Vùng Đông Nam Bộ chuyển đổi số tạo động lực phát triển vùng

Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT| 11/07/2022 09:20
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày 9/7, Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.

Hội nghị được tổ chức tại hai đầu cầu TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học.

Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu. Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về quá trình chuyển đổi số (CĐS) tạo ra động lực mới cho phát triển Vùng Đông Nam Bộ:

Xây dựng hạ tầng số hiện đại

Vùng Đông Nam Bộ muốn tiếp tục đi đầu thì phải đi đầu về cái mới. Muốn đi đầu về cái mới thì phải xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và hiện đại hóa các hạ tầng hiện tại.

Một trong những hạ tầng quan trọng nhất cho cái mới chính là hạ tầng số. Hạ tầng số là hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và các nền tảng số. Vùng Đông Nam Bộ phải xây dựng hạ tầng số hiện đại, thuộc nhóm đầu các nước trong khu vực, coi hạ tầng số cũng quan trọng như hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất thì bên cạnh nó phải là dòng chảy dữ liệu tương ứng.

Hiện đại hóa hạ tầng thì không chỉ riêng hạ tầng giao thông. Hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng khác về kinh tế, xã hội và môi trường bằng cách thông minh hóa chúng thông qua ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số. Thông minh hóa là để sử dụng các cơ sở hạ tầng này hiệu quả hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư chính là cuộc cách mạng về thông minh hóa. Vùng Đông Nam Bộ mà không xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, không hiện đại hóa, thông minh hóa các hạ tầng hiện có thì sẽ không thể tăng trưởng tiếp được, không thể tăng trưởng cao được, nhất là không thể tăng trưởng được ở những lĩnh vực mới, thí dụ như kinh tế số.

Để phát triển Vùng Đông Nam Bộ thành trung tâm khu vực về tài chính, thương mại, du lịch và giao lưu quốc tế thì phải xây dựng nó thành trung tâm dữ liệu của khu vực, vì dữ liệu là nền tảng của hầu hết những thứ khác, đặc biệt là tài chính, thương mại.

Vùng Đông Nam Bộ đi đầu cả nước về CĐS, tạo ra động lực mới cho phát triển của Vùng

Sự phát triển trong tương lai phụ thuộc vào công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), CĐS và nhân tài. Bởi vậy, định hướng phát triển của Vùng Đông Nam Bộ phải toát lên được tinh thần là cái gì mới, kể cả công nghệ mới, mô hình mới, thể chế mới, định hướng mới thì cho thử ở đây trước, phát triển ở đây trước để từ đây đi ra cả nước. Làm cho toát lên được ý này thì sẽ rất rõ định hướng phát triển cho vùng này.

Vùng Đông Nam Bộ mà tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước 10 - 20% về những cái truyền thống thì sẽ rất khó vì đã dần đạt mức tới hạn. Nhưng tăng trưởng về những cái mới, thí dụ như kinh tế số, cao hơn trung bình cả nước 30-50% thì lại không khó. Tăng trưởng về những cái truyền thống là cạnh tranh với các vùng khác, còn tăng trưởng về những cái mới thì sẽ thúc đẩy các vùng khác.

CĐS là hiện thực hóa, là sự thể hiện sinh động nhất, hiệu quả nhất cuộc CMCN lần thứ tư. CĐS hội tụ trong mình không chỉ CMCN lần thứ tư mà là cả khoa học công nghệ, ĐMST và kinh tế tri thức. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay cũng có nội hàm mới là số hóa, thông minh hóa và CĐS. Vùng Đông Nam Bộ nếu chọn một cái làm trung tâm, làm hạt nhân xuyên suốt trong giai đoạn tới 2030 thì nên chọn CĐS. CĐS thì có thể trở thành toàn dân và toàn diện được, vì nó gần gũi, thiết thực, dễ làm, dễ thấy hiệu quả ngay, mà lại không tốn kém. Một cuộc CMCN mới muốn thành công thì khó nhất là làm cho nó trở thành toàn dân và toàn diện.

Phát triển nhanh thì cần không gian mới. CĐS thì tạo ra không gian mới là không gian số.

Phát triển nhanh thì cần tài nguyên mới. CĐS thì tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu.

Phát triển bền vững thì phải dựa vào ĐMST. Trên 80% các ĐMST, trên 80% các kỳ lân công nghệ là trên môi trường số, là sử dụng các công nghệ số.

Phát triển bền vững thì cần hiệu quả cao. CĐS tạo ra 3 xu thế lớn là phi trung gian hóa, phi tập trung hóa và phi vật chất hóa, và đó đều là các xu thế làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phát triển muốn nhanh và bền vững thì phải phân cấp, phân quyền. Nhưng phân cấp, phân quyền thì phải giám sát được. Chỉ có CĐS, tức là đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường số, thì mới có thể giám sát online toàn diện.

Vùng Đông Nam Bộ nên đi đầu cả nước về CĐS, vừa tạo ra động lực mới cho phát triển của Vùng, vừa dẫn dắt và thúc đẩy CĐS quốc gia, và chính CĐS quốc gia sẽ lại là thị trường lớn, là cơ hội lớn cho sự phát triển của vùng./.

Xem thêm
Bài khác
Vùng Đông Nam Bộ chuyển đổi số tạo động lực phát triển vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO