Từng là hai ông lớn tạo nên thế chân vạc trong cuộc cạnh tranh Uber, Grab và taxi truyền thống, nhưng bất ngờ sáng 26/3/2018, hai hãng này đã thông báo hợp nhất. Cụ thể, Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, đổi lại Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần tại Grab.
Sự hợp nhất này gây nhiều xáo trộn thị trường. Grab hiện có khoảng 86 triệu lượt tải ứng dụng, cung ứng dịch vụ tại 190 thành phố khắp 8 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Với lượng khách hàng mới từ Uber chuyển sang, Grab trở thành thế lực lớn nhất tại thị trường ứng dụng gọi xe Đông Nam Á.
Sau khi thâu tóm Uber, Grab đã chiếm giữ vị trí độc quyền trong lĩnh vực taxi công nghệ tại Việt Nam. Khi cạnh tranh giảm đi, không chỉ người dùng bất lợi và ngay cả các tài xế đối tác cũng gặp bất lợi, bởi lựa chọn đã hẹp ngày càng hẹp hơn.
Mới đây, Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore đã có quyết định xử phạt Grab và Uber với tổng số tiền 9,5 triệu USD (tương đương 13 triệu SGD) vì thương vụ sáp nhập diễn ra hồi tháng 3 năm nay. Cụ thể, mức phạt với Uber là 6,58 triệu SGD trong khi đó, Grab bị phạt 6,42 triệu SGD.
Theo kết quả điều tra của Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore, Grab đã tăng giá 10 - 15% sau khi loại bỏ đối thủ là Uber. Grab nhận được rất nhiều khiếu nại từ cả khách hàng và tài xế về giá cước và hoa hồng của Grab. Đồng thời, Grab hiện nắm khoảng 80% thị phần taxi của Singapore và thống lĩnh thị trường khiến các đối thủ cạnh tranh khó mở rộng quy mô và thị trường. Đặc biệt, khi Grab đặt các nghĩa vụ độc quyền đối với công ty taxi, các đối tác có xe.
Tại Việt Nam, sau một thời gian hoạt động, Grab và Uber vươn lên mạnh mẽ, thành đối thủ số một của các hãng taxi truyền thống. Sau hai năm, số lượng taxi công nghệ chạm mốc 50.000 xe, vượt qua những hãng taxi truyền thống hàng đầu của thị trường như Vinasun hay Mai Linh. Sau sự kiện Grab và Uber sáp nhập, các Hiệp hội taxi trong nước liên tục kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam cần nhanh chóng xem xét, xác minh đưa ra kết luận điều tra vụ Grab mua lại Uber.
Ngày 18/11/2018, Cục CT&BVNTD đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam (vụ việc cạnh tranh).
Ngày 30/11/2018, Cục trưởng Cục CT&BVNTD đã ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh.
Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục CT&BVNTD đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm: Hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh và Hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.
Hiện nay, Cục CT&BVNTD đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 5, Mục 6, Chương V Luật Cạnh tranh. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh và Mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Dễ thấy, trước khi hợp nhất, Grab và Uber đã có tác động tích cực trong nâng cao chất lượng dịch vụ của taxi trong nước cũng như thúc đẩy ứng dụng CNTT tại các hãng taxi truyền thống. Mặt khác, quản lý vận tải bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý đang được số hóa của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử...
Sự xung đột lợi ích giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ là không tránh khỏi và diễn ra gay gắt ở nhiều nơi trên thế giới, từng biến cuộc chiến kinh doanh thành cuộc chiến pháp lý (giữa Taxi Elite và Uber Systems tại Tây Ban Nha năm 2014).
Sự phát triển nhanh chóng của taxi công nghệ cũng khiến cho cơ quan quản lý ở hầu hết các nước họ đặt chân đến bối rối. Đây loại hình vận tải mới nên các quy định của Việt Nam chưa bắt kịp dẫn đến nảy sinh các vấn đề như thất thu thuế, quản lý lái xe, phương tiện và quyền lợi của người lao động cũng như quy hoạch đô thị…
Do đó, chính sách quản lý của nhà nước cần thay đổi để phù hợp với bước phát triển mới, tránh gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải nói chung thì mới thúc đẩy được loại hình dịch vụ này phát triển ổn định.