Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý khuyến khích thực hiện khai hoang, phục hóa, lấn biển
Nghị định quy định lấn biển đang được xây dựng và hoàn thiện được đánh giá là nhiệm vụ cấp thiết đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020. Nghị định sẽ là khung khổ pháp lý cho khuyến khích thực hiện khai hoang, phục hóa, lấn biển theo quy định.
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển, phục vụ phát triển bền vững. Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà nghiên cứu, hoạt động lấn biển xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau, một số khu vực lấn biển có quy mô lớn như tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang…
Hoạt động lấn biển đã trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị, khu vực ven biển, khẳng định một hướng phát triển cần thiết cho tương lai; đây không chỉ là giải pháp để mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế xã hội mà còn là giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng.
Để các dự án lấn biển góp phần phát bền vững cần có sự nhìn nhận nghiêm túc trên cơ sở khoa học, khách quan… tránh làm theo phong trào tổn hại đến môi trường cảnh quan, tài nguyên biển. Trên thực tế, dự thảo về Nghị định quy định lấn biển đã và đang được xây dựng và trong quá trình hoàn thiện theo trình tự, quy định pháp luật.
Mới đây, ngày 17/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định lấn biển. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng Nghị định lấn biển là nhiệm vụ cấp thiết đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020. Nghị định sẽ là khung khổ pháp lý cho khuyến khích thực hiện khai hoang, phục hóa, lấn biển theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và thực hiện mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025 (Điều 1); Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở dự thảo Nghị định đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến; căn cứ vào Điều 9 của Luật Đất đai về khuyến khích khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và yêu cầu từ thực tiễn của các địa phương có biển để làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn của việc ban hành Nghị định.
Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện phân cấp cho các địa phương thực hiện thủ tục giao khu vực biển để lấn biển và giao đất, cho thuê đất để đảm bảo thống nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát các quy định chuyển tiếp theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm bảo chặt chẽ, không hợp thức hóa các trường hợp vi phạm pháp luật trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định…
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục rà soát, chỉnh lý một số quy định như phân cấp cho các địa phương thực hiện thủ tục giao khu vực biển để lấn biển với thủ tục giao đất, cho thuê đất để đảm bảo thống nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát các quy định chuyển tiếp nhằm đảm bảo chặt chẽ, không hợp thức hóa các trường hợp vi phạm pháp luật trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định.
Ngoài ra, do còn có ý kiến khác nhau về mặt pháp lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Chính phủ bổ sung quy định hoạt động lấn biển trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, luật hóa dự thảo Nghị định quy định lấn biển vào Luật Đất đai để bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động lấn biển.
Liên quan đến về vấn đề điều chỉnh, bổ sung đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý mà một số ý kiến cử tri quan tâm, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo”. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 39 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm “Rà soát, chỉnh lý, bổ sung, cập nhật 10 năm một lần đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phần đất liền và các đảo theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này; đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý hoặc chỉnh lý khi có sự biến động về điều kiện tự nhiên, địa hình”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Theo đó, dự thảo Nghị định này quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, công bố, rà soát, chỉnh lý đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phần đất liền và các đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo; đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý theo quy định. Do vậy, khi Nghị định này được Chính phủ ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện việc công bố, rà soát, chỉnh lý đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phần đất liền và các đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo; đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý.