ZaloPay "đốt tiền" để có sự tăng trưởng vượt bậc
Công ty Cổ phần VNG vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, đại hội dự kiến diễn ra chiều ngày 22/7 tại TP. HCM. Theo đó, năm 2021, VNG đặt mục tiêu doanh thu khoảng 7.609 tỷ đồng, tăng 26% so với kết quả năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến cho cổ đông công ty mẹ 4 tỷ đồng, công ty dự kiến lỗ hợp nhất 619 tỷ đồng năm 2021.
Đây không phải là năm đầu tiên VNG dự kiến lỗ, khi mà năm 2020, VNG cũng đặt kế hoạch lỗ 246 tỷ đồng. Điều này được giải thích là do đầu tư các sản phẩm chiến lược dài hạn, trong đó có ZaloPay, hiện VNG đang nắm giữ gần 60% cổ phần của Công ty CP Zion - công ty sở hữu ZaloPay. Tuy nhiên trên thực tế, năm 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VNG vẫn lãi 190,6 tỷ đồng.
Trên báo cáo thường niên 2020, VNG đang đầu tư 20 công ty thành viên, trong đó ghi nhận phần lỗ lớn nhất của Zion hơn 666 tỷ đồng. Do đó việc đặt kế hoạch lỗ hợp nhất 619 tỷ đồng toàn công ty trong năm nay có thể bao gồm khoản lỗ hạch toán từ công ty chủ quản của ZaloPay dựa trên khả năng thể thua lỗ nặng hơn nữa khi đẩy mạnh đầu tư. Theo thông tin từ truyền thông, dựa trên số liệu công bố, mức lỗ kế hoạch của Zion có thể vào khoảng 1.557 tỷ đồng.
Tỷ lệ thuận với việc "đốt tiền", lượng cài đặt và giao dịch của ZaloPay cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Tính đến quý 1/2021, tổng giao dịch thanh toán qua ZaloPay tăng 314,4% và lượng người dùng mới tăng 210,7% so với cùng kỳ quý 1/2020.
Báo cáo "Ứng dụng di động" của Appota phát hành mới đây cho thấy, trong số các ví điện tử tại Việt Nam, các ví điện tử MoMo, ViettelPay và ZaloPay đang là 3 ví điện tử có đông người sử dụng nhất. Trong đó, nếu như MoMo khẳng định vững chãi ở ngôi vị dẫn đầu thì ViettelPay và ZaloPay đang có sự cạnh tranh gay gắt về vị trí số 2 ở số lượt tải.
Năm 2020 là sự vượt trội của ViettelPay thì đến tháng 2/2021, nhờ sự bứt phá mạnh, ZaloPay đã chính thức vượt qua ví điện tử đến từ Viettel. Đặc biệt, ZaloPay có sự tăng tốc mạnh mẽ từ thời điểm tháng 10/2020.
Với việc giảm tỷ lệ sở hữu của VNG với Zion từ mức 99,99% của năm 2018 xuống gần 60% như hiện nay, việc ai là người đứng sau ZaloPay sẽ quyết định không nhỏ "thành bại" của ứng dụng này trong thời gian tới. Dù Tencent là cái tên hay được nhắc đến cùng với mỗi sản phẩm của VNG nhưng thông tin trong giới công nghệ lan truyền cho rằng, "gã khổng lồ" đứng sau Zion chính là Alibaba.
Điều này không phải là không có cơ sở, khi mà VNG đã tách đơn vị chủ quản của ZaloPay thành một công ty riêng là Zion, đồng thời dù Alibaba đã mua lại một ví điện tử eMonkey nhưng hoạt động của ví này khá yên ắng trong suốt thời gian qua. Chưa kể, ngay cả trên sàn TMĐT Lazada thì bóng dáng của eMonkey cũng khá mờ nhạt, trong khi lại xuất hiện rất nhiều khuyến mại giảm giá khi thanh toán qua ZaloPay.
Cho dù, đứng sau ZaloPay là Tencent hay Alibaba thì tiềm lực tài chính, kinh nghiệm khi triển khai ví điện tử ở một thị trường mà mọi giao dịch đều không dùng tiền mặt như Trung Quốc sẽ giúp ích rất nhiều cho ví điện tử này trong thời gian tới.
Đánh giá về việc "đốt tiền chịu lỗ" của ví điện tử trên thị trường trong thời gian qua, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo cho rằng, chưa thấy ai dại mà "mang tiền ra đốt" cả, do việc đầu tư đổi mới sáng tạo cần nhiều thời gian, đầu tư lớn để đạt được quy mô.
"Các DN công nghệ đều phải đầu tư rất dài, chấp nhận chi phí lớn trong thời gian đầu. Trên thế giới, đây là việc hết sức bình thường. Ví dụ như Tesla là công ty xe điện lớn nhất thế giới, giá trị 295 tỷ USD, đến giờ vẫn chưa có lãi kể từ khi thành lập năm 2003. Airb2b, Snapchat, Dropbox… cũng tương tự", ông Diệp chia sẻ thêm.
Chỉ khi có người dùng, thị phần đủ lớn thì ví điện tử mới dừng "đốt tiền"
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Fintech, việc "đốt tiền" của các ví điện tử nhằm mục đích thu hút và tạo thói quen sử dụng cho người dùng. Quá trình này sẽ tùy theo lộ trình của từng DN theo các mốc, từ việc có doanh thu, hòa vốn cho đến có lãi.
"Vì thế, không có thời gian cụ thể của việc "đốt tiền" này đến bao lâu là sẽ dừng lại vì phụ thuộc chiến lược của từng đơn vị. Tuy nhiên, thông thường khi DN đạt được quy mô về lượng người dùng, mức độ ảnh hưởng thị trường, chiếm lĩnh một thị phần nhất định để từ đó có lượng giao dịch ổn định, tạo ra một doanh thu, lợi nhuận đủ tốt thì sẽ không đốt tiền rầm rộ như thời gian trước đó mà sẽ chỉ duy trì theo mức độ nào đó.
"Giống như câu chuyện của Grab hiện nay, những năm đầu tiên cũng "đốt tiền" khủng khiếp để tạo ra các chương trình khuyến mại để lôi kéo người dùng. Đến khi Grab đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần, có sức ảnh hưởng đến cả người dùng và tài xế thì cũng đã giảm rất nhiều các chương trình khuyến mại", vị chuyên gia này dẫn chứng.
Tuy nhiên, sự khác biệt của Grab so với các ví điện tử là tỷ lệ doanh thu từ tài xế lớn hơn rất nhiều so với các merchant (điểm chấp nhận thanh toán của các nền tảng trung gian thanh toán - PV) nên có thể lấy từ đó để chạy khuyến mại mà vẫn có lãi. Còn các ví điện tử, tỷ lệ chỉ ở mức dưới 1%/giao dịch, nên các nền tảng trung gian thanh toán không thể lấy phần này ra để chạy khuyến mại cho người dùng được. Do đó, các ví điện tử buộc phải "bơm tiền" để chạy khuyến mại đến lúc không đủ chi phí hoặc đến khi có thị phần, người dùng đủ lớn thì sẽ dừng lại.
"Mặc dù vậy, việc "đốt tiền" cũng tùy theo chiến lược của từng công ty, ví dụ như Payoo, nhiều năm qua ví điện tử này dù không chạy theo khuyến mãi nhưng vẫn sống khoẻ", vị chuyên gia này bày tỏ.
Còn theo lãnh đạo một ví điện tử khác trên thị trường, việc "đốt tiền" của đa phần các ví điện tử hiện nay chủ yếu để kiếm và "educate" (đào tạo - PV) người dùng, thông qua các chương trình khuyến mại, quảng cáo hay từ chính các merchant (mỗi điểm giao dịch nếu tạo ra người dùng cho ví điện tử thì cũng sẽ được trả thêm chi phí), trong đó chi phí dùng để "đốt" chủ yếu là tiền đầu tư. Chỉ có MoMo đã ngừng đốt tiền cho quá trình này mà chuyển sang giai đoạn tiếp theo, phát triển AI, máy học, big data, scoring (hệ thống chấm điểm người dùng) và các dịch vụ tài chính.
Một vấn đề của thị trường thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay là việc do trong giai đoạn đầu, MoMo "educate" người dùng chủ yếu qua các chương trình khuyến mại nên tạo ra hành vi người dùng ví điện tử là "chạy theo khuyến mại". "Do đó, chi phí lớn nhất của ví điện tử hiện nay là để tạo ra các chương trình khuyến mại, còn các chi phí vận hành khác không quá lớn, tương đương các ứng dụng di động khác", vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Còn ZaloPay, ví điện tử này sau một thời gian xây dựng hệ thống, hạ tầng kết nối ngân hàng đủ ổn định thì đã bắt đầu "đốt tiền" để thu hút người dùng, giống như giai đoạn đầu của MoMo. Mặc dù vậy, chi phí để "hút" người dùng hiện nay lớn hơn thời kỳ của MoMo rất nhiều. Ví dụ, như việc chạy quảng cáo cho ví điện tử, nếu như năm 2020, chi phí này chỉ vào khoảng gần 1 USD/truy cập thì năm nay con số này đã lên mức gần 2 USD/truy cập, chưa kể tỷ lệ chuyển đổi giữa lượng truy cập sang thành người dùng cũng đang rất thấp.
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, việc dừng "đốt tiền" sẽ chỉ diễn ra khí ví điện tử có lượng người dùng ổn định, chiếm một thị phần đủ lớn, có tiếng nói khi đám phán với các đối tác để đưa các dịch vụ tài chính vào ứng dụng của mình. Khi đó, các ví điện tử sẽ giảm dần các chương trình khuyến mại để "educate" người sử dụng, thay vào đó là việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu, trải nghiệm thân thiện với người dùng… "Như với hơn 20 triệu người dùng của MoMo, chỉ cần 10% trong số đó cash in/cash out (nạp tiền/rút tiền), tiêu dùng 500.000 mỗi tháng/người là đã đủ để họ chuyển sang giai đoạn tiếp theo thay vì tiếp tục đưa ra các chương trình khuyến mại như giai đoạn đầu", vị lãnh đạo ví điện tử chia sẻ.
Doanh thu đến từ đâu và bao giờ các ví điện tử mới có lãi?
Khi được hỏi doanh thu ví điện tử thường đến từ đâu, vị chuyên gia này cho rằng, sẽ đến từ phí giao dịch của khách hàng trên mỗi giao dịch cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm khác nữa như các dịch vụ tài chính…
Còn theo vị lãnh đạo ví điện tử, nếu lôi kéo được người dùng sử dụng các giao dịch qua ví, như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, dịch vụ tài chính… để dòng tiền được luân chuyển qua đó, thay vì hệ thống của ngân hàng. Từ đó, ví điện tử sẽ có được data (dữ liệu) nhất định để "chấm điểm" thông qua thói quen thanh toán của người dùng", qua đó cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua việc "bẳt tay" với các công ty tài chính như FE… Khi đó, ví điện tử sẽ trở thành các siêu ứng dụng.
Như MoMo với dịch vụ ví trả sau, được cung cấp dựa trên điểm tín dụng, thực chất đó là một hình thức tiêu dùng tài chính nhỏ, các đơn vị cung cấp cũng sẽ chia sẻ lại một phần doanh thu cho MoMo.
Chưa kể đến, từ chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của cơ quan quản lý, các ví điện tử cũng đang tích cực chuyển đổi từ tiền mặt của người dùng vào ví điện tử, thông qua các điểm giao dịch "nạp rút" rộng khắp, đây cũng là cách mà MoMo và ViettelPay đang triển khai. Điều này sẽ giúp các ví điện tử giảm lệ thuộc vào kênh ngân hàng, giúp người dùng đa dạng các kênh nạp - rút tiền, thay vì chỉ có thể nạp qua tài khoản ngân hàng. "Khi người dùng hình thành thói quen, giữ tiền ở ngân hàng, còn tiêu dùng ở ví điện tử thì lượng giao dịch trên các nền tảng trung gian thanh toán sẽ rất lớn, giống như câu chuyện ở Trung Quốc. Khi đó, các ví điện tử sẽ có vị thế rất lớn và có nhiều bài toán để kiếm tiền hơn so với hiện nay", vị lãnh đạo này cho biết.
Khi được hỏi câu chuyện đã có vị điện tử nào có lãi trên thế giới hay chưa, vị lãnh đạo này nhấn mạnh chưa có bất kì thông tin chính thức nào về việc này, ngay cả ở thị trường Trung Quốc, nhưng may ra mô hình như kiểu Paypal thì mới có lãi.
Số liệu từ trang CafeF cho thấy, cả MoMo, ZaloPay, Moca hay VinID đều ghi nhuận lợi nhuận âm trong năm 2019. Trong đó, MoMo đang là quán quân lỗ mới mức lợi nhuận sau thuế năm 2019 âm 854 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ 2019. Lỗ lũy kế của MoMo tại thời điểm cuối năm 2019 là 1.860 tỷ. Theo sau là ZaloPay, đơn vị sở hữu ví điện tử này là Zion năm 2019 ghi nhận lỗ 390 tỷ đồng, lũy kế lỗ đến 2019 là 572 tỷ đồng, năm 2020, số lỗ của ZaloPay là 666 tỷ đồng.
Điểm sáng về "thoát lỗ" đến 2 ví điện tử Airpay và Payoo. Nếu như Airpay (đã đổi tên thành ShopeePay) chỉ đạt lợi nhuận 20 tỷ năm 2019 thì con số này của Payoo là 131 tỷ đồng./.