Xây dựng chính quyền điện tử bắt đầu từ “công dân điện tử”

Xuân Nghiệp| 01/02/2022 11:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng ứng dụng CNTT cho người dân, chuyển từ “công dân truyền thống” giao dịch trực tiếp, sang “công dân điện tử” tiếp cận ứng dụng CNTT trong các giao dịch hành chính công trực tuyến... Đó là phương cách Bắc Kạn đang thực hiện nhằm từng bước xây dựng chính quyền điện tử.

Sự cần thiết xây dựng “công dân điện tử”

Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu là hướng đến xây dựng một nền hành chính điện tử, hiện đại, đồng bộ các cấp; hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; giảm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Đồng chí Hà Văn Tiến- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: Để tiếp nhận được thông tin, dịch vụ công thông qua môi trường mạng đòi hỏi mỗi người dân cần có những phương tiện, thiết bị hiện đại kết nối internet như: Điện thoại thông minh, máy tính, ipad và cả thói quen, kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Điều này có nghĩa là kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin có đồng bộ, hiện đại đến đâu nhưng người dân, doanh nghiệp không biết, không sử dụng các tiện ích dịch vụ công thì cũng không thể xây dựng chính quyền điện tử. Tức là phải tạo ra sự tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp qua môi trường mạng bằng các phương tiện, thiết bị hiện đại.

Ngày 21/5/2020, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dần hình thành “công dân điện tử”. UBND tỉnh xác định trọng tâm là bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức phải có trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Về thiết bị thì cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính có kết nối mạng để làm việc. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức với vai trò là công dân, khi sử dụng dịch vụ công có trách nhiệm nêu gương sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tăng cường hạ tầng CNTT

Xây dựng chính quyền điện tử bắt đầu từ “công dân điện tử” - Ảnh 2.

Thành viên HTX Thiên An, xã Vi Hương (Bạch Thông) bán hàng qua mạng.

Để xây dựng thành công chính quyền điện tử, yếu tố quan trọng đầu tiên là hạ tầng kỹ thuật CNTT phải được đầu tư đồng bộ và đi trước một bước. Do vậy, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hướng tới xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn” gồm 5 hạng mục: Nâng cấp, triển khai nhân rộng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; mở rộng hệ thống thư điện tử tỉnh Bắc Kạn; nâng cấp, mở rộng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; xây dựng và triển khai phần mềm “một cửa”, “một cửa liên thông” và dịch vụ công mức độ cao; xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thông tin cán bộ. Tỉnh đã thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động; xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, đồng thời xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa điện tử” theo hướng tập trung, thống nhất để tiếp nhận, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và giải quyết công việc chuyên môn hằng ngày tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp. Mỗi năm, toàn tỉnh có trên 2 triệu văn bản được gửi nhận điện tử thông qua phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Tính sơ bộ, tỉnh đã tiết kiệm được hơn 8 tỷ đồng/năm đối với các chi phí văn phòng phẩm, thời gian, chất lượng giải quyết công việc được nâng cao. Hiện nay, các tổ chức và cá nhân có thể thực hiện dịch vụ công thông qua nhiều hình thức: Nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4; qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp trực tiếp. Hệ thống đã tăng cường minh bạch hóa trong giải quyết hồ sơ hành chính giữa cơ quan hành chính với người dân, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước...

Những “công dân mới”

Cách trung tâm huyện Bạch Thông khoảng 40km, trước đây mỗi lần về huyện dự hội nghị là lãnh đạo xã Dương Phong phải đi xe máy mất cả tiếng đồng hồ. Nhưng khoảng 2 năm qua, từ khi chuyển sang họp trực tuyến đã giúp cán bộ xã tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí tham gia các cuộc họp của huyện, tỉnh; số lượng cán bộ, công chức dự cũng tăng lên. Môi trường làm việc qua mạng được xã đẩy mạnh thông qua các phần mềm chuyên dụng giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc.

Đồng chí Ma Văn Thời- Bí thư Đảng ủy xã Dương Phong cho biết: “Muốn xây dựng được chính quyền điện tử phải có “công dân điện tử”. Đối với cơ sở, “công dân điện tử” đầu tiên phải là đội ngũ cán bộ, công chức. Thay đổi nhận thức, hình thành thói quen, kỹ năng làm việc trên môi trường mạng cho cán bộ, công chức sẽ là tiền đề nhân rộng ra toàn xã”.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ dân, doanh nghiệp, song Hợp tác xã Thiên An (Bạch Thông) vẫn phát triển tốt. Cụm từ “chốt đơn” đã trở nên quen thuộc với Giám đốc HTX Thiên An Lý Thị Quyên và một số cộng sự bán hàng online. Đây là những thay đổi và lợi ích rõ nét mà HTX Thiên An nhận được từ thành quả giai đoạn 1 chuyển đổi số xã Vi Hương (mô hình triển khai tháng 8/2020). Trung bình mỗi tháng, HTX bán được 400 - 500 đơn hàng online, chiếm khoảng 70% đơn hàng. Chị Quyên chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ 4.0, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp thì công nghệ thông tin đóng vai trò là “chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội đối với HTX”.

Chị Hoàng Thị Mới, người dân tổ 6, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) cho biết: “Điện thoại thông minh không chỉ là phương tiện liên lạc, để đọc báo mà còn là công cụ vạn năng giúp ích rất nhiều cho cuộc sống. Từ thanh toán tiền điện, nước, nộp học phí cho con, khai báo y tế trực tuyến đến nộp hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính đều có thể thực hiện trên điện thoại. Vừa nhanh chóng, tiện lợi, vừa hạn chế tiếp xúc đông người khi dịch Covid-19 đang phức tạp”.

Việc chú trọng xây dựng chính quyền điện tử bắt đầu từ “công dân điện tử”, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm đang là hướng đi của tỉnh để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền với Nhân dân một cách văn minh, hiện đại. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn./.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chính quyền điện tử bắt đầu từ “công dân điện tử”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO