Đây là Hội thảo trực tuyến thứ hai trong chuỗi hội thảo về vấn đề trao quyền kinh tế cho phụ nữ được tổ chức theo Chương trình Đối tác và Chiến lược của ERIA, do Australia tài trợ.
Hội thảo đã thu hút hơn 120 đại biểu từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhiều châu lục tham gia. Chủ đề trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong nền kinh tế số là một lĩnh vực mà Chương trình Đối tác và Chiến lược của ERIA đang thực hiện.
Trong bài phát biểu của mình, TS. Giulia Ajmone Marsan, Giám đốc Chiến lược và Đối tác của ERIA, cho biết phụ nữ có xu hướng ít hiện diện trong lĩnh vực Khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và việc làm trên toàn cầu và trong ASEAN.
"Mặc dù ASEAN là một trong những khu vực có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng cần phải khuyến khích nhiều phụ nữ hơn tiếp cận cơ hội do chuyển đổi số mang lại", TS. Giulia Ajmone Marsan chia sẻ thêm.
Phần lớn phụ nữ trên toàn khu vực ASEAN làm việc trong các ngành y tế và khoa học xã hội hơn là công nghệ, kỹ thuật và toán học. Do đó, tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục STEM và việc làm của phụ nữ là một bước quan trọng để hướng tới phát triển kinh tế bao trùm ở ASEAN.
Những điển hình phát triển ứng dụng công nghệ từ các nước ASEAN cho nữ giới
Bà Mazlita Mat Hassan, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập RECQA.com đến từ Malaysia, phát triển RECQA.com, một nền tảng chia sẻ kiến thức với cộng đồng và được tổ chức với sự hợp tác của Bộ Giáo dục Malaysia.
Bà lưu ý tầm quan trọng của công nghệ trong việc tiếp cận các nhóm yếu thế, chẳng hạn, để thu hẹp khoảng cách giữa giáo viên và học sinh hoặc các khu vực thành thị và nông thôn.
Bà cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy đa dạng giới, vì thương mại điện tử (TMĐT) và hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn do nam giới chiếm lĩnh.
Trong khi đó, bà Chan Yin Yin, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập BotDistrikt đến từ Singapore, đã phát triển một nền tảng chatbot với giá hợp lý chủ yếu dành cho các DN nhỏ và vừa ở Singapore. Bà bắt đầu hành trình của mình trong lĩnh vực công nghệ với kinh nghiệm thực tế về TMĐT và nền kinh tế số.
Bà nhấn mạnh những trở ngại mà trẻ em gái và phụ nữ phải đối mặt, đặc biệt là những định kiến hiện nay về sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực STEM, ở châu Á cũng như các khu vực khác. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một hình mẫu tốt, chuyên gia cố vấn và quyết tâm cho phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế số.
Bà Kingkeo Doungsavanh, Giám đốc Data Com từ Lào chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp, lĩnh vực CNTT – truyền thông (ICT) không phải là một môi trường dễ dàng cho phụ nữ. Bà cho biết rằng hầu hết phụ nữ ở Lào, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và không được đào tạo để họ có việc làm trong nền kinh tế số.
Do đó, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang lại khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo cho lao động nữ nâng cao trình độ, đào tạo lại kết hợp với việc tiếp cận tốt hơn với Internet để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế số. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các sáng kiến của chính phủ như việc tổ chức các khóa đào tạo về STEM cho phụ nữ và thanh niên ở Lào.
Bà Liza Noonan, Giám đốc ASEAN của CSIRO, cơ quan khoa học của Australia, giải thích cách cơ quan này đang hỗ trợ mạnh mẽ bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ, bao gồm cả ASEAN, bằng cách thực hiện một số sáng kiến nhằm thúc đẩy đa dạng giới trong STEM và nền kinh tế số.
Bà mô tả sáng kiến của CSIRO "SAGE" (Science Australia Gender Equity) và cách làm thế nào để đa dạng, bao gồm cả đa dạng về giới, có liên quan đổi mới nhiều hơn và kết quả khoa học tốt hơn, vì các nhóm đa dạng có thể xem xét vấn đề từ các khía cạnh khác nhau.
Bà nhấn mạnh một số yếu tố và sáng kiến chính để trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy đa dạng giới, bao gồm việc mang đến các nền tảng STEM để phụ nữ tương tác và mạng lưới và tìm ra các hình mẫu cũng như thúc đẩy phụ nữ trở thành "đại sứ STEM", trở thành những điển hình để nhiều người noi theo.
Các thông điệp chính từ hội thảo
Hội thảo đã đưa ra những thông điệp chính là:
- Tầm quan trọng của đa dạng giới trong lực lượng lao động để thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế số bao trùm được hỗ trợ bởi một tổ chức nghiên cứu.
- Tầm quan trọng của việc cung cấp các nền tảng, tiếp cận giáo dục và đào tạo để thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong hoạt động STEM và kinh tế số.
- Cần có công nghệ để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, vì phụ nữ ở nông thôn có nguy cơ tiếp tục bị thiệt thòi hơn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số.
- Vai trò của cả chính phủ và khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các sáng kiến đảm bảo đa dạng giới trong lực lượng lao động.