phỏng 4 giác quan, nghe, nói, đọc, viết.

Các nghiên cứu của chúng tôi đã được công bố tại tạp chí AI uy tín thế giới. Mới đây, Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp bằng sáng chế cho giải pháp công nghệ Mạng nơ-ron tích chập đẳng biến với các phép biến đổi nhóm để xử lý đám mây điểm 3D của FPT. Công nghệ này ứng dụng trong huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI) nhận dạng hình ảnh qua học sâu (deep learning). 

Hiện FPT phát triển rất đa dạng các sản phẩm AI khác nhau. Trong đó, có những sản phẩm đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường như chatbot, voice bot, nhận diện hình ảnh...  Các sản phẩm này giải các bài toán vận hành của tổ chức doanh nghiệp như tự động hoá của tổng đài, xử lý và kiểm soát chất lượng của tổng đài; Xử lý giấy tờ thông minh, Định danh điện tử (eKYC)... 

Hiện hệ sinh thái công nghệ AI của FPT có hơn 20 giải pháp, 200 triệu lượt sử dụng một tháng. 

Song song, FPT cũng đưa AI vào các sản phẩm Made by FPT để gia tăng hiệu suất cho các sản phẩm nhằm mang lại sự đột phá cho nội bộ và các doanh nghiệp.

PV: FPT gặp những khó khăn, thách thức nào khi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI? Khó khăn đó có hướng tháo gỡ như thế nào?

Ông Vũ Anh Tú: AI là công nghệ mà tất cả các công ty công nghệ đang dồn lực đầu tư, với quy mô hàng tỷ USD. Do đó, FPT phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ ở các công ty lớn ở Việt Nam mà còn phạm vi toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi bắt buộc phải tìm những lĩnh vực, hướng đi khác biệt để làm chủ được cuộc chơi. 

PV: Dưới góc độ một DN, FPT có những kiến nghị, đề xuất gì với cơ quan quản lý để thúc đẩy các cơ hội ứng dụng AI tại Việt Nam?

Ông Vũ Anh Tú: Năm 2022, chúng tôi hợp tác với IPPG đưa chương trình AI và Robotics vào giảng dạy như một phần trong Trải nghiệm thế giới thông minh trên toàn hệ thống của FPT Schools. Chúng tôi mong muốn sẽ nhân rộng chương trình này trong các cấp học để nhanh chóng phổ cập AI cho thế hệ trẻ, để bổ sung nguồn lực tương lai. 

Bên cạnh đó, xu hướng Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) sẽ tạo ra cuộc cách mạng vô cùng lớn, thay đổi hoàn toàn cách cung cấp cũng như cách khách hàng sử dụng dịch vụ. Do vậy, theo tôi rất cần tích hợp chính sách kinh doanh và yêu cầu pháp lý từ chính quyền, để xu hướng công nghệ mang tính đột phá này phát huy hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam không có khoảng cách quá xa so với các nước về nghiên cứu lẫn ứng dụng AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO