Vốn kỹ thuật số: Tiếp cận toàn diện về phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số
Vốn kỹ thuật số (digital capital) là khái niệm dùng để chỉ tập hợp các nguồn lực liên quan đến công nghệ số mà cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng sở hữu, tiếp cận và sử dụng để đạt được lợi íchtrong xã hội hiện đại.
Tóm tắt:
Giới thiệu vốn kỹ thuật số
+ Là tập hợp các nguồn lực công nghệ số giúp cá nhân, tổ chức tạo ra lợi ích kinh tế - xã hội. Gồm: quyền truy cập
công nghệ, kỹ năng số và mạng lưới quan hệ trực tuyến.
+ Liên quan đến các khái niệm như “khoảng cách số” và “kỹ năng số”.
Lý thuyết Bourdieu và vốn kỹ thuật số
+ Bourdieu đề xuất các loại vốn: kinh tế, văn hóa, xã hội, biểu tượng.
+ Vốn kỹ thuật số có liên hệ chặt chẽ với vốn văn hóa (kỹ năng số) và vốn xã hội (quan hệ trực tuyến).
+ Các học giả hiện đại mở rộng khái niệm này để giải thích bất bình đẳng số.
Vốn kỹ thuật số và bất bình đẳng xã hội: Sự chênh lệch trong tiếp cận công nghệ làm gia tăng khoảng cách giàu-nghèo, thành thị-nông thôn. Ví dụ: Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi có sự phân tầng về vốn số, ảnh hưởng đến thu nhập và cơ hội việc làm. Hàn Quốc là hình mẫu ứng dụng vốn số để giảm bất bình đẳng.
Vốn kỹ thuật số dựa trên dữ liệu
+ Dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
+ Doanh nghiệp khai thác Big Data để tối ưu vận hành và cá nhân hóa dịch vụ.
+ Các công ty công nghệ lớn như Google, Meta xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu.
Vốn kỹ thuật số thúc đẩy nền kinh tế số
+ Giúp doanh nghiệp đổi mới, tối ưu vận hành và tăng lợi thế cạnh tranh.
+ Công nghệ như AI, blockchain, IoT tạo ra mô hình kinh doanh mới.
+ Ứng dụng AI, Big Data giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu suất.
Vốn kỹ thuật số và sự thay đổi văn hóa
+ Mạng xã hội và nền tảng số thay đổi cách tiêu thụ nội dung và giao tiếp.
+ Cá nhân có thể sáng tạo nội dung, tác động đến văn hóa số.
Thách thức và cơ hội tại Việt Nam
+ Chênh lệch kỹ năng số giữa các nhóm lao động còn lớn.
+ Nhà nước có chiến lược chuyển đổi số, nhưng cần cải thiện đào tạo kỹ năng số.
+ Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp giúp khai thác hiệu quả vốn kỹ thuật số.
Giới thiệu thuật ngữ vốn kỹ thuật số
Theo Ragnedda (2017), vốn kỹ thuật số bao gồm ba yếu tố chính: Quyền truy cập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (Internet, thiết bị thông minh), kỹ năng sử dụng công nghệ (digitalliteracy), và mạng lưới xã hội trực tuyến giúp tạo ra giá trị kinh tế, văn hóa hoặc xã hội. Nội hàm của khái niệm này không chỉ dừng ở việc sở hữu công nghệ mà còn nhấn mạnh khả năng chuyển đổi các nguồn lực số thành lợi thế thực tiễn.
Khái niệm vốn kỹ thuật số ra đời trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, khi công nghệ số trở thành yếu tố trung tâm của đời sống toàn cầu. Nó được các nhà nghiên cứu như Ragnedda và Ruiu phát triển từ đầu thập niên 2010, dựa trên lý thuyết vốn của Pierre Bourdieu, nhằm giải thích sự bất bình đẳng mới trong kỷ nguyên số (Ragnedda & Ruiu, 2020). Thuật ngữ này liên quan mật thiết đến các khái niệm như “khoảng cách số” (digital divide), vốn đề cập đến sự chênh lệch về tiếp cận công nghệ, và “kỹ năng số” (digital skills), nhấn mạnh năng lực cá nhân trong việc sử dụng công cụ số.
Tại Mỹ, nghiên cứu của Pew Research Center (2021) cho thấy những nhóm có thu nhập thấp và sống ở khu vực nông thôn thường gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận Internet tốc độ cao, từ đó hạn chế cơ hội tham gia vào nền kinh tế số. Vì vậy, vốn kỹ thuật số không chỉ là một khái niệm học thuật mà còn là một yếu tố quan trọng trong chính sách giáo dục và phát triển lực lượng lao động hiện đại.
Pierre Bourdieu và lý thuyết về các loại vốn
Pierre Bourdieu (1930-2002), một trong những nhà xã hội học có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, đã phát triển lý thuyết về các loại vốn như một cách để giải thích sự bất bình đẳng xã hội và quá trình tái sản xuất xã hội (social reproduction).
Theo Bourdieu, vốn không chỉ giới hạn ở khía cạnh kinh tế mà còn bao gồm các dạng phi vật chất như vốn văn hóa (cultural capital), vốn xã hội (social capital) và vốn biểu tượng (symbolic capital). Những khái niệm này đã đặt nền móng cho việc hiểu vốn số trong bối cảnh hiện đại.
Vốn văn hóa và mối liên hệ với vốn số
Trong lý thuyết của Bourdieu, vốn văn hóa tồn tại dưới ba hình thức: trạng thái thể hiện (embodied state) như kiến thức, kỹ năng; trạng thái khách quan (objectified state) như sách vở, công cụ; và trạng thái thể chế (institutionalized state) như bằng cấp, chứng chỉ (Bourdieu, 1986).
Vốn số có thể được xem là một nhánh của vốn văn hóa trong trạng thái thể hiện, bởi nó bao gồm các kỹ năng sử dụng công nghệ (digital literacy) và kiến thức về các nền tảng số. Ví dụ, một người biết cách sử dụng phần mềm chỉnh sửa video hoặc phân tích dữ liệu có thể sở hữu một lượng vốn số đáng kể, giúp họ nổi bật trong thị trường lao động kỹ thuật số.

Vốn xã hội và sự tương tác trên không gian số
Bourdieu định nghĩa vốn xã hội là “tổng hợp các nguồn lực thực tế hoặc tiềm năng gắn liền với một mạng lưới quan hệ bền vững” (Bourdieu, 1986). Trong thời đại số, vốn xã hội được mở rộng thông qua các mối quan hệ trên mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến hoặc các cộng đồng số.
Một người có nhiều kết nối trên LinkedIn hoặc một doanh nghiệp xây dựng được cộng đồng khách hàng trung thành trên Facebook đang tích lũy vốn số thông qua vốn xã hội của mình.
Từ lý thuyết Bourdieu đến vốn kỹ thuật số
Mặc dù Bourdieu không trực tiếp đề cập đến vốn số (do ông qua đời trước khi kỷ nguyên số bùng nổ), các học giả sau này đã áp dụng khung lý thuyết của ông để phát triển khái niệm này.
Chẳng hạn, Ragnedda (2017) lập luận rằng vốn số là sự kết hợp giữa vốn văn hóa (kiến thức kỹ thuật số) và vốn xã hội (mạng lưới quan hệ số), đồng thời bổ sung yếu tố cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như một thành phần độc lập. Điều này cho thấy vốn số không chỉ là một khái niệm tách biệt mà còn là sự giao thoa giữa các loại vốn truyền thống trong bối cảnh hiện đại.
Vốn kỹ thuật số và bất bình đẳng xã hội
Vốn kỹ thuật số góp phần khuếch đại bất bình đẳng xã hội khi sự tiếp cận và sử dụng công nghệ số không đồng đều giữa các nhóm dân cư.
Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) năm 2023, khoảng 2,6 tỷ người trên thế giới vẫn chưa có kết nối Internet, chủ yếu ở các nước đang phát triển, tạo ra “khoảng cách số” không chỉ về hạ tầng mà còn về kỹ năng và cơ hội. Điều này làm trầm trọng thêm các phân tầng xã hội truyền thống như giàu - nghèo, thành thị - nông thôn.
Ở Ấn Độ, theo báo cáo của Hiệp hội Internet và Di động Ấn Độ (IAMAI) năm 2022, chỉ 31% dân số nông thôn sử dụng Internet so với 67% ở thành thị. Người trẻ thành thị với vốn kỹ thuật số cao tham gia các công việc như lập trình tự do trên Upwork, trong khi nông dân thiếu kỹ năng số khó tiếp cận thông tin thị trường, làm gia tăng chênh lệch thu nhập.
Tại Nam Phi, nghiên cứu của Heeks (2022) chỉ ra rằng lao động nhập cư trong nền kinh tế gig (như tài xế công nghệ) bị bất lợi do thiếu thiết bị và kỹ năng số, dẫn đến thu nhập bấp bênh và phụ thuộc.
Ngược lại, Hàn Quốc minh chứng cách vốn kỹ thuật số có thể giảm bất bình đẳng. Với 98% dân số truy cập Internet tốc độ cao, học sinh từ mọi tầng lớp được hưởng lợi từ giáo dục trực tuyến trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay cả ở đây, các gia đình thu nhập thấp vẫn gặp khó khăn về thiết bị, cho thấy bất bình đẳng số không hoàn toàn biến mất.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2021, tỷ lệ người trưởng thành có kỹ năng số cơ bản còn thấp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, đẩy lao động nông thôn ra khỏi các cơ hội kinh tế mới như thương mại điện tử, làm sâu sắc thêm khoảng cách với tầng lớp trung lưu thành thị.
Vốn kỹ thuật số dựa trên dữ liệu
Vốn kỹ thuật số, bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ năng số và dữ liệu, đang trở thành một nguồn lực kinh tế quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Việc đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Theo nghiên cứu, trung bình trong ba thập kỷ qua, mỗi 1 đô la đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số đã tạo ra 20 đô la tăng trưởng GDP, cao hơn nhiều so với mức lợi tức đầu tư 3 đô la từ các khoản đầu tư phi kỹ thuật số trong cùng kỳ.
Trong nền kinh tế số, dữ liệu được xem như một yếu tố sản xuất quan trọng ngang hàng với đất đai, lao động và vốn. Nếu trong thời kỳ công nghiệp hóa, nguồn lực chính để tạo ra giá trị là nguyên liệu thô và tài sản hữu hình, thì trong kỷ nguyên số, dữ liệu trở thành “dầu mỏ mới” - nguồn tài nguyên có thể được khai thác và chuyển hóa thành lợi ích kinh tế khổng lồ.
Chuyển đổi số (CĐS) giúp tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ từ giao dịch trực tuyến, cảm biến IoT, mạng xã hội, thương mại điện tử (TMĐT) và hành vi người dùng trên nền tảng số. Theo McKinsey Global Institute (2021), việc tận dụng dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp các doanh nghiệp (DN) tăng năng suất từ 5% đến 10% và cải thiện hiệu quả kinh doanh đáng kể. Tại các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, nền kinh tế dữ liệu đóng góp khoảng 3% GDP và tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng.
Không giống như các nguồn tài nguyên vật chất có thể bị cạn kiệt, dữ liệu có tính nhân rộng và tái sử dụng, làm tăng giá trị của nó theo thời gian. Các công ty như Google, Facebook (Meta) và Amazon đã xây dựng toàn bộ mô hình kinh doanh dựa trên khả năng thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu để tối ưu hóa quảng cáo và dịch vụ cá nhân hóa. Theo báo cáo của World Economic Forum (2023), giá trị thị trường của các công ty công nghệ dựa trên dữ liệu chiếm hơn 30% tổng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu, cho thấy tầm quan trọng của dữ liệu trong nền kinh tế hiện đại.
Dữ liệu không chỉ là một yếu tố sản xuất mà còn đóng vai trò trung tâm trong phát triển công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và phân tích dữ liệu nâng cao. AI phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu để học hỏi và đưa ra dự đoán chính xác. Các ngành như tài chính, y tế, sản xuất và TMĐT đều đang sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa vận hành, dự đoán xu hướng và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Vốn kỹ thuật số thúc đẩy nền kinh tế số
Vốn kỹ thuật số không chỉ giúp các DNp tối ưu hóa quy trình vận hành, mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Trong kỷ nguyên số, các công nghệ mới như AI, blockchain, điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT) đang tái định hình cách thức DN hoạt động, cung cấp dịch vụ và tiếp cận khách hàng.
DN sở hữu vốn kỹ thuật số cao có thể tận dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới, nâng cao trải nghiệm khách hàng và cá nhân hóa quy trình sản xuất. Sự đổi mới này giúp các DN không chỉ giữ chân khách hàng mà còn mở rộng thị trường, tạo ra các mô hình kinh doanh mới như nền kinh tế chia sẻ (sharing economy), TMĐT xuyên biên giới và dịch vụ đăng ký số (subscription-based services).
Ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp đổi mới mà còn giúp DN giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu suất làm việc. Một số lợi ích điển hình:
- Tự động hóa quy trình bằng AI và RPA (Robotic Process Automation): Doanh nghiệp có thể giảm đến 30-50% chi phí nhân sự nhờ sử dụng chatbot, trợ lý ảo, và hệ thống phân tích dữ liệu tự động.
- Điện toán đám mây (Cloud Computing): Giúp DN tiết kiệm chi phí phần cứng, mở rộng khả năng lưu trữ dữ liệu linh hoạt và bảo mật hơn.
- Ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data Analytics):
DN có thể phân tích hành vi khách hàng, dự đoán xu hướng và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giúp tiết kiệm hàng triệu đô la mỗi năm.
Trong nền kinh tế số, DN không thể chỉ dựa vào mô hình kinh doanh truyền thống. Những DN không đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh và bị thay thế bởi các công ty khởi nghiệp (startups) linh hoạt hơn.
Vốn kỹ thuật số và sự thay đổi trong văn hóa
Với dân số hơn 100 triệu người và tỷ lệ sử dụng Internet đạt 79,1% vào năm 2023 (We Are Social, 2023), Việt Nam có nền tảng vững chắc để mở rộng vốn kỹ thuật số. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận và khả năng sử dụng công nghệ vẫn còn chênh lệch giữa các nhóm dân cư, đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức trong quá trình chuyển đổi số.
Một trong những thách thức lớn nhất là sự chênh lệch về kỹ năng số giữa các nhóm lao động. Theo các báo cáo gần đây, kỹ năng số của lao động Việt Nam đứng ở vị trí khá khiêm tốn, ngay cả so sánh trong khu vực, trong khi nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi kỹ năng cao hơn. Điều này tạo ra nguy cơ bất bình đẳng số, đặc biệt giữa lao động ở thành phố và vùng nông thôn, nơi cơ hội tiếp cận giáo dục số còn hạn chế.
Ngoài ra, tâm lý e ngại công nghệ cũng là một rào cản, khi nhiều lao động truyền thống chưa quen với việc sử dụng công cụ số trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội lớn để phát triển vốn kỹ thuật số nhờ sự quan tâm và định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng nền kinh tế số. Nghị quyết số 52-NQ/TW (2019) của Bộ Chính trị đã xác định CĐS, phát triển kinh tế số và xã hội số là những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, Chiến lược Quốc gia về CMCN lần thứ tư đến năm 2030 nhấn mạnh đến phát triển nguồn nhân lực số, coi đây là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, trong đó đặt mục tiêu 90% dân số trưởng thành có kỹ năng số cơ bản và lực lượng lao động được trang bị năng lực số để thích ứng với thị trường việc làm mới.
Đồng thời, Chiến lược cũng nhấn mạnh đến việc phổ cập kỹ năng số trong giáo dục, đào tạo lại lao động và thúc đẩy các chương trình học tập suốt đời về công nghệ số.
Ngoài ra, các chính sách như Đề án 844 về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chương trình hỗ trợ DN CĐS đã tạo điều kiện cho người lao động không chỉ tiếp cận công nghệ mà còn có cơ hội ứng dụng và khai thác hiệu quả trong công việc và kinh doanh. Với những định hướng rõ ràng này, nếu được thực hiện đồng bộ, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng vốn kỹ thuật số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Ở góc độ học thuật, các thảo luận về CĐS và lực lượng lao động thường tập trung vào một phương diện cụ thể là kỹ năng số, từ đó dẫn đến các bàn luận về nguồn nhân lực số và khả năng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Tuy nhiên, khái niệm vốn kỹ thuật số (digital capital) trình bày trong bài viết này, là một thuật ngữ rộng hơn, không chỉ dừng lại ở kỹ năng mà còn bao gồm ba phương diện chính: quyền truy cập vào công nghệ, năng lực sử dụng công cụ số và khả năng khai thác lợi ích từ không gian số.

Việc tiếp cận vốn kỹ thuật số không chỉ quyết định khả năng của một cá nhân trong việc tham gia thị trường lao động mà còn ảnh hưởng đến mức độ hòa nhập xã hội, cơ hội kinh tế và năng lực sáng tạo nội dung. Nếu chỉ tập trung vào đào tạo kỹ năng mà bỏ qua sự chênh lệch trong quyền truy cập công nghệ hay khả năng khai thác tài nguyên số, Việt Nam có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng để phát triển một hệ sinh thái số bền vững và toàn diện. Do đó, cần có một cách tiếp cận toàn diện hơn để xây dựng chiến lược phát triển vốn kỹ thuật số, giúp người lao động không chỉ thành thạo công nghệ mà còn tận dụng công nghệ như một lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế số.
Tài liệu tham khảo:
1. Bourdieu, P. (1986). The forms of capital. In J. G. Richardson
(Ed.), Handbook of theory and research for the sociology of
education (pp. 241–258). Greenwood Press.
2. Heeks, R. (2022). “Digital inequality beyond the digital
divide: conceptualizing adverse digital incorporation
in the global South”. Information Technology for
Development, 28(4), 688–704.
3. Ragnedda, M. (2017). The third digital divide: A Weberian
approach to digital inequalities. Routledge
4. Ragnedda, M., & Ruiu, M. L. (2020). “Digital capital: A
Bourdieusian perspective on the digital divide”. Information,
Communication & Society, 20(8), 1189–1205
5.Statista. (2023).Revenue generated by content creators
and influencers via social media platforms in the last 12
months as of September 2023. https://www.statista.com/
statistics/1460640/content-creators-revenues-share/
6. Suri, T., & Jack, W. (2016). “The long-run poverty and gender
impacts of mobile money”. Science, 354(6317), 1288–1292.
7. World Bank. (2021). World development report 2021: Data
for better lives. https://www.worldbank.org/en/publication/
wdr2021
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2025)