Vĩnh Phúc trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về cải cách hành chính

Lam Lam| 27/07/2020 20:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Vĩnh Phúc xếp thứ 10 về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) (PARINDEX), xếp thứ 11 về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019.

Đối với Vĩnh Phúc, công tác CCHC trong những năm qua luôn được tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hội đồng nhân tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác CCHC. 

Nhằm duy trì và nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh, ngày 18/7/2018 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5264/KH-UBND về việc nâng cao chỉ số CCHC tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2018-2020. Hằng năm, tỉnh Vĩnh Phúc đều tiến hành điều tra, khảo sát sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công (DVC).

Qua khảo sát, mức độ hài lòng trung bình của các DVC đạt trên 80%. Với mục tiêu đề ra: Chỉ số CCHC tỉnh năm 2018 nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất; Năm 2019, 2020, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất. 

Kết quả, năm 2018 chỉ số PARINDEX đứng vị trí 14/63 tỉnh, thành phố, chỉ số SIPAS đứng vị trí 13/63 tỉnh, thành phố (Đạt mục tiêu); Năm 2019 chỉ số PARINDEX đứng vị trí 10/63 tỉnh, thành phố, chỉ số SIPAS đứng vị trí 11/63 tỉnh, thành phố (Đạt mục tiêu).

Vĩnh Phúc nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về cải cách hành chính - Ảnh 1.

Đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Vĩnh Phúc

Qua 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực ở tất cả các lĩnh vực. Theo đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về CCHC được nâng lên nhiều so với trước đây, tinh thần, thái độ và ý thức trách nhiệm trong giải quyết công việc nâng cao.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư bài bản, đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và mang lại hiệu quả cao; bộ máy hành chính được tổ chức khoa học; hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước được nâng cao; thể chế nền hành chính được cải cách và hoàn thiện cơ bản, phát huy dân chủ, thiết lập chế độ công khai, minh bạch; công tác ban hành văn bản được tiếp tục đổi mới về chất lượng, nội dung và quy trình.

Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, công khai, đầy đủ, thời gian giải quyết được rút ngắn, qua đó tạo thuận lợi cho tổ chức và nhân dân trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước, góp phần cải thiện mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp.

Do đó, các chỉ tiêu CCHC đều đạt và vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 60/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Các chỉ số của tỉnh luôn thuộc nhóm các địa phương có kết quả cao, như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS).

Nhiều sáng kiến, giải pháp

Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã có nhiều sáng kiến, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính như áp dụng phần mềm Zalo trong việc tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp

Tỉnh phối hợp với bưu điện tỉnh kết nối liên thông giữa phần mềm "Một cửa hành chính công" và phần mềm chuyển phát nhanh (EMS) để thực hiện tiếp nhận và đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; chuyển kinh phí thi đua khen thưởng đối với tập thể và cá nhân được khen thưởng qua tài khoản, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương...

Tỉnh áp dụng phần mềm ứng dụng dùng chung (tỉnh, huyện, xã liên thông ngang, dọc) cho bộ phận một cửa các cấp. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, Hội đồng thẩm định chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đã thẩm định và công nhận 157 sáng kiến tiêu biểu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Từ những kết quả đạt được như trên, Hội đồng nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ trong giai đoạn tới cần tập trung cải cách thể chế hơn nữa, công khai thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống cổng thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quản lý về chất lượng (ISO) trong các cơ quan hành chính Nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng CNTT, áp dụng hiệu quả phần mềm dùng cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa, một cửa liên thông.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO