Việt Nam - Nhật Bản tập trung hợp tác về CPĐT, thành phố thông minh, ATTT

Lan Phương, Mạnh Vỹ| 29/08/2018 16:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng đã phát biểu nhấn mạnh các doanh nghiệp (DN) ICT Việt Nam và Nhật Bản cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt tập trung cho các nội dung về Chính phủ điện tử (CPĐT), thành phố thông minh và bảo đảm an toàn thông tin (ATTT).

Ngày 29/8/2018, tại Hà Nội, Ngày CNTT Nhật Bản 2018 - Japan ICT Day lần thứ 12 đã chính thức được VINASA và CLB VJC tổ chức tại Tp. Hà Nội với chủ đề: “Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Đây là một chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được tổ chức hàng năm. Tham dự Chương trình có ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TTTT,  ông Yuichiro Uchida, Bí thư Thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng trên 350 đại biểu trong nước và quốc tế trong đó có 8 đoàn đại biểu Nhật Bản với trên 80 đại biểu đến từ Nhật Bản và Quốc tế tham dự các hoạt động của chương trình trong 05 ngày từ 27 – 31/8/2018 tại Tp. Hà Nội và Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng phát biểu

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa khi năm 2018 là năm đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong lĩnh vực TTTT, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản liên tục được thúc đẩy, cả về cấp độ cơ quan quản lý, cũng như cấp độ doanh nghiệp (DN) với vai trò cầu nối tích cực của các Hội/Hiệp hội CNTT hai quốc gia. Bộ TTTT Việt Nam và Bộ Nội vụ Truyền thông Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện, trong đó có thể kể tới các thỏa thuận hợp tác về quản lý tần số vô tuyến điện, ATTT, bưu chính, và đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT. Đồng thời, hai bên cũng đang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Năm 2017, nhóm công tác chung về CNTT đã được hai Bộ trưởng thành lập nhằm khai thác các nội dung đã được thống nhất trên tinh thần hợp tác, phát triển đôi bên cùng có lợi.

Trong lĩnh vực phần mềm, hiện nay, Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các DN Việt Nam. Hầu hết các DN phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng trung bình 15%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn.

Nhật Bản là một quốc gia đi đầu, với nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực. Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết: “Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã được thống nhất giữa hai Bộ; hiện thực hóa các hoạt động của nhóm công tác chung, tập trung vào các nội dung xây dựng CPĐT, thành phố thông minh, bảo đảm ATTT….; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư CNTT-TT mở ra nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác cho các DN Việt Nam và Nhật Bản”.

Thứ trưởng cho biết Ủy ban Quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch vừa được ký quyết định thành lập, theo đó, các DN CNTT của hai nước cần tham gia đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ TTTT trong việc xây dựng CPĐT Việt Nam. Bộ TTTT cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi số dự kiến sẽ trình duyệt và thực hiện trong thời gian tới đảm bảo Việt Nam bắt kịp cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên thế giới.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch VINASA

Thay mặt cho VINASA,ông Nguyễn Đoàn Hùng,, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) cho biết: “Cuộc CMCN lần thứ 4 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn, có thể nói là tương lai của hợp tác CNTT giữa DN Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới. Theo khảo sát của VINASA và VJC, số lượng các dự án hợp tác sử dụng công nghệ mới đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều DN nhỏ đang đầu tư xây dựng năng lực các mảng công nghệ mới này và đã có nhiều dự án hợp tác thành công”.

Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt NamYuichiro Uchida phát biểu

Nhấn mạnh về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực CNTT giữa hai nước, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Yuichiro Uchida cho biết CMCN 4.0 mang lại những thay đổi to lớn và bảy tỏ tin tưởng kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0. Nhật Bản cũng đang thiếu hụt kỹ sư CNTT và mong muốn hợp tác Việt Nam.

Trong khi đó, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - Jetro tại Hà Nội cho biết gần đây không chỉ các DN Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam mà cũng có nhiều DN Việt Nam sang Nhật Bản đầu tư. CMC, FPT đã thành lập tư cách pháp nhân tại Nhật Bản. FPT đã có công ty con thứ 6 được thành lập tại Nhật Bản.

Đại diện cho Ủy ban Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JISA), ông Seicchi Ito cho biết các DN Việt Nam có thể quan tâm các lĩnh vực như phát triển offshore - thị trường vẫn còn rất nhiều và kỹ sư Việt Nam có thế mạnh về lĩnh vực này; Công nghệ quản lý, theo đó, các kỹ sư CNTT Việt Nam cần học thêm về cách quản trị. FPT Software và một số DN CNTT Việt Nam đã có một đội ngũ nhân lực nghiên cứu blockchain. Trong hai năm tới, ngành CNTT Nhật Bản cần nhân lực như vậy. Đội ngũ kỹ sư Việt Nam cũng có ý tưởng mới mẻ và độc đáo nếu hai bên hợp tác vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội. DN CNTT hai nước cũng có thể liên doanh cùng phát triển và mở ra thị trường mới trên toàn cầu.

VINASA và Hiệp hội Hệ thống thông tin và Điện tử Kansai (KEIS), Nhật Bản ký kết hợp tác

Trong khuôn khổ ngày CNTT Nhật Bản 2018, vấn đề Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc CMCN lần thứ 4 được đưa ra bàn thảo chi tiết tại 2 phiên tọa đàm: Cải thiện chất lượng hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản; và Thực tiễn hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong các dự án công nghệ mới. Những diễn giả trao đổi tại tọa đàm là lãnh đạo các công ty có uy tín hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản: Luvina, Toshiba, Rikkeisoft, DTS Software Vietnam, Deha, NTT Data, FPT, JTS… Các diễn giả đều cho rằng tuy hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn nhưng hợp tác CNTT Việt - Nhật ngày càng khởi sắc.

Các đại biểu tham gia tọa đàm

Bên cạnh hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, Japan ICT Day năm nay còn bao gồm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm trực tiếp hỗ trợ DN hai nước giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, và tìm kiếm cơ hội hợp tác như: Chương trình giao thương, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, giải pháp, hội thảo hợp tác tại Đà Nẵng, thăm các DN tại Đà Nẵng.

Nhân dịp Ngày CNTT Nhật Bản 2018 diễn ra cuộc thi Hackathon được tổ chức bởi Hiệp hội Phần Mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Câu Lạc Bộ Việt Nhật (VJC) và Hiệp hội Nội dung số tỉnh Okinawa của Nhật Bản (OADC) với chủ đề “Thành phố thông minh” kéo dài 17,5 tiếng đồng hồ trong 2 ngày 27- 28/8. Giải thưởng cho đội chiến thắng sẽ được trao vào chiều ngày 29/8/2018. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Nhật Bản tập trung hợp tác về CPĐT, thành phố thông minh, ATTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO