Chuyển đổi số

Việt Nam ưu tiên phát triển hạ tầng số thu hút đầu tư

PV 14:29 11/02/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Ngày 10/2, trong chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với tập đoàn, các quỹ đầu tư lớn của Singapore và của nước ngoài có trụ sở tại Singapore về cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp - DN).

2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong

Việt Nam ưu tiên phát triển hạ tầng số

Hiện nay, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư, với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 440 tỷ USD. Với kết quả đó, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Trong đó, với hơn 3.100 dự án và 71,3 tỉ USD vốn đăng ký, Singapore đứng thứ 2/142 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Riêng trong 3 năm gần đây, Singapore liên tục là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam, tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam và luôn nghiêm túc triển khai các dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.

Về thương mại, Singapore là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 9,15 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2021 với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại…

Lãnh đạo các DN, quỹ đầu tư cũng đặt câu hỏi về ưu tiên của Việt Nam trong phát triển hạ tầng số; các chính sách để thu hút đầu tư từ các DN ESG - các tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của DN đến cộng đồng.

Phát biểu với các nhà đầu tư, DN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho cho biết, năm 2022, kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát kiểm soát tốt, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống người dân được cải thiện. Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt 700 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay, giải ngân vốn FDI đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao…

Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt trên tất cả các khía cạnh của Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển KHCN, ĐMST để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị các DN, nhà đầu tư hỗ trợ Việt Nam trên một số lĩnh vực trọng tâm, gồm xây dựng và hoàn thiện thể chế vì mục tiêu tăng trưởng xanh, các chính sách huy động, thu hút các nguồn tài chính xanh đến Việt Nam, kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh; đề xuất các chính sách cần thiết để thúc đẩy đầu tư vào chuyển đổi năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nền kinh tế xanh, tuần hoàn, CĐS, ĐMST; kết nối, giới thiệu đối tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp tài chính xanh.

6.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính  làm việc với tập đoàn, các quỹ đầu tư lớn của Singapore và của nước ngoài có trụ sở tại Singapore

Đẩy mạnh hợp tác về KHCN, ĐMST

Cũng trong ngày 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện kết nối hai nền kinh tế ở tầm cao mới, hiệu quả và thiết thực hơn; chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực CĐS; đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi xanh, năng lượng xanh; đặt ưu tiên hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, KHCN, ĐMST.

Phó Thủ tướng Singapore khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của Singapore ở khu vực; hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chủ chốt như kinh tế số, CĐS, chuyển đổi năng lượng…

Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên cần trao đổi tăng cường cơ chế hợp tác giữa hai Chính phủ để rà soát và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam ưu tiên phát triển hạ tầng số thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO