Thời gian qua, Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số thông qua các dịch vụ tài chính số, trong đó có thanh toán số. Song thực tế còn nhiều hạn chế do người dân chưa có điều kiện tiếp cận với ngân hàng, còn tâm lý e ngại tính an toàn, bảo mật... Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, 69% người dân Việt Nam chưa được tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng hoặc các tổ chức tương tự.
Thực tế, để sử dụng các dịch vụ này, người dân nông thôn Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản về cả khoảng cách địa lý và nguồn cung. Bởi lẽ, tỷ lệ độ bao phủ mạng lưới dịch vụ ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa còn rất thấp, chênh lệch rất lớn đối với khu vực thành thị - nơi đã phát triển cả tài chính số.
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng cho biết, đến cuối năm 2020, các tỉnh như Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu chỉ có 4-5 ngân hàng, phần lớn là các ngân hàng chính sách, ngân hàng có vốn nhà nước như Agribank, BIDV... Trong đó, tại Lai Châu, độ bao phủ mạng lưới dịch vụ tài chính chỉ đạt khoảng 10.325 người trên mỗi điểm giao dịch, chỉ bằng 1/5 khu vực thành thị như Hà Nội, TP.HCM.
Theo đó, khi Mobile Money (tiền di động) vừa được triển khai đầu tháng 12 tại Việt Nam, Viettel xác định đây chính cầu nối giữa người dân nông thôn và các dịch vụ tài chính. Thay vì đi hàng cây số để đến các điểm giao dịch ngân hàng chuyển, nhận hay rút tiền, với hình thức tiền điện tử, người dân nông thôn chỉ cần tài khoản viễn thông để có thể thực hiện các tiện ích này.
Thứ nhất, Mobile Money nói chung, Viettel Money nói riêng có thể sử dụng trên mọi thiết bị. Các phương thức thanh toán số khác như ví điện tử, internet banking của ngân hàng... chỉ hoạt động dưới hình thức ứng dụng điện thoại trên các dòng thiết bị thông minh. Trong khi đó, người dân hoàn toàn có thể dùng tiền điện tử với điện thoại cục gạch (feature phone).
Thứ hai, hình thức này còn được kỳ vọng trở thành ví tiền lẻ cho người dân thực hiện mọi giao dịch trong đời sống hàng ngày như mua bán nhu yếu phẩm tại các hàng tạp hóa, chợ dân sinh... Chỉ với thao tác quét mã QR hoặc qua USSD, bấm *998# và nhấn gọi (với mạng Viettel), người dùng có thể thực hiện giao dịch.
Chị Phạm Hoa (40 tuổi, Cao Bằng) cho biết bản thân từng gặp tình huống chỉ cần đi vài trăm mét để mua đồ nhưng do không có tiền mặt, chị phải đi thêm mấy km nữa để rút tiền. Từ lời giới thiệu của chủ tạp hóa gần nhà, chị biết đến hình thức thanh toán mobile money và dần quen với thao tác quét mã QR. Các bất tiện trước đây cũng được giải quyết.
Bằng cách chuyển, rút tiền trên, người dùng cũng có thể sử dụng Mobile Money ngay cả khi không có Internet. Ông Trương Quang Việt - Phó tổng giám đốc Viettel Digital Service cho biết: Với mức độ phủ sóng dữ liệu di động rộng khắp cả nước, người dùng Viettel Money có thể đảm bảo trải nghiệm trọn vẹn dịch vụ này ở bất cứ đâu, không gặp rào cản vì hạn chế công nghệ.
Theo Báo cáo Trải nghiệm mạng di động Việt Nam (Mobile Network Experience Report) tháng 9 của Opensignal, Viettel là nhà mạng đi đầu về trải nghiệm vùng phủ sóng 4G ở Việt Nam, được đánh giá ở mức 8,8/10 điểm về trải nghiệm vùng phủ sóng 4G. Do đó việc thanh toán số bằng tiền di động của các chủ thuê bao được cho là ít bị gián đoạn như các hình thức khác.
Thứ ba, người dùng có thể sử dụng Mobile Money tại thông qua qua các điểm giao dịch. Riêng Viettel có tới hàng trăm nghìn điểm giao dịch, hỗ trợ nạp, rút, chuyển tiền... tại hơn 11.000 xã trên toàn quốc. Đồng thời, đây cũng là một mắt xích trong cầu nối liên kết người dân với các dịch vụ ngân hàng. Với người dân vùng sâu vùng xa, hải đảo... việc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, tại các điểm giao dịch trực tiếp này, họ có thể thực hiện giao dịch chuyển, nhận tiền từ các tài khoản ngân hàng khác.
Ngoài ra, với dịch vụ tiền di động, người dân có thể chủ động thanh toán hóa đơn điện, nước hàng tháng, thay vì chờ nhân viên thu tiền đến nhà hay di chuyển tới điểm thu nộp như trước đây. Chị Phạm An Vinh (công nhân một xưởng sản xuất nhỏ tại Điện Biên) chia sẻ, trước đây, gia đình chị từng bị cắt nước bởi khoảng thời gian cuối năm, công việc gấp rút, hai vợ chồng thường xuyên đi làm ca, người thu tiền đến nhà lại không thể gặp được. Giờ tôi đã biết cách trả tiền điện, nước qua điện thoại, không còn cảnh canh ngày, canh giờ chờ người ta đến hay di chuyển đến điểm thu nữa, chị nói thêm.
Như vậy, khi được giải quyết bài toán giao dịch không tiền mặt, người dân nông thôn cũng được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, an sinh xã hội... dễ dàng hơn. Với hơn 300 tiện ích cá nhân hóa theo nhu cầu khách hàng, Viettel Money mở ra cho người dùng hệ sinh thái bao gồm đầu tư, vay tiền, thanh toán bảo hiểm, học phí các trường đại học hay thậm chí, tham gia các khóa học online của Viettel.
Để sử dụng Viettel Money, người dân cần sở hữu SIM chính chủ và dùng dịch vụ viễn thông liên tục trong ít nhất ba tháng liền kề./.