7 kiến nghị thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra 7 kiến nghị tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á (DX Summit) 2024 diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/5/2024.
Với chủ đề “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số”, ông Cấn Văn Lực cho biết Diễn đàn năm nay có sáng kiến rất tích cực là tích hợp giữa câu chuyện chuyển đổi số (CĐS) và chuyển đổi xanh bởi đây là hai động lực tăng trưởng mới quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Ông Cấn Văn Lực cũng cho biết tham gia Diễn đàn có thể học hỏi được rất nhiều điều, nhiều ý tưởng hay, sáng kiến khả thi và nhất là nhiều kinh nghiệm quốc tế hay.
Cũng tại Diễn đàn, chuyên gia Cấn Văn lực đã nêu 7 kiến nghị. Theo đó, đầu tiên cần nhất quán và thống nhất khâu thống kê, đánh giá và đo lường quy mô, vai trò, mức đóng góp của kinh tế số, kinh tế xanh.
Riêng về kinh tế số chẳng hạn, hiện nay ta đang có 3 kết quả đo lường khác nhau: kinh tế số đóng góp 16,5% GDP năm 2023 (theo Bộ TT&TT), đóng góp 12,3% GDP (theo Tổng cục Thống kê), hay chỉ khoảng 7 - 8% GDP của 5 lĩnh vực (theo Google & Temasek)…. "Rõ ràng là chúng ta cần nhất quán khâu này để đảm bảo có số liệu sát hơn mới có thể quản trị - điều hành quốc gia và phát triển kinh tế số phù hợp".
Thứ hai, cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện Luật Giao dịch điện tử 2023, theo đó nhiều nội dung cần cụ thể hóa trên toàn quốc và theo từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, du lịch, giải trí, truyền thông, v.v.
Thứ ba, cần sớm cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, lộ trình, nguồn lực cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh 2021 - 2030, phát triển bền vững đến 2030, Chiến lược phát triển kinh tế số đến năm 2030, Đề án kinh tế tuần hoàn… (như cách làm của Đài Loan đối với Chiến lược xanh hóa nền kinh tế đến năm 2050 được trình bày tại phiên khai mạc Diễn đàn).
Thứ tư, với chuyển đổi xanh, cần sớm ban hành danh mục xanh (Green Taxonomy) để các bộ ngành, địa phương, DN có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh; có công cụ đo lường lượng khí phát thải của các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, DN…. để bên thừa - bên thiếu có thể trao đổi, mua - bán cho nhau. Theo đó, chúng ta cũng cần sớm thành lập thị trường tín chỉ carbon (sớm hơn kế hoạch đề ra là năm 2027)…
Thứ năm, với kinh tế số, cần nhất quán quan điểm là “Cân bằng giữa cởi mở và kiểm soát rủi ro”. Tư tưởng “cởi mở” là cần thiết mới có thể kiến tạo phát triển kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội, thậm chí là tiên phong trong một số lĩnh vực…
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần kiểm soát rủi ro, nhất là CNTT, an ninh mạng, thông tin - dữ liệu…. Với trí tuệ nhân tạo (AI), mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng cũng có nhiều rủi ro, nên châu Âu đang chuẩn bị có đạo Luật AI và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu để sớm ban hành.
Tương tự với cơ chế “sanbox”, hiện có nhiều quan điểm, nhìn nhận rất khác nhau giữa các bộ ngành, địa phương. Có ý kiến yêu cầu cần có chi tiết về kịch bản, giải pháp kiểm soát từng hành vi, từng trường hợp cụ thể, như thế sẽ không thể làm được, mà nên thay bằng những nguyên tắc nhất định, chấp nhận tỷ lệ rủi ro, thất bại nhất định (như thế mới gọi là “thử nghiệm”). Ta cần làm nhanh hơn vì đã rất chậm rồi.
Thứ sáu, với ngành công nghiệp bán dẫn, qua nghiên cứu sâu cho thấy, thế giới đã đi khá xa, có thị trường đã vào giai đoạn ổn định để phát triển, Việt Nam ta mới bắt đầu, liệu ta sẽ làm trình tự từng khâu hay công đoạn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn có phù hợp không? Hay cần nhận diện rõ hơn là ta đang ở đâu và nên làm khâu nào?
Tương tự, Việt Nam dự kiến đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn từ nay đến năm 2030 (hay 8.000 mỗi năm). Liệu có quá nhiều không, có khả thi không khi mà như Đài Loan chẳng hạn, họ có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển lâu rồi, mỗi năm tạo ra 160 tỷ USD doanh thu mà họ chỉ tập trung đào tạo khoảng 200 - 300 kỹ sư mỗi năm.
Ngoài ra, phương thức đào tạo đối với bán dẫn rất cần kết hợp giữa “học” và “hành”. Theo đó, ta cần mời 1 số DN nước ngoài lớn (mới hoặc đang có) hợp tác đào tạo cùng các trường đại học, như thế mới đảm bảo “đi tắt đón đầu” và hiệu quả được.
Cuối cùng, với Diễn đàn như thế này, ông Cấn Văn Lực đề nghị nên mời nhiều hơn các bộ, ngành có liên quan, các địa phương điển hình (như TP. Huế làm khá tốt về số hóa và xanh hóa…) tham gia. Đồng thời nên có đánh giá tình hình tiến triển (nhất là đối với các kiến nghị, giải pháp) sau mỗi lần tổ chức đến kỳ sau, cùng với việc có “chủ đề” cho mỗi Diễn đàn. Chủ đề này cần phát động sớm để các bên liên quan bắt tay thực hiện./.