Xây dựng quy định về định danh và xác thực điện tử góp phần phát triển kinh tế số

Lan Phương| 01/08/2019 21:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử đã tổ chức phiên họp đầu tiên và cho ý kiến vào dự thảo 1 của Nghị định.

Ngày 01/8/2019, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng đã chủ trì phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Tham dự phiên họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị chức năng liên quan của Bộ TTTT.

Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 đã giao Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ trong tháng 9/2019.

Theo Nghị quyết 17/NQ-CP, Chính phủ xác định rõ “việc xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Ngày 24/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP thông qua đề nghị của Bộ TTTT về việc xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Thực hiện Nghị quyết 44/NQ-CP, Bộ TTTT đã khẩn trương làm việc với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để thành lập Ban soạn thảo, Tổ giúp việc xây dựng dự thảo Nghị định và chuẩn bị các nội dung của Nghị định.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp lần thứ nhất

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban soạn thảo cho biết, Nghị định này là một trong những Nghị định rất khó và phức tạp vì chưa có tiền lệ và thời gian triển khai rất gấp. Dự kiến tháng 11/2019 phải ban hành Nghị định.

Thứ trưởng nhận định, xây dựng dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử là một công việc khó và phức tạp, vừa làm chính sách vừa xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ trưởng đề nghị đại diện các Bộ, ngành, đơn vị tham gia Ban soạn thảo đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định với tinh thần tích cực, quyết liệt, giải quyết triệt để vấn đề nền tảng để phục vụ các vấn đề trước mắt và lâu dài. Trong thời gian tới, khi triển khai thực tiễn có vấn đề phát sinh thì tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh.

Tại phiên họp, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) thuộc Bộ TTTT, đơn vị thường trực Ban soạn thảo Nghị định đã giới thiệu những nội dung chính của dự thảo lần thứ nhất Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.

Theo đó, Nghị định gồm 5 chương và 33 điều, trong đó:

Chương I nêu rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc định danh và xác thực điện tử.

Cụ thể, phạm vi điều chính của Nghị định này quy định về định danh điện  tử và xác thực điện tử trong các giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (CQNN), bao gồm việc cung cấp, quản lý và sử dụng định danh điện tử, xác thực điện tử.

Nghị định áp dụng đối với CQNN; các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với CQNN; Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và các nhân tham gia giao dịch điện tử tuân thủ các quy định tại Nghị định này.

Chương II bao gồm những quy định liên quan đến định danh điện tử như: giá trị pháp lý của định danh điện tử, tổ chức cung cấp định danh điện tử và thông tin định danh điện tử; điều kiện để được cấp chứng nhận cung cấp thông tin định danh điện tử; Trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức cung cấp định danh điện tử, của tổ chức, cá nhân sử dụng định danh điện tử và thông tin định danh điện tử.

Chương III quy định về dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

Chương IV quy định về sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử. Chương V là các điều khoản thi hành.

Ông Lã Hoàng Trung cho biết hầu hết các giao dịch điện tử giữa CQNN và người dân, doanh nghiệp trên các Cổng dịch vụ công chưa có cơ chế xác thực định danh người sử dụng để đảm bảo an toàn. Giao dịch điện tử giữa các CQNN chưa có quy định về định danh và xác thực điện tử. Giao dịch điện tử trong khu vực tư chưa có quy định về định danh và xác thực để tham chiếu.

Bên cạnh đó, Giám đốc NEAC cũng đưa ra một số đánh giá về các hoạt động liên quan đến định danh và xác thực trên Cổng dịch vụ công của 63 tỉnh, thành và 22 Bộ, ngành và đối với các giao dịch ngân hàng. Theo đó, về việc đăng ký và cung cấp thông tin định danh, đối với các cổng dịch vụ công, người sử dụng tự đăng ký tài khoản và cung cấp thông tin định danh là cần thiết.

Ông Trung cho biết châu Âu đã có Quy định của Nghị viện và Hội đồng châu Âu (2014) về định danh điện tử và các dịch vụ tin cậy cho các giao dịch điện tử (eIDAS). Đức có Luật về thẻ căn cước và định danh điện tử (2011). Phần Lan có Luật về định danh điện tử và chữ ký số. Nhiều nước có luật về chữ ký số và chữ ký số là phương thức xác thực định danh điện tử an toàn.

Đại diện các Bộ, ngành và doanh nghiệp tham gia Ban soạn thảo đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai hoạt động xác thực trong Bộ, ngành của mình như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh…

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao các ý kiến đóng góp, những góc nhìn khác nhau của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp cho dự thảo đầu tiên của Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.

Thứ trưởng yêu cầu, ngay sau phiên họp này, NEAC chủ trì nhóm thường trực gồm đại diện NEAC, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tập đoàn VNPT thống kê, xác định rõ các vấn đề dự thảo Nghị định cần phải giải quyết căn cứ trên những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong phiên họp hôm nay để hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị thường trực Ban soạn thảo khảo sát thực tế để tìm hiểu thực tiễn một số nơi như tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo các quy định của Nghị định phù hợp và khả thi. Nghị định sẽ tập trung vào việc áp dụng đối với giao dịch điện tử của CQNN, nhưng đồng thời sẽ là nền tảng để phục vụ các giao dịch điện tử trong xã hội, nhằm phát triển kinh tế số.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng quy định về định danh và xác thực điện tử góp phần phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO