Truyền thông

Việt Nam mở rộng giao thương với các nước ASEAN

Đặng Loan - Tạp chí Thiết bị Giáo dục 18:23 01/11/2023

Tăng cường hợp tác, mở rộng giao thương là cách tốt nhất để các nước trong khu vực Đông Nam Á cùng nhau thích ứng với những chuyển biến chung toàn cầu, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước nhiều thách thức như hiện nay.

Những năm qua, chính sách tăng cường hợp tác quan hệ với nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã góp phần quan trọng khẳng định vị thế của Việt Nam, cũng như khẳng định đường lối đối ngoại "Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Quá trình hợp tác sẽ mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh giao thương để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, khai thác, nhưng cũng đồng thời buộc các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao thực lực dựa trên những chuẩn mực chung, tiến bộ khi mở rộng thị trường, địa bàn hoạt động. Cơ hội sẽ rất lớn khi quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam xếp thứ 2 trong khối ASEAN, trên Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Trong những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Myanmar, Brunei có mức tăng trưởng dương, trong đó hai thị trường đáng chú ý là Thái Lan và Singapore. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Những mặt hàng xuất khẩu trong nhóm hàng chế biến, chế tạo đạt giá trị và mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất (đạt 801 triệu USD, tăng 17,8%); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 1,49 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.

2_02419.jpg
Thị trường ASEAN chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Thị trường nhiều tiềm năng cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam

ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với khu vực thị trường ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như: Khoảng cách địa lý gần, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng. ASEAN có Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA); giữa Việt Nam và một số nước thành viên ASEAN có các thỏa thuận song phương tạo thuận lợi cho thương mại.

ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mục đích là đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tham gia tiếp cận trực tiếp với thị trường ASEAN. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến, nhất là việc xác minh đối tác.

Những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, thủy sản và khoáng sản. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Indonesia. Đáng chú ý vài năm gần đây, Thái Lan và Indonesia đã trở thành các thị trường nhập khẩu ô tô lớn nhất của Việt Nam, vượt qua các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức…

Bên cạnh đó, dệt may cũng là nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang ASEAN. Ngoài ra, còn có các nhóm mặt hàng như hàng chế biến, chế tạo, điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cà phê, chè, vật liệu xây dựng…

Đặc biệt mặt hàng gạo, thị trường ASEAN chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong số các nước ASEAN, lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines. Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei. Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

Chiến lược tiếp cận hiệu quả thị trường ASEAN

Thị trường ASEAN được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, những nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là nguyên liệu thô và sơ chế nên hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao. Mặt khác, những mặt hàng này sẽ từng bước được cắt giảm do nguồn nguyên liệu tự nhiên đang cạn kiệt dần cũng như việc thực hiện chính sách hạn chế tài nguyên xuất khẩu. Vì vậy, cần có những biện pháp cũng như cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.

Để có chiến lược tiếp cận hiệu quả thị trường ASEAN, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nhu cầu cũng như các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia. Do hàng hóa của Việt Nam và các nước ASEAN có nhiều điểm tương đồng nên doanh nghiệp cần tập trung chuyên sâu về chế biến để tạo sự khác biệt và vượt trội về chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh và thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới, đây là những khuôn khổ hợp tác rất lớn, có thể tác động rất mạnh mẽ đến thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Cũng do một số nước trong ASEAN có mức tương đồng cao về cơ cấu sản phẩm, Việt Nam cần sẵn sàng đón nhận và tích cực tham gia vào quá trình dịch chuyển vốn trong nội khối ở những nhóm ngành hàng này và chủ động hợp tác với các nước ASEAN xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế ra thị trường thế giới…

Bài liên quan
  • Các quốc gia chung tay xây dựng Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN
    Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASCC lấy việc phát triển con người làm trọng tâm hàng đầu, xây dựng sự đoàn kết và thống nhất bền vững giữa các quốc gia và dân tộc thuộc ASEAN, hướng đến bản sắc chung, xây dựng một xã hội với mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao thông qua sự chia sẻ, đoàn kết, tạo điều kiện cho một cộng đồng rộng mở.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam mở rộng giao thương với các nước ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO