Tương lai của AI trong kinh doanh âm nhạc

Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Tất Hưng| 01/05/2019 11:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Không có gì ngạc nhiên khi trí thông minh nhân tạo tiếp tục tích hợp vào bên trong lĩnh vực âm nhạc, lĩnh vực của các nhạc sĩ, nhà sản xuất, kỹ sư và nghệ sĩ sáng tạo.

The Future of AI in the Music Business

Chỉ trong tháng vừa qua, các đội Magenta và PAIR của Google đã tạo ra một Google Doodle kỷ niệm sinh nhật lần thứ 333 của Johann Sebastian Bach. Doodle cho phép người dùng tạo ra âm nhạc của riêng mình bằng cách sử dụng máy học để hòa âm các giai điệu. Nó đã phân tích 306 bản hòa âm hợp xướng nguyên bản của Bach để tạo ra một giai điệu với các nốt nhạc của người dùng. Doodle không chỉ tôn vinh một trong những bộ óc vĩ đại nhất của âm nhạc mà còn đặt ra câu hỏi về một vấn đề mà ngành công nghiệp cần giải quyết: sự tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động đến các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất và kỹ sư như thế nào.

Nói chung, AI đang thay đổi cách các doanh nghiệp nghĩ về công việc, các hoạt động hàng ngày và mô hình kinh doanh tổng thể của họ. Chẳng hạn, trong Báo cáo doanh nghiệp gần đây nhất của Deloitte, việc áp dụng AI trên toàn cầu đã tăng 5% từ năm 2017 đến 2018, đưa tỷ lệ áp dụng chung lên khoảng 63%. Báo cáo tương tự cũng cho thấy 82% các công ty có chương trình hoặc sản phẩm AI đã thu được lợi nhuận từ các khoản đầu tư AI của mình. Lý do đằng sau việc đầu tư vào AI rất đơn giản: tự động hóa các nhiệm vụ để cắt giảm chi phí và tăng doanh thu. Lý do này vô cùng hợp lý khi một tổ chức đang nói về việc sử dụng các công nghệ nhận thức để tự động hóa các nhiệm vụ tẻ nhạt. Nhưng AI nên tạo ra các sản phẩm thay vì hoàn thành các nhiệm vụ?. Ranh giới giữa "vai trò của con người" và máy móc trở nên mờ nhạt một cách gây tranh cãi.

Tại sao các hãng thu âm quan tâm đến AI?

Để hiểu lý do tại sao các hãng thu âm áp dụng AI trong quá trình sáng tạo, điều quan trọng trước tiên là phải hiểu các nguyên tắc cơ bản về cách các hãng thu âm truyền thống kiếm tiền. Hãy tưởng tượng một bài hát trong một quý nhất định sẽ thu về tổng doanh thu 100.000 đô la. Các hãng chiếm khoảng 30% doanh thu đó tức là trung bình họ sẽ kiếm được khoảng 30.000 đô la và trả 70% còn lại cho các chủ sở hữu bản quyền thích hợp. Vì mô hình tiêu thụ sản phẩm âm nhạc đang chuyển sang nền kinh tế phát trực tuyến được số hóa hoàn toàn, các hãng thu âm không chỉ cần phải sáng tạo lại các quy trình kiếm tiền mà còn phải định hình lại việc sản xuất các sản phẩm chính, thứ vẫn là trọng tâm của ngành công nghiệp ghi âm.

Bây giờ, hãy tưởng tượng một phần mềm AI có thể tạo ra một bản thu âm với một nửa sức mạnh của con người và chi phí trả trước ít hơn rất nhiều, đồng thời vẫn đem lại doanh thu tương đương. Ý tưởng này không quá xa vời. Chỉ trong tháng vừa qua, Tập đoàn âm nhạc Warner đã ký hợp đồng với Endel, một công ty khởi nghiệp sử dụng AI để tạo ra các bản âm thanh được cá nhân hóa nhằm tăng cường tâm trạng và năng suất của mọi người. Thuật toán đằng sau ứng dụng đã ký kết một thỏa thuận 20 album bao gồm cả phân phối và xuất bản. Mặc dù âm nhạc được tạo ra chắc chắn không phải là những bài nhạc nằm trong Top 100 của Billboard, nhưng thỏa thuận này có thể là báo hiệu cho một tương lai nơi các nghệ sĩ và phần mềm làm việc cùng nhau.

Vậy nghệ sĩ nên làm gì tiếp theo?

Công việc của các nhạc sĩ, nhà sản xuất, kỹ sư và nghệ sĩ sẽ được hỗ trợ khi AI tiếp tục tích hợp vào bên trong lĩnh vực sáng tạo của âm nhạc. Chẳng hạn, theo một báo cáo mới từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, máy móc và thuật toán tại nơi làm việc dự kiến ​​sẽ tạo ra 133 triệu vai trò mới, nhưng khiến 75 triệu việc làm bị thay thế vào năm 2022. Nếu bạn đã thực hiện xong phép toán, bạn chắc chắn sẽ thấy sự tăng trưởng của AI có thể tạo ra 58 triệu việc làm mới trong vài năm tới. Điều này có thể cho một cái nhìn thoáng qua về ngành công nghiệp âm nhạc trong tương lai, nơi các nghệ sĩ có thể phải làm việc cùng với máy móc một cách sáng tạo. Tin tốt là qua mỗi cuộc cách mạng công nghệ, các công việc có năng suất cao hơn và các doanh nghiệp được điều chỉnh tốt lên. Lấy phòng thu âm làm ví dụ. Trước thời của SoundCloud, GarageBand và Voice Memos, các hãng thu âm từng sở hữu hầu hết các thiết bị phòng thu. Đây là một rào cản đáng kể cho những người muốn thu âm và phân phối âm nhạc của mình vì các phòng thu này đòi hỏi rất nhiều không gian, con người và thiết bị vật lý.

Giờ đây, rất nhiều không gian âm thanh kỹ thuật số chuyên nghiệp như FL Studio, Ableton và Logic, có sẵn chỉ với vài trăm đô la. Các bản mẫu và vòng lặp có giá hợp lý hoặc thậm chí miễn phí mang đến cho các nghệ sĩ một nguồn nguyên liệu vô tận có thể được điều chỉnh và chế tác theo mọi cách có thể tưởng tượng được. Công nghệ cuối cùng đã cho phép sáng tạo hơn, và AI có thể sẽ có tác dụng tương tự. Nếu phần mềm có thể giúp một nhạc sĩ viết một bài hát hay hơn hoặc giúp nhà sản xuất làm lại bản thu âm, tại sao chúng ta lại không sử dụng nó? AI nên được các nghệ sĩ và các nhà sáng tạo chấp nhận như một công cụ để tạo ra âm nhạc tốt nhất có thể.

AI đang dần thay đổi cách các nghệ sĩ nghĩ về âm nhạc. Đối với toàn bộ ngành công nghiệp, các công cụ AI thực hiện lời hứa giúp các hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn, sáng tạo hơn và hợp lý hơn cũng như đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Khi ngày càng nhiều hãng thu âm đưa AI vào phòng thu của mình, ngành công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển và sẽ sớm trở thành một môi trường hợp tác, nơi con người và máy móc làm việc cùng nhau để tạo ra những bản hit tuyệt vời tiếp theo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tương lai của AI trong kinh doanh âm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO