Truyền thông

Việt Nam triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ, tái sinh rừng ngập mặn

P.V 17:35 03/11/2023

Những năm gần đây, diện tích rừng ngập mặn trong cả nước đang bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới biến đổi khí hậu, hệ sinh thái. Trước thực trạng đó, Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm chung tay bảo vệ, duy trì hệ sinh thái ven biển.

Diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp nghiêm trọng

Với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với đa dạng sinh học cao. Rừng ngập mặn của Việt Nam có tại 600 xã của 130 huyện/thị thuộc 28 tỉnh thành có biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Đây cũng là nơi cư trú của các loài chim; vườn ươm cho các loài cá với hơn 80% các loại hải sản dành một phần đời để trú ngụ, là mái nhà bảo vệ sinh vật biển trước những hiểm nguy trong lòng đại dương. Đồng thời, rừng ngập mặn còn có tác dụng như “bộ lọc” hấp thu các chất độc hại trong nước, điều hòa khí hậu trong vùng, bảo vệ cuộc sống con người,…

ve-con-chim-9a1bd5.jpg
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với đa dạng sinh học cao.

Mặc dù có vai trò quan trọng, là “lá phổi xanh” không thể thiếu để đảm bảo cho hệ sinh thái ven biển, song hiện nay diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành Lâm nghiệp, năm 2019 diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam là 256,3 nghìn ha, trong đó diện tích có rừng 150,1 nghìn ha (trong đó: rừng tự nhiên: 54,7 nghìn ha, rừng trồng: 95,3 nghìn ha), diện tích chưa thành rừng 106,2 nghìn ha.

Các hoạt động phá rừng; nuôi trồng thủy sản tự phát; quảng canh; khai thác gỗ, củi rừng ngập mặn trái phép đã khiến cho diện tích rừng ngập mặn bị suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, triều cường, sạt lở bờ biển, cửa sông làm mất rừng, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng,… đã gây thiệt hại một diện tích không nhỏ rừng ngập mặn ven biển.

Kết quả trồng mới và trồng phục hồi rừng ven biển đạt thấp; tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả trồng rừng ven biển.

Một số dự án trồng rừng ven biển triển khai thực hiện còn chậm; công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của một số địa phương chưa quyết liệt. Mặt khác, do ảnh hưởng của thiên tai như: Bão lốc, rét hại, lũ lụt, sinh vật hại,… đã làm chết nhiều diện tích rừng trồng tại các địa phương như: Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình… vốn là các tỉnh có phong trào trồng rừng ngập mặn phát triển.

Tập trung quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển

Trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng của rừng ngập mặn, nhiều năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.

images1744635_l_nh___o_s__tn_mt_tham_gia_tr_ng_r_ng_ng_p_m_n_t_i_v__n_qu_c_gia_c_n___o..jpg
Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển trong thời gian tới.

Đặc biệt, Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” ra đời đã góp phần đưa ra định hướng để quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Đề án chú trọng phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Bên cạnh đó, tập trung khôi phục và phát triển rừng. Cụ thể, trồng mới 20.000 ha rừng, gồm: 9.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021-2025, trồng mới 11.000 ha.
Xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển;...

Ngoài ra, nhiều tỉnh thành có biển như: Quảng Ninh, Nam Định, Bến Tre, Trà Vinh, TP. Hồ Chí Minh,… đã và đang chung tay, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trồng, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Tỉnh Bến Tre hiện đã đưa vào quy hoạch 8.840ha đất rừng ngập mặn. Trong đó, đất có rừng khoảng 4.368ha, tập trung tại các xã thuộc 3 huyện ven biển gồm: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại. Tại Cà Mau, tỉnh đã triển khai Dự án “Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương” trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 4/2021...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ, tái sinh rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO