Xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL

Đỗ Thêu| 16/11/2022 14:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức buổi tham vấn về hỗ trợ xây dựng Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL.

Xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi tham vấn xây dựng Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL.

ĐBSCL đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chính phủ đã xác định vùng an ninh lương thực ĐBSCL là vùng trồng lúa trọng điểm của cả nước, với diện tích canh tác hiện nay là 1,7 triệu hecta và sản lượng hàng năm là 24 triệu tấn lúa. ĐBSCL hiện đã chủ động về mặt giống lúa, tuy nhiên vấn đề giá cả vẫn còn là mối quan tâm lớn đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH).

Có nhiều vấn đề đặt ra trong việc xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Lúa chất lượng cao không chỉ đơn giản là giống, mà còn là quy trình canh tác, giá trị của hạt gạo, giá cả như thế nào,… Vì vậy, mục đích của hội nghị tham vấn này là tìm kiếm sự đồng thuận về tư duy, từ đó có định hướng thực hiện xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao hiệu quả. Chủ trương này cũng là mong đợi của nhiều doanh nghiệp (DN) và nông dân ĐBSCL.

Theo báo cáo "Đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vùng ĐBSCL, xây dựng Đề án Sản xuất bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu" của Cục Trồng trọt, ĐBSCL là vùng có lợi thế nhất trong sản xuất lúa, đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu, với điều kiện tự nhiên phân hai vùng: phù sa ngọt phù hợp sản xuất hai vụ lúa/năm và có thể luân canh 2 lúa - màu; vùng ven biển phù hợp sản xuất lúa chất lượng cao hoặc lúa hữu cơ trong cơ cấu tôm - lúa.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo kém, xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp, thu nhập của nông dân trồng lúa không tương xứng với các tác nhân trong kinh doanh xuất khẩu gạo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ khâu sản xuất, sau thu hoạch, chế biến, thị trường, cơ sở hạ tầng và hậu cần đến công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông cũng như thể chế, chính sách.

Dựa trên quan điểm đó, Cục Trồng trọt đề xuất các mục tiêu của Đề án là: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Nâng cao chất lượng giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); Hình thành và nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo; Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH; Sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; Nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; Xuất khẩu gạo, sản phẩm từ gạo, phụ phẩm từ sản xuất lúa có chất lượng và giá trị cao.

Đề án sẽ giúp gắn "nhãn xanh" và tạo ra được thương hiệu gạo

Với nhiều tâm huyết dành cho ngành lúa gạo vùng ĐBSCL, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nêu rõ, trong nhiều năm nay, gạo trắng của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và tạo được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng thế giới. Lần đầu tiên Bộ Chính trị xác định lúa gạo là nòng cốt của an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, câu chuyện nông dân trồng lúa thu nhập thấp vẫn chưa giải quyết được. Chính vì vậy, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là bài toán cần phải giải đúng, để biến thành hình mẫu chứng tỏ rằng nông dân trồng lúa khá giả và ngành lúa gạo là một ngành thịnh vượng.

Từ đó, nhu cầu bắt buộc của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là phải tạo ra sự khác biệt, phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, sản xuất phải theo quy trình, phải thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên và phải giảm được phát thải nhà kính. Đề án sẽ giúp gắn "nhãn xanh" và tạo ra được thương hiệu gạo.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ủng hộ sáng kiến của ngành nông nghiệp và dự án xây dựng vùng trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong khuôn khổ chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam.

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành lúa gạo, trước hết cần làm rõ khái niệm lúa chất lượng cao. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã cố gắng cải thiện chất lượng hạt gạo, cải thiện môi trường, cải thiện văn hóa xã hội nhưng cho đến nay các nỗ lực đó còn riêng biệt chưa tạo nên sức mạnh và lợi ích mang lại cho nông dân dù đã tăng lên nhưng người trồng lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngành lúa gạo đang đặt ra nhiều vấn đề lớn về môi trường, trong đó con số chiếm hơn 50% tổng lượng phát thải của ngành nông nghiệp cần khắc phục để góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế.

"Nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa là chúng ta cũng đóng góp với cộng đồng quốc tế. Giảm phát thải nhà kính không có nghĩa là chúng ta hy sinh lợi ích của người nông dân Việt Nam vì lợi ích của cộng đồng quốc tế. Với sự hỗ trợ của Tổ chức lương thực và nông nghiệp (FAO), Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Ngân hàng thế giới (WB), tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được điều đó", Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO