Xử lý nghiêm hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật
Một trong những nhiệm vụ quản lý nhà nước quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực báo chí thời gian tới là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội; tiếp tục xem xét, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng...
Một số kết quả nổi bật
Theo đánh giá kết quả công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quý I/2023 vừa qua, trong các lĩnh vực quản lý thì lĩnh vực báo chí có nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động chỉ đạo điều hành.
Cụ thể về Báo chí, Bộ TT&TT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành; tổ chức Diễn đàn kinh tế báo chí năm 2023 tổ chức tại tỉnh Bình Định; thực hiện cấp đổi thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 cho các cơ quan báo, tạp chí in và điện tử 12.211 thẻ; cấp giấy phép xuất bản 3 bản tin; cấp giấy phép xuất bản14 đặc san. Đồng thời, ban hành 3 Quyết định xử phạt cảnh cáo về xử lý sai phạm trong hoạt động báo in và báo điện tử và tiếp nhận, xử lý 29 đơn thư.
Trong các hoạt động về lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, có thể điểm một số hoạt động đáng chú ý như: Hội thảo phổ biến chính sách pháp luật mới về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Thành phố Hồ Chí Minh; Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chuyên đề đánh giá cập nhật các thông tin về việc cung cấp dịch vụ OTT TV và kiểm tra giám sát, vi phạm về hình ảnh, âm thanh chuyển ngữ sang tiếng Việt của 06 doanh nghiệp OTT xuyên biên giới; Xây dựng phương án xử lý đối với kiến nghị của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trên mạng Internet xuyên biên giới vào Việt Nam và các doanh nghiệp chưa có báo cáo kế hoạch chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam... Hệ thống báo cáo trực tuyến lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã bổ sung lĩnh vực đài phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và đã triển khai đi vào vận hành từ ngày 1/1/2023 tại địa chỉ: report.abei.gov.vn.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam; Tiếp tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản cá nhân, fanpage vi phạm; Làm việc với Google về việc các quảng cáo vi phạm trên YouTube và gỡ bỏ các kênh YouTube xấu độc tại Việt Nam, về các chương trình hợp tác phát triển, kết nối để thúc đẩy ngành game.
Trong quý I/2023, Bộ TT&TT cũng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành Chỉ thị tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng...
Siết chặt quản lý lĩnh vực báo chí hiệu lực, hiệu quả hơn
Trong các nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023 về lĩnh vực báo chí, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hóa báo chí; Tiếp tục định hướng các cơ quan báo chí tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục tập trung định hướng, thông tin tuyên truyền về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... Ban hành Hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch hành động truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam...
Đáng chú ý, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản, in, phát hành theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Tập trung xử lý kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về các thông tin báo chí phản ánh. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn nhằm giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội; tiếp tục xem xét, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng; tình trạng nhũng nhiễu, dọa dẫm hoặc ép thực hiện các hợp đồng quảng cáo, đăng bài viết tuyên truyền có thu phí đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; không tuân thủ tôn chỉ, mục đích; vi phạm đạo đức người làm báo.
Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay” cũng sẽ được Bộ TT&TT thực hiện song song với việc tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trang thông tin điện tử (TTĐT) tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa”, trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm có thể áp dụng các biện pháp xử lý như đình chỉ, thu hồi giấy phép.../.