Xây dựng hệ sinh thái số ngân hàng an toàn để đẩy nhanh chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh, ngành Ngân hàng cần nâng cao năng lực phòng thủ, quản trị rủi ro, bảo vệ dữ liệu khách hàng, nâng cao nhận thức, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, xây dựng một hệ sinh thái số an toàn và lành mạnh trước các tấn công mạng diễn biến phức tạp nhắm vào ngành này.
Ngành ngân hàng liên tục đi đầu trong chuyển đổi số (CĐS)
Phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số (CĐS) ngành Ngân hàng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra ngày 8/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết hành trình CĐS Quốc gia đã đi được 4 năm.
“Chúng ta đã hoàn thành việc nâng cao nhận thức về vai trò, động lực của CĐS đối với quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Công cuộc CĐS của đất nước cũng đã đạt được nhiều kết quả thiết thực và hiệu quả".
Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định: “Ngành Ngân hàng trong những năm vừa qua đã liên tục đi đầu trong CĐS, đi đầu và triển khai thành công các nền tảng quản lý và hiện đại hoá ngân hàng. Kết quả CĐS của ngành ngân hàng đã được minh chứng rõ nét thông qua việc trình diễn của các ngân hàng tại khu triển lãm”.
Việc hình thành hệ sinh thái số và kết nối hệ thống thanh toán do NHNN tổ chức, vận hành và quản lý cùng với các nền tảng số quốc gia như nền tảng định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an quản lý và vận hành; nền tảng hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính đã cấu thành nên hạ tầng quan trọng trong công cuộc CĐS nền kinh tế.
Quan trọng hơn, theo Thứ trưởng, CĐS Ngân hàng đã "đảm bảo cho mọi người dân, doanh nghiệp (DN) đều được tiếp cận, hưởng lợi từ các dịch vụ số cơ bản, thiết yếu".
Thứ trưởng cũng cho rằng các nền tảng này cần được tích hợp sâu rộng, dọc ngang thông suốt để đảm bảo các giao dịch số của các ngành, lĩnh vực khác được thực hiện xuyên sựốt, tiện lợi và an toàn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy các giao dịch xuyên biên giới.
Bốn khía cạnh CĐS ngành Ngân hàng cần thúc đẩy
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, xu hướng CĐS ngành Ngân hàng trong thời gian tới cần được xem xét, thúc đẩy ở 4 khía cạnh.
Thứ nhất, dữ liệu là yếu tố sản xuất quan trọng của nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng, ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất. Khai thác dữ liệu hiệu quả sẽ tạo ra nhiều giá trị cho ngành Ngân hàng nói riêng và các ngành, các hoạt động của nền kinh tế nói chung. Nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ về dữ liệu thì các ứng dụng thực tế của công nghệ của ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ chỉ dừng lại ở mức độ tin học hoá, chứ không phải là CĐS.
Trong những năm vừa qua ngành Ngân hàng đã đi đầu về tạo lập dữ liệu. Giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng cho rằng ngành Ngân hàng cần tiếp tục đi đầu trong việc khai thác hiệu quả dữ liệu thông qua việc: Tạo lập các bộ dữ liệu chất lượng cao; xây dựng các quy định pháp lý để dữ liệu trở nên khả dụng; xây dựng các kịch bản sử dụng các bộ dữ liệu; thí điểm và nhân rộng các mô hình khai thác hiệu quả dữ liệu.
Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ số trong toàn ngành Ngân hàng chính là phương tiện kỹ thuật quan trọng trong CĐS ngành Ngân hàng sang quản trị số và cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu. Bộ TT&TT đề nghị NHNN xem xét triển khai một số nội dung liên quan.
Theo Thứ trưởng, AI đã vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi. "Ngành Ngân hàng phải tăng cường sử dụng AI trong hoạt động của mình để cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu và điều hành một cách linh hoạt hơn, thông minh hơn".
Thứ trưởng phân tích, sử dụng AI và dữ liệu không chỉ để cung cấp dịch vụ ngân hàng tốt hơn cho khách hàng mà còn để xây dựng các mô hình phân tích dự báo, định hướng mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ trong hoạt động của ngân hàng và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển.
Thứ trưởng nhấn mạnh:"CĐS lĩnh vực ngân hàng chỉ có thể giám sát bằng công nghệ hay nói cách khác là giám sát online. NHNN cần phải xây dựng hệ thống giám sát online để phục vụ công tác quản lý nhà nước đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả".
Thứ ba, đổi mới toàn diện hoạt động, mô hình kinh doanh của các tổ chức ngân hàng là lớp ứng dụng tiếp theo của CĐS ngân hàng. Mục tiêu cuối cùng của CĐS là phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững hoạt động của ngân hàng trong bối cảnh nhu cầu về sự linh hoạt, hiệu quả và tối ưu chi phí trở nên ngày càng quan trọng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý CĐS ngành Ngân hàng không chỉ là CĐS cho các tổ chức Tài chính - Ngân hàng mà bao gồm cả việc nâng cao năng lực quản trị số của NHNN và các cơ quan quản lý tài chính khi đưa ra các quyết sách dựa trên dữ liệu.
Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin, Bộ TT&TT đang xây dựng mô hình mẫu trợ lý ảo cho các cơ quan nhà nước. Trong quá trình xây dựng, Bộ TT&TT nhận thấy rằng trợ lý ảo càng hẹp thì càng thông minh. Do vậy, Bộ TT&TT sẽ không xây dựng trợ lý ảo cho cả Bộ mà trước mắt xây dựng trợ lý ảo cho từng đơn vị của Bộ TT&TT và trong tháng 7 sẽ hoàn thành.
Bộ TT&TT sẽ phối hợp với NHNN nghiên cứu và triển khai trợ lý ảo hỗ trợ cho cán bộ công chức ngành ngân hàng trong xây dựng văn bản pháp luật, thực thi công vụ và hỗ trợ người dân về các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ tư, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là nền tảng cho CĐS ngành Ngân hàng.
Thứ trưởng nhận định hiện nay, CĐS ngành ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Nhiều ngân hàng đã có trên 90% giao dịch trực tuyến. Tình hình tấn công mạng nhằm vào hệ thống ngân hàng và lừa đảo trực tuyến của người sử dụng để đánh cắp thông tin, dữ liệu với mục tiêu chiếm đoạt tiền của khách hàng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, việc tấn công, mã hoá, chiếm quyền các hệ thống thông tin đang tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Theo Thứ trưởng, việc tấn công chiếm quyền rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Đứng trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số số 33/CĐ-TTg về việc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị ngành Ngân hàng cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung vào các nhiệm vụ về nâng cao năng lực phòng thủ, quản trị rủi ro, bảo vệ dữ liệu khách hàng, nâng cao nhận thức, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, xây dựng một hệ sinh thái số an toàn và lành mạnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị: “CĐS ngành Ngân hàng cần dựa vào các DN công nghệ số Việt Nam. Trong không gian mạng, người nào nắm nền tảng số người đó nắm dữ liệu và vì nắm dữ liệu thì người đó là người quyết định. CĐS Việt Nam mà không dựa trên nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ CĐS tại Việt Nam sẽ không phải là Việt Nam”.
Bên cạnh đó, với lực lượng làm công nghệ số Việt Nam khoảng 48.000 DN, Thứ trưởng cho rằng “Các DN công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng và có khả năng đáp ứng đa dạng các giải pháp thuộc hệ sinh thái Ngân hàng như hệ thống thanh toán điện tử, ứng dụng ngân hàng trực tuyến, dịch vụ tài chính kỹ thuật số và nhiều giải pháp fintech khác giúp các tổ chức, ngân hàng CĐS một cách linh hoạt, hiệu quả và nhanh chóng".
Cuối cùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh: "Bộ TT&TT cam kết tiếp tục đồng hành cùng với ngành Ngân hàng trong quá trình CĐS”./.