GS. TS. Lê Ngọc Thọ, Đại học McGill, Canada, thành viên thường trực của Hội kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) đã chia sẻ về xu hướng của thông tin liên lạc (communications) hiện đại với các thành viên IEEE, các kỹ sư và các sinh viên chuyên ngành kỹ thuật Việt Nam tại hội thảo IEEE Day vừa được tổ chức.
Các phương thức truyền thông ngày càng có ý nghĩa to lớn
Theo GS. TS. Lê Ngọc Thọ, đại dịch COVID-19 đã cho thấy rõ vai trò to lớn của thông tin liên lạc. Nhờ hạ tầng viễn thông tốt, việc dạy học trực tuyến, làm việc từ xa và các hoạt động trên môi trường số được đảm bảo.
"Bây giờ, mọi giao tiếp, liên lạc trên môi trường số đều ở thời gian thực. Các nhu cầu và xu hướng thông tin liên lạc mới là: các dịch vụ multimedia (như thoại, video, hội nghị video thời gian thực dành cho cả khách hàng doanh nghiệp, hộ gia đình); liên lạc mọi nơi (ubiquitous) cho tất cả mọi người và trên tất cả các thiết bị; các hệ thống mở với các ứng dụng mới; mạng hợp nhất (mạng phân tán, đa dịch vụ, kiến trúc gói).
Lịch sử truyền thông thế giới đã đi qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều công nghệ khác nhau từ việc James Clerk Maxwell chứng minh sự tồn tại của sóng điện từ vào năm 1864 đến cuộc gọi điện thoại đầu tiên năm 1935, hệ thống điện thoại di động thương mại đầu tiên vào năm 1946, cuộc gọi điện thoại di động bằng máy cầm tay vào năm 1973, sự phát triển của thông tin di động qua các thế hệ từ thế hệ 1 và đến nay là thế hệ 5 (5G).
Theo GS. TS. Lê Ngọc Thọ, kết nối 5G hiện được được tăng cường nhờ các khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI) như các chức năng mô phỏng phi tuyến tính, mô phỏng các vấn đề khó, các giải pháp tính toán hiệu quả… AI cũng cho phép quản lý mạng thông minh. Theo đó, 5G giúp các đồ vật kết nối thông minh và hướng tới kết nối một số lượng lớn các thiết bị trong một môi trường thông minh/bền vững.
GS. TS. Lê Ngọc Thọ cũng chia sẻ hướng nghiên cứu của ông và cộng sự sau 5G là ISAC (Integrated Sensing and Communications), nghĩa là kết hợp radar và các phương thức thông tin liên lạc trong cùng dải tần số tạo ra các ứng dụng tiềm năng mới. Hướng nghiên cứu này giúp độ rộng băng thông cao hơn, làm tăng tốc độ dữ liệu trong thông tin liên lạc và tăng độ phân giải radar, làm giảm suy hao đường truyền tín hiệu… ISAC cũng bao gồm nghiên cứu ứng dụng công nghệ radar mmWave tự động (automative mmWave radar technology), giúp ứng dụng cho các phương tiện đi lại như có thể kiểm soát tàu thuyền đi lại, tránh va chạm, hay xe tự lái… Các ứng dụng ISAC còn hỗ trợ giám sát y tế từ xa, các cơ sở chăm sóc sức khoẻ người già, phân tích các toà nhà, an ninh hộ dân, IoT, IIoT…
Hợp tác để phát triển thêm nhiều ứng dụng 5G tại Việt Nam
Chia sẻ về việc phát triển các ứng dụng cho mạng 5G của Viettel, ông Phan Hoài Hội, Giám đốc Viettel Innovation Lab tại TP.HCM đã giới thiệu Viettel Innovation Lab, phòng thí nghiệm 4.0 hoàn chỉnh và hiện đại nhất, được xem là một trong những phòng lab hiện đại trong Đông Nam Á. Phòng Lab có 2 cơ sở tại Hà Nội, TP.HCM.
"Phòng Lab được trang bị đầy đủ các công nghệ 4.0 như 5G, IoT, AI, dữ liệu lớn. Sức mạnh của Viettel Innovation Lab nằm ở giá trị cộng hưởng giữa công nghệ - ý tưởng - kết nối hợp tác để cùng kiến tạo xã hội số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia", ông Hội cho biết.
Phòng Lab có 5 chức năng chính là: hợp tác phát triển các công nghệ lõi, AI, đám mây, tính toán, dữ liệu lớn; đào tạo công nghệ và chia sẻ tri thức; hợp tác với các nhóm nghiên cứu, công ty phát triển sản phẩm để phát triển các ứng dụng phục vụ nhu cầu đời sống; quảng bá sản phẩm; tham gia hợp chuẩn đo kiểm các ứng dụng 5G, IoT khi các nhóm nghiên cứu phát triển tham gia cùng.
Với các chức năng của Lab, ông Hội cho biết các nhóm tham gia nghiên cứu sẽ được hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, tối ưu, hoàn thiện các ứng dụng, giải pháp. Phòng Lab cũng đón nhận các ý tưởng và hỗ trợ các công cụ bởi phòng Lab được trang bị các thiết bị, nền tảng hiện đại, mới nhất của Qualcomm, Intel… như các bộ kit, bộ box, các bộ cảm biến để đáp ứng phát triển nông nghiệp thông minh, quan trắc môi trường, CO2, bụi mịn… hay các bộ cảm biến liên quan điều khiển ánh sáng và có máy đo hợp chuẩn đầu cuối thiết bị IoT
Hiện phòng Lab cũng đang phát triển các nền tảng như Welink, nền tảng mã nguồn mở Thingsboard, nền tảng Thingworx thuộc top 3 nền tảng IoT hàng đầu thế giới, nền tảng đám mây (native cloud) cho 5G, IoT Edge đáp ứng các ứng dụng 5G yêu cầu độ trễ thấp, tốc độ cao với sự hợp tác của Intel.
Cũng theo chia sẻ của ông Hội, mạng 5G đã được triển khai ở Việt Nam 2 năm, tuy nhiên vẫn chưa được mở rộng. Viettel mới triển khai 5G tại 3 thành phố lớn Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và các trung tâm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế.
Khi triển khai diện rộng hơn, ông Hội cho biết, cần nhiều thiết bị 5G giá rẻ hơn để người dân có thể tiếp cận. Hiện nay, các nhà cung cấp thiết bị cũng đang tích cực đưa sản phẩm ra thị trường với giá rẻ. Viettel Innovation Lab hiện tại cũng đang phối hợp với một số công ty phát triển thiết bị 5G, gồm điện thoại di động 5G, laptop, USB 5G, thiết bị CPE thu tín hiệu 5G và phát tín hiệu WiFi cho các thiết bị khác. "Hy vọng trong thời gian tới, người dùng có thể mua được các thiết bị 5G của Viettel và các nhà cung cấp khác".
Ông Phan Hoài Hội nhấn mạnh Viettel Innovation Lab hoạt động theo mô hình mở, cho phép các nhà khoa học, sinh viên, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp, thiết bị miễn phí và mong muốn hợp tác với các nhóm nghiên cứu, công ty để hoàn thiện giải pháp đang được Lab triển khai.
Theo PGS. TS. Nguyễn Linh Trung, Viện trưởng Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ (AVITECH) trực thuộc ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, các thông tin được chia sẻ tại buổi trao đổi chuyên đề này do Học viện Công nghệ BCVT TP.HCM, Đại học (ĐH) Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa TP.HCM và ĐH công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức giúp các thành viên IEEE, các sinh viên nắm được các thông tin chuyên ngành.
Tổ chức IEEE được thành lập tháng 5/1884 tại Mỹ. Từ năm 2009, ngày thứ 3 đầu tiên của tháng 10 được lấy làm Ngày IEEE, ngày gặp gỡ để trao đổi chuyên môn, ý tưởng. Năm 2010 là năm trao đổi chuyên môn được tổ chức lần đầu tiên.
Trên thế giới, IEEE có khoảng 400.000 thành viên, 39 hội thành viên các nước và hiện nay bao phủ của IEEE không chỉ điện - điện tử mà bao phủ nhiều lĩnh vực máy tính, y sinh, robot… Việt Nam có hơn 200 thành viên, 4 tổ chức về chuyên môn: thông tin liên lạc (communications), vi mạch bán dẫn, tính toán thông minh và xử lý tín hiệu./.