Xuất bản điện tử: Trào lưu trên thế giới và bước chuyển tại Việt Nam

28/10/2022 14:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Dù có những bước tiến mạnh mẽ, việc khai thác hiệu quả thị trường sách điện tử vẫn là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức, hành động, cũng như là hành lang pháp lý về chuyển đổi số (CĐS).

Kỷ nguyên xuất bản điện tử và sự thay đổi trong phát hành//<![CDATA[//]]>//

“Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, giờ là thời kỳ thú vị nhất của nghề thủ thư”. Jamie LaRue, người phụ trách hệ thống thư viện công cộng của hạt Douglas, bang Colorado, Mỹ, nhận định như vậy. Ông là nhà vận động, là gương mặt của phong trào quốc gia nhằm chuyển đổi vai trò của thư viện từ một nơi bạn đọc tới để mượn những cuốn sách đang ăn khách của các nhà xuất bản (NXB) lớn thành nơi ươm mầm cho các cây bút tài năng nhưng ít hoặc chưa có tên tuổi trong cộng đồng.

Xuất bản điện tử: Trào lưu trên thế giới và bước chuyển tại Việt Nam - Ảnh 1.

Jamie LaRue. Nguồn: http://www.jlarue.com/bio.html

“Chưa bao giờ nghề viết lại có sinh lực dồi dào như hiện nay. Đó là cơ hội to lớn giành cho ngành thư viện nếu chúng ta nắm bắt lấy, nếu chúng ta đủ mạnh dạn định vị lại mình. Còn nếu không sẵn lòng làm điều này, chúng ta sẽ bị gạt ra bên lề. Theo thời gian, vai trò của thư viện sẽ ngày càng mai một. Tới lúc nào đó, chúng sẽ không còn tồn tại nữa. Đây là vấn đề thích nghi hay là chết”.

Cơ hội và thách thức mà ông LaRue đề cập là làn sóng phát triển của ngành xuất bản điện tử. Cùng với tỷ lệ sở hữu thiết bị máy tính bảng và máy đọc sách (e-reader) của người dân Mỹ tăng mạnh trong vài năm gần đây, các NXB và các hệ thống phát hành đang gia tăng việc cung ứng nguồn sách điện tử (ebooks) cho họ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, người Mỹ đang tiêu thụ sách trên nhiều định dạng. Tỷ lệ người lớn đọc sách in trong 12 tháng qua vẫn cao hơn tỷ lệ sử dụng các hình thức khác, nhưng 30% số người trưởng thành được hỏi nói rằng họ đồng thời đọc cả sách điện tử trong khoảng thời gian đó. Và theo số liệu của Hiệp hội Xuất bản Mỹ thì từ quý 1 năm 2012, doanh số sách điện tử tại Mỹ đã vượt doanh số sách in.

Trong tiến trình này, dường như thư viện đang yếu thế. Nhận thức được sự dịch chuyển trong cách khai thác sách của bạn đọc, các thư viện ở Mỹ rất nỗ lực để có thể cung cấp cho họ những tựa sách ở dạng số hóa. Mặc dù có tới hơn 3⁄4 số thư viện đã xây dựng được nguồn tư liệu điện tử, nhưng họ đang chịu áp lực lớn từ các NXB lớn trên phương diện giá cả và quyền truy cập. 

Xuất bản điện tử: Trào lưu trên thế giới và bước chuyển tại Việt Nam - Ảnh 2.

Một số NXB không bán sách điện tử cho thư viện hoặc hạn chế những tựa sách điện tử mà thư viện có thể mua. Họ cũng bán sách điện tử cho các thư viện với giá khá cao, đặc biệt nếu so với tỷ lệ chiết khấu truyền thống khoảng 50% mà thư viện được hưởng khi mua sách giấy. Kèm theo đó, các giao dịch này thường bị các NXB “đính kèm” chính sách giới hạn truy cập đầy phiền hà như hạn chế số người đọc đồng thời, quy định thời gian hoặc số lượt truy cập tối đa mà thư viện có thể phục vụ. Nếu vượt quá giới hạn này, thư viện phải trả thêm tiền để gia hạn sử dụng ấn phẩm.

Nguyên do vì các NXB tại Mỹ muốn bán sách điện tử trực tiếp cho bạn đọc hơn. Họ cho rằng một khi bạn đọc nhận thấy việc mượn sách điện tử tại thư viện là miễn phí và quá thuận tiện vì thậm chí không cần bước chân khỏi nhà, bạn đọc sẽ không mua sách nữa. Bên cạnh đó, sách điện tử không bị rách nát khi lưu thông nên thư viện sẽ không phải thay thế chúng sau một thời gian như sách giấy. Vì vậy bán sách điện tử cho thư viện được cho là có thể gây thất thu cho ngành xuất bản.

Để dung hòa lợi ích và kết nối các bên, OverDrive và những dịch vụ tương tự đóng vai trò là nhà phân phối trung gian sách điện tử cho hệ thống thư viện. OverDrive hiện cung cấp khoảng 2,6 triệu đầu sách của khoảng 30.000 NXB lớn nhỏ, gồm sách điện tử, sách nói, video và tạp chí điện tử. Hơn 76.000 thư viện công cộng, trường học, đại học và cao đẳng trên khắp thế giới, trong đó có khoảng 90% thư viện công cộng ở Mỹ, đang sử dụng OverDrive làm hệ thống cung cấp nội dung số cho bạn đọc của mình.

Xuất bản điện tử: Trào lưu trên thế giới và bước chuyển tại Việt Nam - Ảnh 3.

Mô hình dịch vụ của OverDrive. Nguồn: http://www.overdrive.com

Bất chấp những khó khăn nhất là về chi phí trong việc phát triển kho tư liệu số, giới thư viện vẫn nhìn nhận sách điện tử sẽ giúp cho họ duy trì sự phát triển của ngành trong kỷ nguyên khi mà các cuốn sách bìa cứng dần đi vào lịch sử giống như những bản thảo viết tay được sơn son thiếp vàng trong quá khứ.

Nhưng xuất bản điện tử cũng mang lại một cơ hội lớn cho thư viện. Do việc biên soạn sách điện tử cắt giảm được nhiều chi phí như giấy và công in và thời gian để nó tiếp cận với thị trường cũng được rút ngắn do không phải chuyển qua mạng lưới trung gian phát hành nên sách điện tử được xuất bản nhiều và nhanh hơn. Các tác giả giờ đây có thể tự quyết định số phận đứa con tinh thần của mình thay vì chờ đợi sự gật đầu của các NXB tên tuổi. Nếu lựa chọn xuất bản điện tử, các cây bút sẽ hoàn toàn chủ động và dễ dàng đưa sách của mình tới cộng đồng bạn đọc khắp thế giới qua các dịch vụ trực tuyến. Vì vậy, thư viện có thể tìm kiếm thêm nguồn ấn phẩm điện tử từ các NXB nhỏ hay thậm chí là các tác giả cá nhân, dù rằng chất lượng và mức độ ăn khách của các tác phẩm này có thể không so sánh được so với sản phẩm từ các NXB có tiếng tăm.

Như vậy thư viện đã trở thành tác nhân đưa công chúng từ vị trí của những người tiêu dùng nội dung trở thành những người tạo ra nội dung. Bước tiếp theo là thư viện đóng vai trò của đơn vị xuất bản điện tử. Một thư viện của trường đại học hay viện nghiên cứu có thể chia sẻ và kinh doanh các công trình nghiên cứu, luận án, tư liệu thuộc tổ chức của mình dưới dạng ấn phẩm số. Hay thư viện công cộng cũng đồng thời là cổng xuất bản điện tử cho cộng đồng tác giả địa phương, kết nối các cây bút nghiệp dư, các biên tập viên không chuyên, các họa sĩ thiết kế trang bìa và thậm chí cả các nhà phân phối sách điện tử, giúp biến hàng ngàn sáng tác cá nhân đang được lưu trữ dưới dạng văn bản Word trong ổ cứng máy tính của mọi người thành các ấn phẩm có tính chuyên nghiệp được phổ biến.

Thực trạng xuất bản điện tử ở Việt Nam

Xuất bản điện tử: Trào lưu trên thế giới và bước chuyển tại Việt Nam - Ảnh 4.

Theo xu hướng chung của thế giới, xuất bản điện tử tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Tính đến tháng 5/2022, đã có 16 NXB đủ điều kiện xuất bản điện tử. Con số này vẫn còn ít nếu so với 59 NXB cùng gần 300 đơn vị tham gia vào hoạt động liên kết xuất bản trên cả nước. Từ năm 2019 đến năm 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử. Trong số các NXB tham gia vào xuất bản điện tử, hiện NXB Trẻ và NXB Kim Đồng đã tạm ngưng sản xuất Ebook (sách điện tử). Nếu lấy mốc năm 2012, khi một số đơn vị chính thức bước chân vào lĩnh vực xuất bản điện tử, đến nay cũng đã 10 năm. Với chừng đó thời gian nhưng số đơn vị tham gia chưa phải là nhiều. Chưa kể, có đơn vị được kỳ vọng rất nhiều nhưng rồi cũng phải “đứt gánh giữa đường” như Alezaa, Tiki... 

Cá biệt có trường hợp của Phương Nam Books, sau 5 năm tham gia vào lĩnh vực xuất bản điện tử, vào năm 2017, đơn vị này đã tạm ngưng mảng kinh doanh Ebook. Phải đến tháng 10/2020, đơn vị này mới trở lại thị trường thông qua ứng dụng (app) KOMO+, được phát triển và nâng cấp thêm từ app KOMO cũ. Một số NXB cũng tham gia vào thị trường sách nói (audiobook) cùng Ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos. Waka hiện đang được xem là nền tảng xuất bản điện tử thành công nhất tại Việt Nam với trên 5 triệu lượt tải ứng dụng và hơn 3 triệu tài khoản đăng ký, là đối tác của hầu hết NXB, các công ty phát hành trong nước, cũng như các công ty khai thác nội dung nổi trội ở Trung Quốc.

Trong số các NXB tham gia vào lĩnh vực xuất bản điện tử, NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã kết hợp với đối tác công nghệ - Công ty Tinh Vân đầu tư vào hệ thống xuất bản điện tử và phân phối sách điện tử khá bài bản nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo bạn đọc trên cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, NXB đã ra mắt 5 tủ sách điện tử: Tủ sách Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Tủ sách Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tủ sách Chi bộ; Tủ sách Thanh niên học và làm theo Bác; Tủ sách Công an nhân dân học và làm theo Bác.

Đặc biệt, trang sách điện tử stbook.vn đã xuất bản, phát hành hơn 400 ấn phẩm điện tử, trong đó có nhiều ấn phẩm phục vụ bạn đọc miễn phí.

Tủ sách Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với hơn 160 đầu sách, Tủ sách chi bộ trên stbook.vn đã cập nhật được hơn 60 đầu sách xuất bản điện tử, thu hút 515.345 lượt người truy cập. NXB cũng xuất bản và phát hành 674 cuốn sách điện tử trên trang Thư viện cơ sở (thuviencoso.vn), phục vụ 310.646 lượt bạn đọc truy cập.

Dù có những bước tiến mạnh mẽ, việc khai thác hiệu quả thị trường sách điện tử vẫn là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức, hành động, cũng như là hành lang pháp lý về chuyển đổi số. 

Về phía cầu, một bộ phận người tiêu dùng, vốn đã trang bị cho mình những sản phẩm công nghệ tiên tiến như máy tính bảng và điện thoại thông minh đời mới nhất, cũng đang cần tìm những nguồn nội dung hấp dẫn và bổ ích để tải về và khai thác trên thiết bị của họ. Xuất bản điện tử được đánh giá là đầy tiềm năng nếu nhìn vào con số gần 70 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, thuộc top 15 nước có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới với 43,7 triệu người. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại và thiếu đồng bộ trong việc kết nối giữa cung và cầu. Đó là thói quen đọc sách in của độc giả dẫn đến việc chi trả cho ấn phẩm điện tử chưa thực sự trở thành nhu cầu thiết yếu; là sự kém phổ biến và chi phí cao của hạ tầng thanh toán trực tuyến; là ý thức tôn trọng bản quyền không tốt làm các NXB và các tác giả ngần ngại do dự và trên hết, văn hóa đọc của đại chúng vẫn là một yếu tố cần được tiếp tục nâng cao.

Tài liệu tham khảo

1. Pew Research Center (http://www.pewinternet.org/)

2. Overdrive (http://www.overdrive.com/)

3. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành hơn 400 ấn phẩm điện tử (dangcongsan.vn)

4. NXB Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, gắn với thị trường và nhu cầu bạn đọc (nhandan.vn)

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Xuất bản điện tử: Trào lưu trên thế giới và bước chuyển tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO