Việt Nam chú trọng khai thác và phát triển năng lượng từ Biển Đông

PV| 24/11/2022 09:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, từ 6,5-7 % hằng năm, kéo theo nhu cầu năng lượng dự báo tăng trung bình 11%/năm. Vì thế, việc chuyển dịch sang đầu tư vào năng lượng tái tạo, dựa trên nhiều lợi thế về địa lý và thiên nhiên, sẽ giúp cho Việt Nam chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế.

Tiềm năng to lớn từ biển

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, Việt Nam cần đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 15-20% vào 2030 và 20-30% vào 2045 (1). Hiện tại ở Việt Nam, nhiệt điện than và thủy điện là hai nguồn cung cấp năng lượng chính vì cho ra nguồn điện ổn định và giá thành phù hợp.

Nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao; trong khi giới hạn về trữ lượng và khả năng khai thác các nguồn năng lượng nội địa như than, dầu, khí đốt; dẫn tới việc chúng ta vẫn phải nhập khẩu than, khí đốt và các sản phẩm dầu, điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc, Campuchia. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ không đảm bảo an ninh năng lượng bền vững trong tương lai vì nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt dần. Đồng thời, môi trường và sức khỏe của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình khai thác và sử dụng những nguồn khoáng sản này.Vì vậy, việc chuyển dịch sang đầu tư vào năng lượng tái tạo, dựa trên nhiều lợi thế về địa lý và thiên nhiên, sẽ giúp cho Việt Nam chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế.

Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Các khu vực đang được khai thác điện gió và có nhiều tiềm năng tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu,… và các đảo.

Chỉ tính riêng các vùng biển quanh đảo Phú Quý, đảo Bạch Long Vĩ thì tiềm năng công suất lắp đặt lên đến 38 GW mỗi vùng. Hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65 m là 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW. Với những ưu đãi về điều kiện tự nhiên như vậy, Việt Nam đặt ra lộ trình đạt mục tiêu đạt 2.000 MW điện gió năm 2025 và 6.000 MW điện gió năm 2030. Nếu được khai thác lắp đặt đầy đủ, công suất hàng năm có thể thu được 4160 TWh/năm gấp 20 lần nhu cầu điện sử dụng hiện nay của Việt Nam (khoảng 200 TWh/năm). Với tiềm năng kỹ thuật hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia có tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió biển tốt nhất thế giới.

Theo đánh giá sơ bộ của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, vùng biển ven bờ Việt Nam với công nghệ tuabin điện sóng hiện có, hàng năm có thể xuất được 230 TWh/năm, tương đương với số công suất điện đang dùng hiện nay tại Việt Nam. Cũng theo phương pháp đánh giá năng lượng sóng ven biển và so sánh với các quốc gia ven biển, Việt Nam có thể nằm trong nhóm 10 nước có năng lượng sóng biển tốt nhất thế giới.

Tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo biển Việt Nam khác như năng lượng dòng chảy, năng lượng nhiệt (OTEC), bức xạ mặt trời, sinh khối rất có tiềm năng vùng biển Trung Bộ và khu vực biển các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năng lượng thủy triều có ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ và vùng cửa sông Đồng bằng sông Cửu Long, năng lượng gradient muối tại các cửa sông.

Việt Nam chú trọng Khai thác và Phát triển Năng lượng từ Biển Đông - Ảnh 1.

Cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu là một trong những dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam.

Tiếp tục xây dựng chính sách để mở đường phát triển năng lượng tái tạo từ biển

Để có được những định hướng chiến lược đúng đắn nhất cho việc phát triển, tận dụng nguồn năng lượng từ biển, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018). Nghị quyết đã đưa ra các đột phá về các ngành kinh tế biển của cả nước đến năm 2030 theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đồng thời, Quyết định 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 25/11/2015 đã có mục tiêu phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh, Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050. Những chủ trương, chính sách này đã tạo tiền đề phát triển thị trường điện Việt Nam, với đóng góp ngày càng lớn của nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, giúp đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện lưới của Việt Nam.

Cùng với đó, việc tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ để phát huy được nguồn năng lượng tái tạo, bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về năng lượng tái tạo cũng cần quan tâm. Nghiên cứu triển khai về năng lượng tái tạo là nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên cần được đầu tư mạnh mẽ, thông qua các chương trình khoa học công nghệ quốc gia về phát triển các phân ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt quan tâm công nghệ thu gom, xử lý tái chế các tấm pin mặt trời, tua bin gió; cơ chế tài chính xanh, carbon xanh cho phát triển năng lượng tái tạo.

Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm về năng lượng tái tạo, hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm trọng điểm sẽ là nơi thích hợp cho việc tập hợp các nhà nghiên cứu trong nước cùng làm việc cũng như trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia phát triển thị trường năng lượng tái tạo.Việt Nam cần có thêm nhiều ưu đãi và hỗ trợ cho doanh nghiệp, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành và liên ngành. Các doanh nghiệp cần quan tâm sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững. Ưu tiên phát triển mô hình xây dựng - cho thuê - chuyển giao BLT (Build - Lease - Transfer) tại Việt Nam.

Việt Nam có môi trường đầu tư khá thuận lợi cho các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, do hạn chế vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo cũng như thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp, thiếu cơ chế bền vững cung cấp tài trợ nên phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam cần khuyến khích đầu tư tư nhân và thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo.../.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chú trọng khai thác và phát triển năng lượng từ Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO