Diễn đàn

ICT sẽ định hình cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong tương lai

Ngọc Diệp 13:01 07/03/2023

Khủng hoảng khí hậu đang hiện diện và diễn biến xấu dần qua mỗi năm. Những thảm họa tự nhiên và thiên tai diễn ra tại nhiều quốc gia với mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy trong hàng thập kỷ. Trong bối cảnh đó, các giải pháp công nghệ khí hậu là ưu tiên hàng đầu của nhiều chính phủ và công ty.

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiện vẫn là một trong những lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng và vật liệu. Tuy nhiên, một loạt các giải pháp công nghệ số hiện có có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính, tạo khả năng phục hồi cho các cộng đồng và giúp phát triển bền vững.

cop27_adobestock_238486548.jpeg

Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), cơ quan chuyên trách về ICT của Liên Hợp Quốc, đã hợp tác chặt chẽ với các chính phủ và đối tác trong ngành tận dụng sức mạnh của kỹ thuật số để giám sát, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), bao gồm cả các giải pháp sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp như hệ thống cảnh báo sớm.

Cảnh báo sớm để thích ứng với BĐKH

BĐKH đã trở thành một vấn đề rõ ràng hơn ở tất cả các nơi trên thế giới, dẫn đến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán và cháy rừng. Sự gia tăng độ ẩm trong khí quyển đang dẫn đến lượng mưa rất lớn và lũ lụt gây chết người, trong khi sự ấm lên của đại dương đang thúc đẩy các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao. Chính vì vậy, các giải pháp công nghệ khí hậu hiện đang là ưu tiên của nhiều chính phủ và công ty trên thế giới.

Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP27), diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2022, vai trò quan trọng của các công nghệ số trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất về khí hậu trên thế giới đã được thảo luận.

Tại sự kiện này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã công bố Kế hoạch hành động điều hành để thực hiện sáng kiến Cảnh báo sớm cho mọi người (EWW4ALL). Sáng kiến này kêu gọi đầu tư vào kiến thức rủi ro thiên tai, quan sát và dự báo, chuẩn bị và ứng phó, cũng như truyền thông cảnh báo sớm, đặc biệt ưu tiên cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: “Chúng ta phải tăng cường khả năng dự báo cho tất cả mọi người và xây dựng năng lực hành động của họ. Chúng ta hãy nhận ra giá trị của cảnh báo sớm và hành động sớm như những công cụ quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai và hỗ trợ thích ứng với khí hậu”. Điều này sẽ ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như thiên tai ngày càng gia tăng.

Sáng kiến phác thảo các khoản đầu tư mục tiêu mới ban đầu là 3,1 tỷ USD từ nay đến năm 2027, tương đương với chi phí chỉ 0,01 USD mỗi người mỗi năm.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) là đồng chủ trì trong việc thực hiện kế hoạch.

Trong một báo cáo năm ngoái, họ cho rằng chưa đến 50% số quốc gia không được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ, đây là một trong những biện pháp thích ứng khí hậu đã được chứng minh không chỉ cứu mạng sống mà còn có thể giảm thiệt hại kinh tế do thiên tai khí hậu. Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng đã báo cáo vào năm 2019 rằng chỉ cần 24 giờ thông báo về một sự kiện nguy hiểm sắp xảy ra có thể cắt giảm 30% thiệt hại sau đó. Các hệ thống này cũng giúp giảm tỷ lệ tử vong do thảm họa xuống 8 lần.

Ứng dụng ICT để đưa ra cảnh báo sớm

Bên cạnh việc thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo tất cả mọi người, mọi nơi đều được hưởng lợi ích từ các công nghệ hiện tại và tương lai, ITU cũng phải đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi số xanh và bền vững

ITU đang dẫn dắt trụ cột thứ ba của Kế hoạch hành động của sáng kiến EWW4ALL, đó là phổ biến cảnh báo và truyền thông nhằm chia sẻ thông tin rủi ro kịp thời, dễ hiểu và có thể được tiếp cận bởi  tất cả những người cần thông tin đó.

ITU có lợi thế  để tiếp cận nhiều người hơn thông qua nhiều kênh truyền thông, bao gồm radio, TV, Internet, phương tiện truyền thông xã hội, điện thoại di động, còi báo động. Khoảng 95% dân số thế giới hiện đã được phủ sóng bởi các mạng băng rộng di động và cứ 4 người trên toàn cầu thì có 3 người sở hữu điện thoại di động. Các mạng này có thể được sử dụng để làm hệ thống cảnh báo sớm. Chúng đã được sử dụng rộng rãi trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít nước đang phát triển thực hiện.

Để thực hiện điều này, ITU đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác và các bên liên quan từ cả khu vực công và tư nhân cũng như Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), UNDRR, WMO, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP),... ITU cũng hợp tác chặt chẽ với WMO và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) để đánh giá tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát thiên tai, giúp đặt nền tảng cho các thực tiễn tốt nhất về việc sử dụng AI để phát hiện và cảnh báo thiên tai cũng như cung cấp thông tin liên lạc hiệu quả trong thời gian xảy ra thảm họa.

Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số xanh

Nhiều tổ chức khác nhau trên thế giới đang nỗ lực làm việc để thực hiện các ưu tiên và mục tiêu của ITU.

Ví dụ, Trung tâm và mạng lưới công nghệ khí hậu (CTCN) do UNEP chủ trì đã hỗ trợ các nước đang phát triển phát triển các công nghệ thân thiện với môi trường để giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Chương trình làm việc của CTCN trong giai đoạn 2023–2027 nêu bật các yếu tố hỗ trợ chuyển giao và phát triển công nghệ kỹ thuật số trong 5 hệ thống chuyển đổi: mối liên hệ giữa nước-năng lượng-thực phẩm, các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, tính di động bền vững, hệ thống năng lượng, doanh nghiệp và công nghiệp.

Trong khi đó, Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA), một đối tác của ITU, đã thành lập Liên minh bền vững kỹ thuật số Chính phủ (GDSA) nhằm tìm kiếm các giải pháp công nghệ để đáp ứng các cam kết bền vững của Vương quốc Anh.

Tương tự, ITU cũng nỗ lực để thúc đẩy các hành động toàn cầu và bổ sung nhằm thúc đẩy tỷ lệ thu gom rác thải điện tử, cải thiện điều kiện môi trường và sức khỏe con người, tạo việc làm, giảm khoảng cách số và cuối cùng chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, một thành viên của ITU, đã giới thiệu các giải pháp và khoa học khí hậu dựa trên các vệ tinh Sentinel đang qua sát hành tinh và cung cấp dữ liệu về các biến số thiết yếu như tổn thất băng hằng năm do hiện tượng ấm lên toàn cầu, nhiệt độ bề mặt biển và nạn phá rừng. 

Hướng tới COP28

Quy mô của thách thức khí hậu ngày nay khiến cho mối quan tâm này càng trở nên đáng kinh ngạc, đòi hỏi hành động chung của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức đa phương và ngành ICT toàn cầu, nhằm đạt được tốc độ, quy mô và mức độ phức tạp yêu cầu của quá trình chuyển đổi cần thiết nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và thực hiện Hiệp định Pari.

Được biết, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) sẽ chủ trì hội nghị COP28 tại Dubai trong tháng 11 và 12/2023. Chủ tịch COP28 nhận định thế giới đang cố gắng bắt kịp mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất ở ngưỡng 1,5°C, trong khi lượng khí thải toàn cầu phải giảm tới 43% vào năm 2030. Do đó, tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động hơn nữa để khai thác các công cụ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH.

Quyết tâm này đã được thể hiện rõ ràng tại COP27 và tại Hội nghị phát triển viễn thông thế giới năm ngoái. Nhiều chính phủ đã cam kết hành động vì khí hậu và chuyển đổi số. Tuy nhiên, làm việc độc lập, tách biệt thường không mang lại hiệu quả cao. Đây chính là cơ hội cho các tổ chức quốc tế như ITU và UNEP kết nối những tham vọng này và các bên liên quan để cùng nhau thực hiện các mục tiêu chung quan trọng./.

Theo ITU, UN News
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ICT sẽ định hình cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO