Truyền thông

Xử nghiêm “báo hóa tạp chí”, “tư nhân hóa báo chí” để giữ niềm tin của độc giả

ThS Đỗ Công Định, Phó Tổng Biên tập, Báo Thanh tra, Ủy viên Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam 10:40 26/02/2023

Tạp chí “báo hóa” hoạt động như báo điện tử, hay biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí đã được nhận diện. Vấn đề đặt ra là phải ngăn chặn, xử lý nghiêm, nếu không báo chí sẽ mất niềm tin của độc giả.

Tạp chí “báo hóa”, không tuân thủ tôn chỉ, mục đích

Cách đây gần 4 năm, vào tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Với quyết tâm chính trị, đến nay, việc sắp xếp theo đúng phương án của quy hoạch, hệ thống báo chí đã có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự “phân vai” giữa báo và tạp chí. 

Nhiều cơ quan báo chí sau khi chuyển đổi mô hình thành tạp chí đã thay đổi cách thông tin, nội dung thông tin cho phù hợp với tính chất tạp chí và giấy phép hoạt động của báo chí.

Đặc biệt, sau khi chuyển đổi mô hình, nhiều tạp chí hoạt động chuyên sâu, chuyên ngành, theo đúng tôn chỉ, mục đích, trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, nhà lý luận và độc giả trao đổi, thảo luận, tham gia tổ chức tổng kết thực tiễn, cũng như tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.

Ở chiều ngược lại, không ít tạp chí điện tử có “động tác giả” khi giao diện trang chủ không ghi hoặc ghi “tạp chí” rất nhỏ. Tên các chuyên mục cũng không thể hiện tính chất chuyên sâu, chuyên ngành mà sử dụng các từ ngữ có nội hàm rộng mang tính chất loại hình báo như tin nóng, tin hot, thời sự, điều tra theo đơn thư bạn đọc, đời sống... Điều này khiến độc giả khó nhận biết hoặc nhẫm lẫn.

429-1658797254445490716049-0-0-750-1200-crop-1658797263132559037304.jpg

Tương ứng với hình thức thể hiện là nội dung đăng tải “cố ý vượt rào” không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Tạp chí khoa học, chuyên ngành nhưng thông tin khoa học, lý luận, chuyên ngành rất ít, thậm chí “vắng bóng”. Thay vào đó, là các thông tin về vấn đề nội bộ một chiều theo đơn thư, thông tin chưa kiểm chứng, giật tít câu view…

Đáng nói, nhà báo, phóng viên của nhiều tạp chí tác nghiệp không tuân thủ quy định của pháp luật, có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với nhiều cách thức gây phiền hà, nhức nhối với địa phương, doanh nghiệp.

Qua thực tế thanh tra một số tạp chí, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ rõ, các tạp chí này chưa thực hiện nghiêm kỷ luật thông tin, đăng tải số lượng lớn bài viết sai tôn chỉ mục đích, quá sa đà vào việc phản ánh các nghi vấn tồn tại trong hoạt động của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nhiều lĩnh vực tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng, nhiều doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề, gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tạp chí cũng đăng tải các tin, bài đặt nghi vấn trong quá trình thực hiện đấu thầu, mang tính một chiều, thiếu kiểm chứng, không nêu rõ những vi phạm cụ thể.

Không ít bài viết phần cuối bài có “tạp chí… sẽ tiếp tục thông tin” hoặc “tạp chí… sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này”… Tuy nhiên, thực tế các tạp chí này không thực hiện các bài viết tiếp tục thông tin đầy đủ đến bạn đọc, gây ra sự tò mò, hoang mang trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân liên quan trong nội dung bài viết...

Những biểu hiển vi phạm như vậy đã được các cơ quan quản lý báo chí nhận diện và định danh là hiện tượng “báo hóa tạp chí”, cần phải ngăn chặn, loại bỏ. Phải nói rằng, “báo hóa tạp chí”, về bản chất là sự chủ ý, cố tình của ban biên tập, những người điều hành, thực hiện nội dung của các tờ tạp chí, trong đó chủ yếu là các tạp chí điện tử.

Bên cạnh “báo hóa tạp chí”, là những biểu hiện “biến thái”, “tư nhân hóa” trong hoạt động liên kết giữa tạp chí với báo, thành phần kinh tế khác liên kết với cơ quan báo chí để sản xuất nội dung.

Báo cáo công tác báo chí năm 2022 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 đính kèm văn bản do Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm ký gửi các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản và cơ quan báo chí ngày 18/01/2023 nêu lên những tồn tại, hạn chế của báo chí như sau: “Ngay sau khi ban hành, kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí và thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương đã được triển khai khẩn trương, kịp thời, đồng bộ. Tuy nhiên, những biểu hiện hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí mặc dù đã giảm so với những năm trước song vẫn còn xảy ra ở không ít cơ quan tạp chí, nhất là các tạp chí điện tử. Các cơ quan tạp chí này có xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức theo hướng gây hiểu nhầm là báo… Nhiều tạp chí, đặc biệt là tạp chí thuộc các tổ chức hội xã hội nghề nghiệp, tạp chí của viện thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chưa chú trọng thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, tỷ lệ, hàm lượng nội dung mang tính học thuật, tin lý luận, phân tích, kiến giải chuyên sâu, chuyên ngành thấp, chủ yếu chạy theo phản ánh sự kiện, thông tin về những lĩnh vực không thuộc phạm vi tôn chỉ, mục đích.”

“Bán cái”, “khoán trắng” trong sản xuất nội dung

Đảng, Nhà nước đã nêu quan điểm nhất quán là không có tư nhân hóa báo chí. Tuy nhiên, Luật Báo chí cho phép cơ quan báo chí được liên kết với các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác đủ năng lực, phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật.

Có nghĩa, các cơ quan báo chí khi quyết định tham gia liên kết với các đối tác phải xác định rõ sẽ tham gia liên kết ở khâu nào, đến mức độ nào, liên kết chứ không phải “phân lô, bán nền” chuyên trang, chuyên mục để đối tác quản lý công nghệ hay sản xuất nội dung.

Từ thực tế, cơ quan quản lý báo chí đã chỉ ra, các biểu hiện “tư nhân hoá báo chí” chủ yếu xuất hiện trên loại hình điện tử (cả báo và tạp chí). Có trường hợp giao diện chuyên trang của báo, tạp chí điện tử giống y nguyên hoặc có mẫu nhận diện giống, gây nhầm lẫn với trang thông tin điện tử tổng hợp của đối tác liên kết.

Điều nguy hiểm là, cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên - người của đối tác liên kết ghi là: Phóng viên để hoạt động tác nghiệp. Rồi, phóng viên của cơ quan báo chí là người chịu trách nhiệm nội dung của trang thông tin điện tử…

“Một số cơ quan báo chí, trong quá trình liên kết đã giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh, liên kết theo hướng người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm, buông lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền quản lý, điều hành, kiểm soát nội dung liên kết trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích” - Báo cáo công tác báo chí năm 2022 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 - chỉ rõ.

Mục đích của “tư nhân hóa báo chí” nói thẳng ra là hướng đến lợi ích, đó là tiền và thương hiệu. Nhìn tổng thể, lợi ích về cơ quan báo chí ít, nguồn lợi thấp, thương hiệu báo không những không được đẩy lên mà còn bị hạ thấp và kèm theo là không ít rủi ro bởi bên báo rất ít hoặc không thể kiểm soát được nội dung cho bên tham gia liên kết.

Chính sự dễ dãi, dễ dàng thỏa hiệp và sự nóng lòng muốn có thêm nguồn thu đã đẩy các cơ quan báo chí vào những cuộc “bắt tay” với đối tác chưa hợp lý, thậm chí vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng “túy còi” xử phạt nghiêm khắc.

Ở đây phải nói thêm rằng, quá trình quy hoạch báo chí diễn ra trùng với thời điểm đại dịch COVID -19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí. Nguồn thu từ quảng cáo, phát hành giảm đáng kể khiến các cơ quan báo chí, nhất là tờ báo chuyển đổi mô hình thành tạp chí gặp khó khăn, không phải dễ vượt qua.

Trước khó khăn “kép”, rất nhiều các cơ quan báo chí tiếp tục “cải cách chính mình”, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, tạo các nguồn thu mới hiệu quả và bền vững. Phóng viên, nhà báo ở tất cả các loại hình báo chí cũng sát cánh với lực lượng tuyến đầu chồng dịch, không ngại gian khổ, hiểm nguy. Tinh thần đó, đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngợi khen, đánh giá trong thư gửi các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID -19: “Những anh, chị, em nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy vào giữa tâm dịch để viết tin, bài”.

Cho nên, không thể lấy lý do khó khăn để biện minh cho việc nhiều tờ tạp chí điện tử “báo hóa”, “tư nhân hóa báo chí” để “tìm kiếm nguồn thu” bằng phương thức “rửa nguồn” tin cho trang thông tin điện tử; tăng lượng view bằng thông tin giật gân câu khách rẻ tiền, tác nghiệp điều tra theo đơn thư bạn đọc để gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin, sách nhiễu doanh nghiệp, cơ quan, ép ký hợp đồng quảng cáo …

Bởi đó là những hoạt động không chỉ đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, mà còn đi ngược lại đạo đức làm nghề, cũng như vi phạm pháp luật. Dư luận xã hội và những người làm báo chân chính hết sức bất bình về những vi phạm này.

Tiếp tục chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm

Bộ TT&TT  khẳng định, công tác xử lý tình trạng “báo hóa tạp chí”, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa tạp chí”, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí và triển khai các nhiệm vụ về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay được Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan triển khai từ tháng 3/2022.

Dù việc xử lý tình trạng “báo hóa tạp chí”, biểu hiện “tư nhân báo chí”, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là với các tạp chí điện tử đã đạt những kết quả cụ thể nhưng đây vẫn là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội và giới báo chí. Cạnh đó, vẫn còn những sai phạm của cơ quan báo chí chưa được chủ động phát hiện sớm để xử lý nghiêm, kịp thời.

Để báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, trang tin ra trang tin, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện rà soát, chấn chỉnh xử lý “báo hóa tạp chí” và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào trường hợp hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, biểu hiện “đánh đấm” và quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.

Cơ quan quản lý báo chí cần cương quyết xử lý nghiêm minh sai phạm, thậm chí thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, đình bản, chuyển cơ quan điều tra với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không cầu thị, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm. Đi liền với đó, cũng cần xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí.

Tất nhiên, để không bị cơ quan chức năng “chiếu tướng” ra quyết định xử lý, các cơ quan báo chí phải thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” của Hội Nhà báo Việt Nam.

Với hoạt động liên kết, pháp luật không cấm, nhưng rõ ràng hoạt động này giữa các bên phải thực hiện đúng quy định, có trách nhiệm với nhau hơn. Các cơ quan báo chí phải quan tâm kiểm soát, định hướng nội dung, không để đối tác muốn viết gì thì viết, đăng gì thì đăng. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm thiểu các mặt trái hiện nay như chỉ thiên về “câu view”; đưa tin, bài lên, chỉnh sửa, gỡ xoá tin bài trên hệ thống… Đồng thời, giúp cho cơ quan báo chí có lợi ích nhiều hơn và chính bên tham gia liên kết cũng ít rủi ro hơn rất nhiều.

Ở góc độ pháp lý, hiện nay khái niệm “báo hoá tạp chí”, “tư nhân hoá” báo chí chưa được cụ thể hoá trong các quy định của pháp luật về báo chí nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Ngay quy định liên kết trong hoạt động báo chí tại Điều 37, Luật Báo chí cũng chung chung, mới giới hạn ở phạm vi những nội dung, lĩnh vực được liên kết mà chưa quy định cụ thể về hình thức liên kết; yêu cầu về điều kiện, năng lực của đối tác liên kết, quy trình, thủ tục liên kết.

Trước đòi hỏi của thực tế, thời gian tới, vấn đề này cần được điều chỉnh theo hướng thể chế hóa khái niệm “báo hóa”; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí; yêu cầu về điều kiện, năng lực, kế hoạch hợp tác và những cam kết phải có của đối tác liên kết. Ngoài ra, cũng cần quy định chi tiết về hình thức, quy trình, thủ tục liên kết trong hoạt động báo chí.

Trong thời gian chờ sửa Luật Báo chí, rất cần có nghị định của Chính phủ, quy định của Bộ TT&TT về vấn đề này để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Việc xử lý “báo hoá” tạp chí được xử lý quyết liệt, đồng bộ, bài bản

Năm 2022, lực lượng thanh tra TT&TT đã tổ chức 61 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan báo chí, 52 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực thông tin trên mạng.

Về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, năm 2022, cơ quan chức năng của Bộ TT&TT xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 03 tháng đối với 02 cơ quan báo chí. Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí có thời hạn qua hoạt động thanh tra. Các biện pháp xử lý cũng được tiến hành đồng bộ, bên cạnh xử lý vi phạm hành chính bằng tiền có kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu, 01 tổng biên tập đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo và điều chuyển làm công việc khác.

Thanh tra Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 30 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng.

Kết thúc giai đoạn 1, từ tháng 3 năm 2022 đến ngày 20/11/2022, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 17 cơ quan báo chí.

Kết quả đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 889 triệu đồng; trong đó có 01 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 03 tháng; xử phạt 02 cá nhân người đứng đầu cơ quan tạp chí.

Các cơ quan báo chí đã nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.

Cơ quan chủ quản báo chí cũng nhận thấy có những buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí và cam kết sẽ chỉ đạo các tạp chí khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã chỉ ra và thực hiện đúng các quy định.

Bộ TT&TT đã rà soát, đánh giá, lập danh sách 91 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý.

Bộ TT&TT phối hợp với Sở TT&TT thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mời 34 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và 57 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thuộc nhóm đối tượng có dấu hiệu “báo hóa” nêu trên đến làm việc; chỉ rõ các biểu hiện, hành vi “báo hóa” của nhóm đối tượng này để yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, cam kết khắc phục và không tái phạm. Các doanh nghiệp cam kết sẽ nhanh chóng, chủ động khắc phục các sai phạm, tuân thủ các quy định pháp luật.

Bộ TT&TT đã tổ chức 02 đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” nghiêm trọng để xử lý nghiêm, mang tính cảnh báo, răn đe.

Các đơn vị thuộc Bộ TT&TT đã phối hợp với các sở TT&TT đẩy mạnh phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến “báo hóa”.

Năm 2022, có 05 trường hợp bị Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo do bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can, bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.

Trước đó, năm 2021, kết quả thanh tra, kiểm tra 13 cơ quan tạp chí cũng cho thấy, hầu hết đều không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Công văn số 1735-CV/ BTGTW ngày 29/10/2021 về việc tăng cường chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí
  2. Ban Tuyên giáo Trung ương (2022), Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
  3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam (2020), Báo cáo công tác báo chí năm 2020 và đánh giá khái quát giai đoạn 2016 - 2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021.
  4. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam (2021), Tài liệu hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
  5. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam (2022), Tài liệu hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
  6. Cục Báo chí (2021), Kết luận kiểm tra số 03/KLKT-CBC ngày 30/8/2021 về việc chấp hành quy định pháp luật về báo chí đối với Tạp chí Việt Nam hội nhập và Tạp chí điện tử Việt Nam hội nhập.
  7. Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam (2022), Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản.
  8. Nguyễn Trọng Nghĩa (2022), Phát biểu chỉ đạo ngày 24/12/2022, tại hội nghị báo chí toàn quốc năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
  9. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Kết luận thanh tra số 43/KL-TTr ngày 05/02/2020 về việc chấp hành quy định pháp luật về báo chí đối với Tạp chí điện tử Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo.
  10. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Kết luận kiểm tra số 4169/KLKT-TTr ngày 28/10/2020 về việc chấp hành pháp luật đối với Tạp chí Ngày nay và Tạp chí điện tử Ngày nay Online.
  11. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Kết luận kiểm tra số 4170/KLKT-TTr ngày 28/10/2020 về việc chấp hành pháp luật đối với Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam.
  12. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Kết luận kiểm tra số 4171/KLKT-TTr ngày 28/10/2020 về việc chấp hành quy định pháp luật đối với Tạp chí Thương hiệu và Công luận.
  13. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Kết luận kiểm tra số 1027/KLKT-TTr ngày 17/11/2020 về việc chấp hành pháp luật đối với Tạp chí Đồng hành Việt.
  14. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Kết luận kiểm tra số 350/KLKT-TTr ngày 06/5/2021 về việc chấp hành pháp luật đối với Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm.
  15. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Kết luận kiểm tra số 433/KLKT-TTr ngày 02/6/2021 về việc chấp hành quy định pháp luật về báo chí đối với Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống.
  16. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (2022), Kết luận thanh tra số 723/KL-TTr ngày 24/6/2022 về việc chấp hành quy định của pháp luật về báo chí tại Báo Pháp luật Việt Nam và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.
  17. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (2022), Kết luận thanh tra số 766/KL-TTr ngày 06/7/2022 về việc chấp hành quy định của pháp luật về báo chí đối với Tạp chí Điện tử Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam.
  18. Võ Văn Thưởng (2020), Phát biểu kết luận ngày 31/12/2020 tại hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Bài liên quan
  • Đề xuất giải pháp bảo vệ bản quyền báo chí ở Việt Nam trong thời đại số
    Tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong môi trường internet, tốc độ và phạm vi vi phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Mới đây, ThS. Hoàng Thị Bích Hạnh và nhóm nghiên cứu của Cục Báo chí đề xuất giải pháp đáng chú ý về bảo vệ bản quyền báo chí ở Việt Nam trong thời đại số.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xử nghiêm “báo hóa tạp chí”, “tư nhân hóa báo chí” để giữ niềm tin của độc giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO