Điều đó được khẳng định qua những kết quả từ thực tiễn cùng những đánh giá trong gần 100 bài tham luận của các cơ quan, tổ chức, cá nhân các nhà khoa học những người đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản tại Hội thảo khoa học được tổ chức ngày 28/9/2022 nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành (10/10/1952 - 10/10/2022).
Những bài tham luận có chất lượng, đề cập nhiều vấn đề ở các khía cạnh khác nhau từ việc đánh giá khách quan kết quả, thành tựu, bài học kinh nghiệm đến những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc của hoạt động xuất bản trong những năm qua; từ việc phân tích sâu sắc bối cảnh trong nước và quốc tế tác động đến hoạt động xuất bản đến việc hiến kế các giải pháp tiếp tục đổi mới toàn diện công tác xuất bản theo đúng định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước. Đây là những vấn đề mà những nhà quản lý, những người trực tiếp làm công tác xuất bản, in và phát hành và bạn đọc quan tâm.
Xuất bản đã lớn mạnh cả về quy mô, năng lực
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi sách, báo cách mạng là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng để thực hiện tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức quần chúng đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Trong những năm tháng vô cùng cam go, khốc liệt của chiến tranh, hoạt động xuất bản đã có đóng góp xứng đáng trên mặt trận tư tưởng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Trong công cuộc đổi mới, hoạt động xuất bản đã lớn mạnh cả về quy mô, năng lực, trình độ, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động hội nhập với khu vực và quốc tế. Nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại ngày càng phong phú. Phương thức, cơ chế hoạt động, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác xuất bản, in, phát hành đã được đổi mới đáng kể. Ngành xuất bản tiếp tục đi tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới", Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia Sự thật nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT&TT cũng có những chia sẻ sâu sắc trong tham luận "Xuất bản Việt Nam phát huy truyền thống 70 năm, đẩy mạnh phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa". Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in quốc gia. Đây là lần đầu tiên ngành xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp (DN) quốc gia vừa là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất trên cả ba khâu: xuất bản, in và phát hành trong phạm vi cả nước. Đây là mốc đánh dấu ngành xuất bản cách mạng nước ta bắt đầu tạo dựng được nền móng của mình.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống tổ chức các NXB được giữ vững, ổn định; năng lực, trình độ của một số NXB được tăng cường; lực lượng lao động có bước phát triển mới cả về lượng và chất. Lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm phát triển nhanh về quy mô và số lượng, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân.
Nhiều NXB đã và đang có những bước đi thích hợp tạo sự đổi mới căn bản trong hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. Trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm điện tử có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm gần đây. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát hành sách nói đã đem lại những hiệu quả đặc biệt ấn tượng…
Có thể khẳng định, ngành xuất bản (bao gồm 03 lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm) đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam trước khi đánh giá về thời cơ, thách thức và những giải pháp để ngành công nghiệp in Việt Nam tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới, thì ông cũng sơ lược quá trình phát triển của ngành in từ những năm 1861 với khởi đầu là hoạt động của in typo rồi đến in lito (thạch bản) và in giấy sáp (stencil)…
Ông Dòng cũng cho biết: cách đây hơn 20 năm, ngành công nghiệp in Việt Nam từng được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp có mức độ tiếp cận nhanh với trình độ chung của thế giới, có mức tăng trưởng cao đạt 10 - 12%/năm trong suốt nhiều năm và ngày nay đang trở thành một ngành công nghiệp phụ trợ, không chỉ phục vụ đắc lực trên mặt trận chính trị, tư tưởng, cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của Đảng và Nhà nước ta mà còn hỗ trợ cho việc phát triển, cùng lớn mạnh với các ngành kinh tế khác của đất nước.
Những thành tựu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp in Việt Nam trong những năm gần đây đã góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản (trong đó có ngành in) nhằm xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại Việt Nam có tới trên 2.300 DN in và trên một vạn cơ sở in và dịch vụ nhỏ lẻ, trong đó DN in thuộc sở hữu nhà nước chỉ còn 112, chủ yếu là các nhà in thuộc hệ thống Đảng, quân đội và một số ngành đặc thù như tài chính, ngân hàng, cơ yếu, bản đồ... chiếm tỷ trọng 5%, DN cổ phần và tư nhân chiếm 80,8% và DN có vốn đầu tư nước ngoài là 14,2%. Tổng doanh thu của toàn ngành in ước đạt khoảng trên 150.000 tỷ đồng. Tổng số lao động làm việc trong ngành in trên 70.000 người.
"Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng sản lượng của toàn ngành in bị suy giảm không đáng kể do một số lĩnh vực in, nhất là in bao bì, nhãn hàng vẫn tăng. Sự tăng trưởng liên tục với tốc độ cao của nhiều năm trước đây nên ngành công nghiệp in Việt Nam hiện đã nằm trong Top 4 của khu vực Đông Nam Á và xét về mức tiêu thụ giấy và các nguyên vật liệu khác trong ngành in thì Việt Nam đang ở mức trung bình trên thế giới", ông Dòng nhận định.
Xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển
Tham luận tại Hội thảo, GS. Đinh Xuân Dũng cũng khẳng định các quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản hiện nay: Sự nghiệp xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng - văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Đây là chức năng kép tạo nên đặc trưng hay tính đặc thù của xuất bản Việt Nam; Định hướng và đáp ứng nhu cầu, hay là sách và thị trường sách; Xuất bản và văn hóa đọc; Xuất bản truyền thống (giấy) và xuất bản điện tử (trên mạng).
Những phân tích sâu sắc về mối quan hệ này của GS. Đinh Xuân Dũng một lần nữa khẳng định những giá trị to lớn của Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam - Trưởng văn phòng đại diện phía Nam tại TP. HCM khi chia sẻ về những kinh nghiệm xây dựng đường sách cũng nhấn mạnh rằng: Đường Sách TP. Hồ Chí Minh chính thức đi vào hoạt động ngày 09/01/2016, là một trong 10 sự kiện nổi bật của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2016. Sự ra đời của Đường Sách TP. Hồ Chí Minh là thành quả của sự đồng lòng giữa "ý Đảng, lòng Dân" về việc tạo dựng một không gian văn hóa đọc, là "nơi phục vụ và thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần" của người dân thành phố và du khách, nơi thưởng lãm đậm nét văn hóa của người dân sau những giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, những ngày lễ hội...
"Đường sách sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động tạo nên giá trị gia tăng cho các hoạt động liên quan đến sách, vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc, vừa giữ chân bạn đọc thân thiết và làm tăng lượng bạn đọc tiềm năng tương lai đến với Đường Sách". Ông Hoàng cũng mong muốn mô hình Đường sách sẽ được nhân rộng trên cả nước để tạo thêm được nhiều không gian bổ ích phát triển triển văn hóa đọc sâu rộng đến toàn dân.
Để phát triển ngành xuất bản hơn nữa, nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản có vai trò quan trọng. Bà Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chia sẻ rằng trong bối cảnh của ngành công nghiệp xuất bản hiện nay đã tác động rất lớn đến công tác đào tạo nguồn nhân lực xuất bản, như: tác động của đại dịch COVID-19 làm giảm tốc độ phát triển của ngành xuất bản; xu hướng giữ vị trí quan trọng của xuất bản điện tử... Điều này đòi hỏi mỗi NXB muốn tiếp tục phát triển, cần phải có một đội ngũ nhân sự có khả năng nắm bắt và triển khai được cả những nghiệp vụ mới và cũ phù hợp với sự dịch chuyển này. Tiếp nữa là xu hướng ứng dụng công nghệ trong các hoạt động nghiệp vụ xuất bản đòi hỏi biên tập viên các NXB cần phải có nghiệp vụ cao hơn, đặc biệt là kỹ năng số.
Bà Vũ Thùy Dương cũng đưa ra các giải pháp đổi mới đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản như: xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO (hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành); Đổi mới nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành; xây dựng, bổ sung, điều chỉnh hệ thống giáo trình theo xu hướng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.
Theo đó, ngoài việc cung cấp cho sinh viên những kỹ năng mềm thông qua các môn học lý thuyết cơ sở có nội dung thuộc về bản chất và nguyên lý, thì rất cần thông qua quá trình liên kết, phối hợp đào tạo với các đơn vị xuất bản sẽ tạo dựng cho sinh viên kỹ năng nghề thông qua học thực tế, thực nghiệm, hướng tới tự chủ và độc lập trong công việc.
Mô hình cũng thúc đẩy đổi mới và cập nhật quy trình đào tạo tiên tiến theo hướng hiện đại, sát thực tế, phù hợp với yêu cầu của các cơ sở sử dụng đội ngũ sinh viên sau khi ra trường; từng bước nâng cao chất lượng giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo và bồi dưỡng, tuyển chọn và biên dịch những tài liệu của nước ngoài để phục vụ cán bộ giảng dạy và sinh viên học tập, mời nhà tuyển dụng tham gia trực tiếp vào việc thiết kế khung chương trình, hướng tới xây dựng một bộ giáo trình chuẩn và liên thông đào tạo các loại hình thuộc khối xuất bản, biên tập in và phát hành xuất bản phẩm./.