Vinh danh 50+10 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2019

Lan Phương| 23/10/2019 09:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Tổng doanh thu năm 2018 của 50+10 doanh nghiệp (DN) CNTT hàng đầu Việt Nam 2019 đạt 693.657 tỷ đồng, tương đương 30,6 tỷ USD – chiếm 31% doanh thu toàn ngành CNTT Việt Nam năm 2018 (doanh thu toàn ngành 98,7 tỷ USD).

Ngày 22/10, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức vinh danh và Trao Chứng nhận cho 50 10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2019”, đồng thời công bố Ấn phẩm đặc biệt giới thiệu các DN này. Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm đã tham dự và Trao Chứng nhận cho các DN được lựa chọn.

Theo số liệu thống kê từ Ban tổ chức Chương trình, năm nay các DN đăng ký vào Nhóm các DN có năng lực 4.0 chiếm trên 1/3 tổng số DN tham gia. Qua việc thẩm định các DN đề cử trong nhóm này, các đoàn chuyên gia cũng ghi nhận các DN hiện nay đều có nhận thức rất rõ việc ứng dụng và phát triển các ứng dụng chuyển đổi số này để gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí và thời gian, tăng doanh thu cho DN.

Nhiều đơn vị đã thành lập các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)…

Về doanh thu, một số DN có sự tăng trưởng rất tốt trong năm 2018 cả về doanh thu và nhân lực, tiêu biểu như Rikkeisoft, MISA, KMS, FSI, Ominext, Saigon BPO…

Theo số liệu thống kê, 50 10 DN có tổng doanh thu năm 2018 đạt 693.657 tỷ đồng, tương đương 30,6 tỷ USD, chiếm 31% doanh thu toàn ngành CNTT năm 2018; tổng số nhân lực là 184.077 người, chiếm xấp xỉ 20% tổng số nhân lực toàn ngành CNTT Việt Nam.

Chương trình năm nay được triển khai trong bối cảnh các hiệu ứng của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đang ngày càng lan tỏa và rõ nét. Chính phủ Việt Nam đã và đang có những hành động hết sức quyết liệt.

Ngày 04/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4, trong đó có một số giải pháp được nhấn mạnh như:

- Tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực CNTT - truyền thông.

- Rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của CMCN lần thứ 4. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh. Rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.

- Tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo như: Có cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DN với tôn chỉ DN là trung tâm; đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có chính sách để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo; kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước.

Cùng đó, Bộ TTTT đang dự thảo trình Chính phủ Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, trong đó nêu rõ các giai đoạn chuyển đổi số cho Việt Nam từ nay đến năm 2030 gồm:

- Giai đoạn 1 (2019 - 2020): Số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội

Triển khai việc số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra các nguồn tăng trưởng mới (Tập trung xây dựng hạ tầng nền tảng; tạo điều kiện môi trường pháp lý; hướng dẫn, hỗ trợ DN chuyển đổi số, đặc biệt là DN vừa và nhỏ; phát triển Start-up số; phát triển nguồn nhân lực số).

- Giai đoạn 2 (2021 - 2025): Số hóa thành lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu

Nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế bằng cách triển khai các hệ sinh thái số tích hợp mới, hội tụ quanh các nhu cầu khách hàng (Tập trung thúc đẩy chuyển đổi mô hình DN, dịch chuyển các DN lên các nền tảng số/các hệ sinh thái, hình thành các chuỗi giá trị hội tụ..., chuyển đối số rộng rãi trong các ngành/lĩnh vực kinh tế xã hội).

- Giai đoạn 3 (2026 - 2030): Kinh tế - xã hội số toàn diện

Tiến tới nền kinh tế, xã hội số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế (Tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ số mới như AI, Immersive Media, IoT, Cybersecurity; chuyển số toàn diện, sâu sắc trong các lĩnh vực kinh tế xã hội).

Trong bối cảnh chung ấy, các DN phần mềm Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa những giải pháp và mục tiêu đó, nhất là khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chương trình “50 10 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2019” là sự hưởng ứng thiết thực lời hiệu triệu các DN Việt Nam dấn thân hơn trong hành trình Chuyển đổi số.

Với Danh hiệu đạt được này, bên cạnh Giấy chứng nhận, các DN 50 10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2019” đều có thông tin hiện diện trong Ấn phẩm Vietnam’s 50 10 Leading IT companies 2019; được VINASA sử dụng mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế của VINASA để quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ kết nối đến các đối tác, khách hàng tiềm năng trong nước và trên thế giới; được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước, quốc tế do VINASA tổ chức.

Ngoài ra, trong Ấn phẩm năm nay, VINASA sẽ lần đầu tiên giới thiệu một số DN có các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ 4.0 tiềm năng, với những sản phẩm, giải pháp ứng dụng các công nghệ mới của Cuộc CMCN lần thứ IV.

Có thể thấy, trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ trên toàn cầu, sự phát triển của các công nghệ mới, AI, Blockchain, Data Analytics, IoT… sẽ mang lại những bước tiến nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, mang đến những mô hình kinh doanh mới, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và logistics, giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn.

Trong dòng chảy chung đó, Chương trình 50 10 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2019là một trong những nỗ lực của VINASA nhằm lựa chọn, giới thiệu các DN CNTT có năng lực, có uy tín tại Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả xây dựng, quảng bá hình ảnh, kết nối hợp tác cho các DN cả trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký VINASA cho biết: “Cũng qua Chương trình này, với những nỗ lực và cải tiến qua các năm, Ban tổ chức mong muốn góp phần tích cực vào việc định hướng phát triển cho các DN và ngành với tinh thần “đi đầu, làm lớn” để thúc đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi số tại Việt Nam”.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vinh danh 50+10 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO