Khởi nghiệp

World Bank: Khả năng tiếp cận tài chính là thách thức lớn với các startup Việt Nam

Anh Minh 14:52 10/05/2024

Vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đã và đang tăng nhanh trong 5 năm qua. Đây là bằng chứng cho thấy tiềm năng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy vậy, quy mô chung của thị trường đầu tư mạo hiểm của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển hơn như Singapore và Indonesia.

Theo World Bank (WB), doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là động lực tăng trưởng năng suất quốc gia, đặc biệt quan trọng ở các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam, nơi tăng trưởng ngày càng dựa vào ĐMST và hấp thụ công nghệ.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong nước tăng năng suất và ĐMST là cần thiết. Để doanh nhân khởi nghiệp phát triển, cần môi trường thuận lợi về pháp lý, nguồn vốn và nhân sự có kỹ năng.

Nhiều nhà sáng lập startup còn gặp khó khăn trong vận hành, tạo sản phẩm phù hợp với thị trường

Theo Báo cáo về đẩy mạnh khởi nghiệp ĐMST của WB, mặc dù mức độ sẵn sàng tiếp nhận đầu tư của các startup đã được cải thiện trong năm năm qua, nhưng các nhà sáng lập startup vẫn gặp khó khăn trong các khía cạnh quan trọng về vận hành và phát triển DN.

word-image-15100-1.jpg
Chính sách hỗ trợ DN trong nước tăng năng suất và ĐMST là cần thiết. Ảnh minh họa

Cụ thể, các nhà đầu tư tham gia phỏng vấn của WB năm 2023 cho rằng chất lượng trình bày ý tưởng khởi nghiệp đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, vì đây là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình đào tạo doanh nhân khởi nghiệp mới, các khóa gia tốc khởi nghiệp và các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp.

Mặc dù vậy, nhiều nhóm sáng lập viên vẫn gặp khó khăn trong các chức năng vận hành startup cơ bản, chẳng hạn như tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường, quản lý tài chính, xây dựng chiến lược phát triển, và làm việc nhóm.

Bên cạnh đó là nhu cầu đào tạo tốt hơn và phù hợp với nhu cầu riêng cũng như hướng dẫn để giúp doanh nhân khởi nghiệp phát triển sản phẩm và vận hành DN, chứ không chỉ trình bày ý tưởng khởi nghiệp.

Các yếu tố khác gây cản trở về mức độ sẵn sàng tiếp nhận đầu tư bao gồm ngoại ngữ tiếng Anh và kỹ năng đàm phán còn yếu, hạn chế về kinh nghiệm và kiến thức để đàm phán hợp đồng, nhận thức chưa đầy đủ về quyền sở hữu trí tuệ cũng như tâm lý ngại thuê tư vấn bên ngoài.

Mặc dù số lượng các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp (các trung tâm vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp, trung tâm ĐMST) đã và đang tăng lên, nhưng chất lượng dịch vụ vẫn chưa cao. Đáng chú ý là số lượng các vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp, đã tăng vọt từ 104 năm 2020 và lên đến 1.400 vào năm 2022.

Tuy nhiên, chỉ có 22% các DN tham gia Khảo sát startup ĐMST năm 2023 của WB cho biết họ được các trung tâm vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp hỗ trợ, và chỉ có 18% được hưởng lợi qua chương trình hỗ trợ cầm tay chỉ việc hoặc tư vấn.

Các nhà đầu tư được nhóm của WB phỏng vấn ghi nhận chất lượng trình bày ý tưởng đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, vì đó là trọng tâm của giáo trình các khóa đào tạo khởi nghiệp mới, tăng tốc khởi nghiệp và cạnh tranh quảng bá. Nhưng nhiều nhóm sáng lập viên vẫn gặp khó khăn trong vận hành các chức năng cốt lõi của startup, chẳng hạn, tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường, quản lý tài chính và thúc đẩy tăng trưởng.

Khả năng tiếp cận tài chính là thách thức lớn với các startup Việt Nam

Đặc biệt, báo cáo của WB đã đề cập đến những khó khăn trong vấn đề tài chính, thu hút nguồn vốn của các startup tại Việt Nam. Theo đó, vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đã và đang tăng nhanh trong 5 năm qua, là bằng chứng cho thấy về tiềm năng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đạt mức kỷ lục vào năm 2021 xét về giá trị giao dịch (1,5 tỷ USD) và số lượng các giao dịch (165), tăng đáng kể so với các năm trước đó, trước khi giảm xuống còn 634 triệu USD và 134 giao dịch trong năm 2022 do dòng vốn trên toàn cầu bị thắt chặt.

Mặc dù vậy, quy mô chung của thị trường đầu tư mạo hiểm của quốc gia vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển hơn trong khu vực như Singapore và Indonesia. So với mức đỉnh 165 giao dịch tại Việt Nam vào năm 2021, Singapore cho biết họ đạt đến 303 giao dịch.

Theo WB, khả năng tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân ở Việt Nam, nhất là đối với các startup. Theo Khảo sát khởi nghiệp của WB, trên 2/3 (69%) DN trả lời cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính trong quá trình phát triển. Tương tự, gần một nửa các DN khu vực tư nhân tham gia khảo sát PCI năm 2021 nói về khó khăn đó, cao hơn so với năm 2017.

Đối với các startup, khả năng tiếp cận tài chính là vấn đề cấp thiết nhất trong những giai đoạn phát triển ban đầu. Bất cập này được coi là cấp thiết nhất đối với các startup dựa vào quyền sở hữu trí tuệ và phát triển phần cứng, do các hoạt động này đòi hỏi nhiều vốn để phát triển các sản phẩm khả thi tối thiểu.

origin.jpg
Khả năng tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân ở Việt Nam, nhất là đối với các startup. Ảnh minh họa

Đồng thời, thiếu hụt vốn cho giai đoạn ban đầu và hạn chế của dòng vốn sẵn sàng để đầu tư dài hạn là điều rõ ràng. Chỉ có 15% các DN tham gia khảo sát startup ĐMST năm 2023 của WB cho biết được nhận vốn đầu tư mạo hiểm trước khi ra mắt sản phẩm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ các DN tự huy động vốn hoặc tiếp nhận đầu tư của người thân và bạn bè trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Tình trạng thiếu vốn ở giai đoạn ban đầu là thách thức lớn hơn đối với các startup dựa trên phần cứng, vì họ cần nhiều vốn hơn để phát triển các sản phẩm khả thi tối thiểu. Thiếu hụt về “dòng vốn kiên nhẫn" nghĩa là dòng vốn trong đó các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư dài hạn hơn, thường là quá năm năm, cũng được ghi nhận.

Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam đang tập trung vào phần mềm và các mô hình sao chép ý tưởng nhằm nội địa hóa ý tưởng kinh doanh cho thị trường Việt Nam, và chưa có nhiều nhà đầu tư mong muốn hỗ trợ DN theo hướng dài hạn, hoặc các DN có công nghệ hoặc mô hình kinh doanh quá mới mẻ. Các nhà đầu tư thiên thần, thường đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn giai đoạn ban đầu, còn khan hiếm và các hoạt động của họ chưa được chuyên nghiệp hóa.

Hợp vốn đầu tư, là phương thức đầu tư chia sẻ rủi ro, trong đó một số nhà đầu tư tập hợp nguồn lực để đầu tư cùng nhau với nhiều giao dịch hơn, chưa phải là phương thức phổ biến trong số các nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam.

Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn, các chuyên gia của WB đã đề xuất thiết kế một chương trình đồng tài trợ của nhà nước nhằm thu hút các đơn vị tư nhân và công ty quản lý quỹ đủ tiêu chuẩn để vận hành tổ chức trung gian khởi nghiệp, như các trung tâm vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp, trung tâm ĐMST.

Ngoài ra, một giải pháp nữa được đưa ra là đồng hỗ trợ phát triển trong giai đoạn ban đầu và sau đó nâng cao số lượng các nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư giai đoạn ban đầu. Đồng thời, tạo điều kiện hình thành các mạng lưới và hiệp hội nhà đầu tư thiên thần để cải thiện về số lượng và năng lực của các nhà đầu tư thiên thần trong nước./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
World Bank: Khả năng tiếp cận tài chính là thách thức lớn với các startup Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO