Viettel triển khai nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng số xanh
Ngoài hạ tầng giao thông còn có hạ tầng số. Việc đầu tư và xây dựng hạ tầng số xanh, bền vững sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Chủ đề biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và mục tiêu net zero đã trở thành xu hướng rộng khắp trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Từ ngày 1/10/2023, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thí điểm việc đánh thuế carbon với hàng hoá xuất khẩu sang thị trường này theo Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM - được thiết kế để tương thích với quy định của WTO) nhằm ngăn chặn “rò rỉ” carbon. Các công ty big tech trên thế giới cũng đặt ra mục tiêu Net Zero đến năm 2030 như Apple, Microsoft, Google, Meta,...
Tại Việt Nam, Chính phủ đang tích cực, chủ động triển khai các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Đến nay khung pháp lý được ban hành với các chính sách đầy đủ, cụ thể bao gồm: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (từ 3.000 tấn CO2/năm hoặc 1.000 TOE trở lên); Quyết định số 1480/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021.
Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2024, tổng cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính lên tới 2.893 cơ sở, chiếm khoảng 34,5% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Hiện trạng tiêu thụ năng lượng của Viettel
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á (DX Summit) 2024, ông Lê Bá Tân, Trưởng Ban Kỹ thuật, Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết Viettel hiện có 11 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và đã thực hiện lập kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Theo ông Lê Bá Tân, năm 2023, riêng ở lĩnh vực vận hành khai thác mạng lưới, bao gồm 324 toà nhà và toàn bộ hạ tầng viễn thông, Viettel đã tiêu thụ 1,5 triệu Kwh với lượng phát thải CO2 khoảng 1 triệu tấn. Còn tính tất cả các hoạt động của Viettel thì tổng tiêu thụ điện năng lên tới 2 triệu Kwh và lượng khí thải thải ra chiếm 1/200 tổng lượng khí thải quốc gia.
Chính vì vậy, Chủ tịch Tập đoàn Viettel đã chỉ đạo các đơn vị tập trung vào lĩnh vực này. Năm 2024, Viettel vừa phê duyệt báo cáo Phát triển bền vững của Tập đoàn, trong đó đề ra các kế hoạch hành động và cam kết trách nhiệm của Viettel về sự bền vững trong các hoạt động phát triển của mình, tạo ra giá trị cho khách hàng, các đối tác, cộng đồng và hành tinh của chúng ta. Theo ông Lê Bá Tân, kế hoạch này sẽ sớm được công bố trong tháng 6/2024.
Cụ thể, khung kế hoạch hành động hướng tới phát triển bền vững của Viettel bao gồm 7 bước: Lập Kế hoạch tổng thể; Đo kiểm, kiểm toán năng lượng và định chuẩn; Triển khai áp dụng điều chỉnh quy trình và tập quán người sử dụng khi tham gia vào việc tiết kiệm năng lượng; Triển khai các giải pháp công nghệ hiệu quả năng lượng, ví dụ lựa chọn các thiết bị thông minh, tiết kiệm năng lượng,...; Chuyển đổi năng lượng, tích hợp năng lượng tái tạo và năng lượng xanh; Tìm kiếm, bù đắp carbon phát thải bằng tín chỉ carbon và giám sát, tối ưu liên tục.
Theo ông Tân, qua phân tích để thực hiện kế hoạch này, Viettel nhận thấy có những cơ hội và thách thức. Về cơ hội, đi theo chiến lược chuyển đổi xanh, Tập đoàn sẽ chủ động đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao về bền vững, làm tăng cơ hội kinh doanh, hợp tác đặc biệt với các tập đoàn lớn trên thế giới có nhu cầu cao về chuyển đổi xanh.
Mặt khác, Viettel có thể tận dụng nguồn tín dụng xanh từ các cam kết quốc tế và sớm hưởng lợi từ thị trường tín chỉ carbon, đồng thời nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu của Viettel.
Trong khi đó, thách thức lớn nhất mà Viettel phải đối diện khi triển khai chiến lược phát triển xanh là tăng chi phí đầu tư thiết bị và công nghệ mới thay thế cho các thiết bị cũ có hiệu năng thấp, đầu tư phát triển các hệ phần mềm quản lý thông minh như DCIM, SON; tăng chi phí sản xuất do bù đắp phát thải carbon.
Các giải pháp phát triển hạ tầng số xanh của Viettel
Hiện nay, các trung tâm dữ liệu (TTDL) liên tục được mở rộng để đáp ứng nhu cầu công nghệ và đòi hỏi một lượng điện ngày càng lớn để vận hành, đặt ra lo ngại về tác động môi trường. Để giải quyết vấn đề này, Viettel đã áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại để sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như tối ưu vận hành kỹ thuật.
Cụ thể là giải pháp làm mát hiệu quả (Phân vùng hành lang nóng/lạnh, Chiller giải nhiệt nước), sử dụng thiết bị hiệu năng cao (nguồn DC, UPS hiệu suất cao (HE 98%), server hiệu năng cao), quản lý năng lượng bằng phần mềm (Sử dụng phần mềm DCIM quản lý đồng bộ việc tiêu thụ điện và làm mát từ nguồn cho đến server nhằm đạt hiệu quả sử dụng cao nhất).
Về hạ tầng mạng lưới, trong năm nay, Viettel sẽ khai trương mạng di động 5G, theo đó, công suất trạm 5G tương đương công suất trung bình 1 trạm viễn thông hiện nay (gồm 2G + 3G + 4G). Đây không chỉ là thách thức với Viettel và tất cả các doanh nghiệp viễn thông.
Do đó, Viettel chủ động yêu cầu nhà cung cấp thiết bị 5G áp dụng triệt để tính năng tiết kiệm điện, hướng tới tiết kiệm 80% điện năng tiêu thụ giờ thấp điểm, xây dựng mạng lưới tự vận hành tối ưu (SON) áp dụng thuật toán AI, dữ liệu lớn việc tối ưu sử dụng tài nguyên mạng lưới (tự động tắt/bật trạm, tự động tắt/bật tài nguyên theo nhu cầu sử dụng của người dùng).
Đồng thời chuyển đổi giải pháp làm mát bằng điều hoà sang làm mát miễn phí (FAC - Free Air Cooling) cho 10.000 trạm, giúp giảm 75% chi phí điện làm mát của trạm. Bên cạnh đó, Viettel cũng tích cực ứng dụng năng lượng mặt trời đảm bảo nguồn cho trạm, gắn chuyển đổi xanh với chi phí hiệu quả.
Về phát triển thiết bị năng lượng xanh, hiện Viettel đang nghiên cứu, sản xuất tuabin gió mini (công suất 1 - 5kW). Thiết bị này được ứng dụng quy mô nhỏ, phân tán tại các trạm viễn thông có mức tiêu thụ 3 - 5kW/trạm), cắt giảm trực tiếp khoảng 30 - 50% điện tiêu thụ, từ đó giảm phát thải CO2 (gần 7 tấn CO2/trạm/năm), đồng thời giúp chủ động đảm bảo năng lượng cho trạm phát sóng, tối ưu chi phí điện. Tuabin gió mini còn được sử dụng để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho hộ dân, trang trại nhỏ, vùng biên giới hải đảo, giàn khoan, tàu thuyền hoạt động trên biển (mức tiêu thụ 0,5 – 5kW).
Ngoài ra, Viettel cũng đang nghiên cứu, sản xuất pin dòng ô-xy hoá khử Vanadium VRFB (Vanadium Redox Flow Batteries).Vanadium là một kim loại có thể tái chế 98%, giúp giảm thiểu tác động môi trường do khai thác và chế biến quặng. Axit sunfuric và nước cũng có thể được tái sử dụng nhiều lần trong chu kỳ hoạt động của pin. Giải pháp này được ứng dụng để lưu trữ năng lượng quy mô lớn, chẳng hạn như lưu trữ năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh và xe điện./.