Chuyển đổi số

Viettel gỡ khó, giúp ngành Tòa án chuyển đổi số thành công

Ngọc Diệp 17/07/2024 06:35

Xây dựng tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay. Tuy nhiên, làm sao để xây dựng toà án điện tử vừa tiết kiệm, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động hiệu quả, vừa dễ dàng tiếp cận để củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật là một vấn đề rất khó.

Vậy, Viettel đã giải quyết bài toán này như thế nào khi xây dựng toà án điện tử, một mô hình chuyển đổi số (CĐS) thành công cấp bộ, ngành.

448349584_880588657444523_3286148047170670581_n.jpeg
Hội nghị giới thiệu mô hình CĐS thành công cấp bộ, ngành của ngành Tòa án.

Giải mã mô hình CĐS thành công ngành Tòa án

Tại Việt Nam, đẩy nhanh quá trình CĐS và xây dựng tòa án điện tử đã được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm. Thời gian qua, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống CNTT tiên tiến để giải quyết các công việc tòa án trên môi trường số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án.

Theo báo cáo hiệu quả của TANDTC, trong 3 năm triển khai ứng dụng các hệ thống công nghệ vào hoạt động, ước tính Tòa án đã tiết kiệm được 20% chi phí hoạt động và chi phí xã hội; tăng 30% năng suất lao động của thẩm phán, công chức tòa án; rút ngắn 70% thời gian người dân thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án. Có thể nói, thành công lớn nhất chính là việc CĐS đã trở thành công cụ làm việc hàng ngày của 12.000 cán bộ có chức danh tư pháp cúa ngành Tòa án.

Ngay từ đầu, TANDTC đã lựa chọn đối tác chiến lược để đồng hành, vì CĐS không phải là mua một phần mềm về sử dụng mà là phát triển các phần mềm cho chính mình. Phần mềm CĐS không phải là viết ra là xong mà sẽ được hoàn thiện trong quá trình sử dụng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) công nghệ số và cơ quan nhà nước, phải đi cùng nhau trên một chặng đường dài và trở thành đối tác chiến lược của nhau, DN phải có nguồn nhân lực dành riêng cho dự án CĐS.

Là một đơn vị chủ lực của Tập đoàn Viettel trong công cuộc CĐS, Viettel Solutions đã trở thành đơn vị đồng hành, tư vấn, cung cấp và triển khai các giải pháp công nghệ số cho tòa án từ năm 2021 với sự ra đời của Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động Toà án nhân dân. Trong 3 năm qua, bên cạnh Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Toà án, Viettel Solutions đã triển khai thành công nhiều hệ thống CĐS quan trọng cho Tòa án như Trung tâm dữ liệu Toà án; Hệ thống quản lý công việc và công tác chỉ đạo điều hành, đồng thời tư vấn và thử nghiệm những hệ thống giải pháp mới như: Trợ lý ảo tòa án;… góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện mô hình kiến trúc của Toà án điện tử.

Thực tế, để xây dựng mô hình toà án điện tử vừa tiết kiệm, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động hiệu quả, vừa dễ dàng tiếp cận để củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật là một vấn đề rất khó. Để giải quyết bài toán này, Viettel Solutions đã tiếp cận bài toán CĐS Tòa án thông qua hai hướng chính.

Đầu tiên là tiếp cận theo hướng tư vấn tổng thể về Ngành. Đồng hành từ những ngày đầu, Viettel đã hợp tác với Tòa án từ giai đoạn nghiên cứu và dự thảo đề án xây dựng tòa án điện tử. Nhờ tận dụng kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), tư vấn kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT), quy hoạch các dự án đầu tư công và xây dựng các giải pháp đặc thù về AI, Viettel Solutions đã có những đóng góp chuyên môn vào dự thảo xây dựng kiến trúc tòa án điện tử phù hợp với đặc thù của hệ thống tư pháp Việt Nam, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Thứ hai là tiếp cận theo hiện trạng nhu cầu thực tế. Dựa trên hiện trạng tin học hóa của tòa án và nhu cầu bức thiết nhất, Viettel đã chọn ra những giải pháp cụ thể để ưu tiên xây dựng trước. Đồng thời với tư duy lấy quy trình tố tụng làm trọng tâm, Viettel đã tập trung xây dựng vào các giải pháp đáp ứng đúng nhu cầu và đặc thù của hệ thống tư pháp.

448639309_880588690777853_8876527311706985131_n.jpeg

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Viettel cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Một là, quy trình tố tụng và nghiệp vụ của tòa án có nhiều đặc thù và yêu cầu cao về tính chính xác cũng như bảo mật. Do đó, các kỹ sư của Viettel đã phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để tìm hiểu, phân tích và tư vấn quy trình xây dựng, đầu tư ứng dụng CNTT đáp ứng các yêu cầu của pháp luật và kiến trúc Tòa án.

Hai là đáp ứng yêu cầu pháp luật và tiến độ, chi phí, theo đó hệ thống mới cần đảm bảo phải tuân thủ các quy định pháp luật, kiến trúc Tòa án và phù hợp với tiến độ, chi phí và mức độ trưởng thành về công nghệ. Để giải quyết thách thức này, Viettel đã góp ý tư vấn kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp để đảm bảo tiến độ và chi phí trong quá trình triển khai.

Ba là những khó khăn về công nghệ. Việc ứng dụng các công nghệ mới, điển hình như giải pháp trợ lý ảo mà Viettel tư vấn triển khai thí điểm đòi hỏi sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng. Cụ thể, Viettel đã thí điểm thành công giải pháp trợ lý ảo Tòa án Nhân dân, dựa trên lợi thế về công nghệ nền tảng AI, song hành cùng các chuyên gia để tạo lập được kho dữ liệu nghiệp vụ để huấn luyện AI, không chỉ vậy các chức năng của trợ lý ảo không chỉ dừng lại ở hỏi đáp mà đi sâu giải quyết được nhu cầu nghiệp vụ, đem lại hiệu quả thực tiễn và nâng cao khả năng xử lý công việc của Tòa án.

Với những nỗ lực và giải pháp sáng tạo, Viettel Solutions đã và đang góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa hệ thống tư pháp tại Việt Nam, giúp tòa án điện tử trở nên hiệu quả và dễ dàng tiếp cận hơn, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật.

Nỗ lực không ngừng để "toả sáng"

Chia sẻ thêm kinh nghiệm từ góc độ là đơn vị đồng hành, cung cấp và triển khai giải pháp công nghệ cho tòa án điện tử, đại diện Viettel Solutions cho biết: "Là đơn vị đồng hành và triển khai giải pháp công nghệ cho tòa án điện tử và các mô hình CĐS cấp bộ, ngành, Viettel Solutions đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu". Dưới đây là các yếu tố then chốt trong quá trình thực hiện".

Bám sát các phương pháp luận theo luật định và tham chiếu chuẩn hoá, quốc tế hóa

Khi tư vấn CĐS cấp Bộ, ngành các chuyên gia của Viettel Solutions luôn tham chiếu dựa trên mô hình kiến trúc CPĐT 3.0. Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn còn dụng khung kiến trúc DN TOGAF để thiết kế và triển khai các giải pháp, giúp tối ưu hóa quá trình quản lý và vận hành hệ thống CNTT, đảm bảo các giải pháp tư vấn phù hợp với chuẩn quốc tế và đáp ứng các yêu cầu của nhà nước.

Khảo sát nhu cầu thực tế và lấy người dùng làm trung tâm

Viettel Solutions đã tiến hành khảo sát thực tế nhu cầu của từng đơn vị, đảm bảo hiểu rõ các yêu cầu và mong muốn của người dùng cuối. Từ đó, thiết kế các giải pháp công nghệ lấy người dùng làm trung tâm, tập trung vào trải nghiệm sử dụng để đảm bảo tính thân thiện và hiệu quả

Tập trung vào các công nghệ lõi cần thiết

Không chuyển giao ồ ạt, Viettel Solutions tập trung vào các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và dữ liệu lớn (big data) để giải quyết các vấn đề cốt lõi, tránh chuyển giao công nghệ một cách ồ ạt mà không hiệu quả. Đồng thời ưu tiên hiệu quả, công ty đã lựa chọn và triển khai các giải pháp công nghệ dựa trên khả năng mang lại hiệu quả cao nhất cho từng giai đoạn và nhu cầu cụ thể.

Nắm vững và cập nhật liên tục các thay đổi pháp lý

Viettel Solutions luôn cập nhật các thay đổi về yếu tố pháp lý liên quan đến đầu tư và ứng dụng CNTT của nhà nước, đảm bảo các giải pháp công nghệ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, đội ngũ pháp lý và chuyên gia của Viettel luôn sẵn sàng tư vấn và điều chỉnh các giải pháp công nghệ để đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới từ phía nhà nước.

Quản lý thay đổi và tương tác liên tục

Để quản lý thay đổi, Viettel Solutions xây dựng kế hoạch quản lý các yêu cầu thay đổi chi tiết, giúp đội ngũ kinh doanh, tư vấn, phát triển, triển khai đánh giá kịp thời rủi ro, quản lý liên tiến độ phát triển và liên tục đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Mặt khác, duy trì sự tương tác và phản hồi liên tục với khách hàng, giúp cải thiện và điều chỉnh hệ thống kịp thời, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thực tế.

Kinh nghiệm và thành công của Viettel Solutions trong CĐS không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các cơ quan nhà nước mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Viettel gỡ khó, giúp ngành Tòa án chuyển đổi số thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO