Khởi nghiệp

Bức tranh đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp Đông Nam Á năm 2024

Anh Minh 13:52 09/02/2024

Các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á dường như đang trên đà đạt 1.000 tỷ USD sau năm 2024, nhờ các yếu tố thúc đẩy như dân số trẻ, am hiểu công nghệ, tỷ lệ thâm nhập smartphone cao, các mô hình thanh toán số phổ biến...

Bối cảnh đầu tư và khởi nghiệp của Đông Nam Á năm 2023 có phần suy giảm. Xu hướng tài trợ vốn mạo hiểm (VC) trong năm qua cho thấy khu vực này huy động được 18,2 tỷ USD, thấp hơn mức 18,7 tỷ USD vào năm 2022 và 21,2 tỷ USD vào năm 2021. Các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm này là do nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, gây áp lực lên các quỹ đầu tư, khiến họ phải giữ lại vốn của mình.

Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực đã cho thấy khả năng phục hồi to lớn trong năm 2024, vượt qua những cơn bão kinh tế đó. Hãng nghiên cứu McKinsey & Co. báo cáo rằng các nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gặp nhiều thách thức như xung đột địa chính trị, chi phí năng lượng cao, suy thoái, lạm phát, lãi suất cao, sản xuất giảm, hoạt động xuất nhập khẩu hạn chế và gián đoạn chuỗi cung ứng. Hơn nữa, biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá khu vực, với lượng khí thải carbon gây hại cho môi trường.

22145947-gettyimages-1143214154.jpg
Hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực đã cho thấy khả năng phục hồi to lớn trong năm 2024. Ảnh minh họa

Bất chấp điều đó, các công ty vẫn quyết định tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đổi mới sản phẩm, tận dụng cơ hội trong các ngành đang phát triển nhanh như thương mại điện tử (TMĐT) và học cách đàm phán với các nhà đầu tư để huy động vốn.

5 lĩnh vực khởi nghiệp "hút khách" hàng đầu trong năm 2024

Theo báo cáo eConomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company, Đông Nam Á có dư địa tăng trưởng đáng kể. Năm lĩnh vực hàng đầu trong nền kinh tế số bao gồm TMĐT, vận tải và thực phẩm, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính.

Hiện tại, TMĐT đang hoạt động tốt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm giải pháp kinh doanh trực tuyến, trong khi các công ty khởi nghiệp khác đổi mới sản phẩm và dịch vụ giúp đơn giản hóa hoặc tự động hóa các chức năng kinh doanh. Ngành hậu cần yêu cầu đầu tư đáng kể hơn vào cơ sở hạ tầng để ngăn ngừa hư hỏng phương tiện hoặc thiếu khả năng tiếp cận một số khu vực. Phát triển cơ sở hạ tầng cũng liên quan đến việc áp dụng các phương tiện xanh như xe điện, xe lại, vì vậy, các quốc gia ASEAN đang xây dựng nhiều trạm dịch vụ và cổng sạc xe điện.

Lĩnh vực giao đồ ăn cũng phát triển sau đại dịch COVID-19 do đã tạo được thói quen cho người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành du lịch trực tuyến có phần khởi sắc sau đại dịch, khách du lịch ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ đặt phòng khách sạn và di chuyển trên các trang du lịch trực tuyến. Phương tiện truyền thông trực tuyến - ngành công nghiệp khai thác các công nghệ hình ảnh, video và phát trực tuyến để quảng cáo, chơi trò chơi hoặc quảng bá giải pháp giải trí hoặc truyền thông.

Cuối cùng, phân khúc công nghệ tài chính (fintech) đã tạo đột phá trong nhiều ngành với các giải pháp kế toán, đầu tư, ngân hàng, thanh toán, v.v. Tiền mặt không còn là lựa chọn thanh toán phổ biến vì 50% giao dịch hiện được thực hiện bằng giải pháp số. Fintech hiện được tích hợp vào nhiều ngành công nghiệp, tính bảo mật được nâng cao hơn.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy các lĩnh vực mới, chẳng hạn như công nghệ khí hậu (climatetech), sẽ trở thành mảng kinh doanh đáng chú ý trong năm 2024. Climatetech sẽ thu hút được sự ủng hộ tài chính nhiều nhất từ các nhà đầu tư vì mối quan tâm về tình trạng môi trường và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng trong xã hội. Những đổi mới thân thiện với môi trường này sẽ giúp giảm lượng khí thải nhà kính, bảo vệ đất, giữ nước sạch, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tạo việc làm.

Các doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thể hiện giá trị của mình với các nhà đầu tư bằng cách trình bày các mô hình lợi nhuận đã được chứng minh, định giá đầu vào thực tế và đưa ra các lộ trình rút lui rõ ràng. Chính phủ các nước ASEAN nên thúc đẩy người dân tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế số bằng cách tải xuống và sử dụng các ứng dụng, thực hiện thanh toán trực tuyến.

Những lợi thế của hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN trong năm 2024

Tuy vậy, các công ty khởi nghiệp phải sẵn sàng đối phó với những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu, tình trạng thiếu nhân công công nghệ, xung đột địa chính trị và khả năng tiếp cận vốn khó khăn. Thêm vào đó, các quy định hạn chế sẽ cần được xem xét để ASEAN điều chỉnh lại chính sách của mình, giúp các nước trong khu vực hợp tác dễ dàng hơn.

20150825_gfe_seoul_5179.width-12.jpg
Theo báo cáo eConomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company, Đông Nam Á có dư địa tăng trưởng đáng kể

Các công nghệ mới nổi hoặc tiến bộ vào năm 2024 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bối cảnh khởi nghiệp. Ví dụ: sự hội tụ Phygital - kết hợp thực tế vật lý và kỹ thuật số - sẽ được ứng dụng nhiều hơn khi các giải pháp công nghệ như thực tế ảo (VR) trở nên quen thuộc. Điện toán lượng tử, đám mây sẽ thúc đẩy các giới hạn xử lý dữ liệu, trong khi các giải pháp blockchain và giải pháp bền vững khác sẽ mở ra con đường cho hệ sinh thái khởi nghiệp giới thiệu các sản phẩm sáng tạo và phát triển.

Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chẳng hạn như AI tổng quát, sẽ cho phép các công ty mở rộng quy mô và cung cấp nhiều chức năng hơn. AI có thể giúp phân tích dữ liệu, tạo nội dung, tự động hóa hoạt động tiếp thị, đưa ra dự báo và hỗ trợ an ninh mạng. Tất nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải có những cải tiến đối với các công cụ AI tổng hợp như ChatGPT để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền, sai lệch và trích dẫn từ các nguồn tin gây hiểu lầm.

Cuối cùng, các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á dường như đang trên đà đạt 1.000 tỷ USD sau năm 2024. Các yếu tố thúc đẩy khu vực này sẽ là dân số trẻ và am hiểu công nghệ, sự thâm nhập của điện thoại thông minh, dòng đầu tư rộng rãi trong và ngoài nước cũng như các mô hình thanh toán mới như mua trước, trả sau (BNPL). Bên cạnh đó, cần có những nỗ lực nhằm giải quyết khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn bằng cách giải quyết các vấn đề về kinh phí, nâng cấp cơ sở hạ tầng và giảm chi phí công nghệ.

Các công ty có chính sách ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) sẽ là những công ty đảm bảo khả năng cao được hỗ trợ tài chính trong năm mới khi bối cảnh khởi nghiệp của khu vực tiếp tục phát triển và có ý thức hơn về môi trường./.

Theo Techcollectivesea
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp Đông Nam Á năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO