Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ngân hàng với 3 mục tiêu và 5 quan điểm

Nhật Minh 08/05/2024 16:31

Với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024” diễn ra sáng ngày 8/5 khẳng định những quyết tâm, nỗ lực của ngành NH trong thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia và hướng đến phát triển nền kinh tế số Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững.

Sự kiện có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng trong, ngoài nước tham dự.

Trải nghiệm từ các dịch vụ số là “thước đo” phát triển NH

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả tích cực ngành NH đạt được thời gian qua. Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ luôn tin tưởng, kỳ vọng ngành NH sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số ngày một hiện đại, ổn định, thịnh vượng, bền vững.

Thủ tướng khẳng định, ngành NH có vai trò đặc biệt quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp (DN), các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

ttcp.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá lãnh đạo NHNN Việt Nam đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác CĐS.

Thủ tướng đánh giá cao chủ đề lựa chọn của sự kiện là "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số", và đây là chủ đề phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng, Chính phủ và mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2024.

Qua theo dõi và chỉ đạo, Thủ tướng đánh giá lãnh đạo NHNN Việt Nam đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác CĐS nhằm chuyển đổi hầu hết các hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, DN.

Ba mục tiêu của và 5 quan điểm CĐS ngân hàng

Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu thời gian tới của CĐS ngành NH: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN, đơn vị hành chính - sự nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với tất cả các dịch vụ ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ cho người dân, DN, đơn vị hành chính - sự nghiệp và bản thân hệ thống ngân hàng; góp phần đắc lực, hiệu quả kiểm soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 quan điểm CĐS ngành NH.

Thứ nhất, quán triệt, bám sát và hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy CĐS quốc gia nói chung, CĐS ngành NH nói riêng thực chất, hiệu quả, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ, tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, nắm bắt cơ hội, thách thức từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vận dụng phù hợp, hiệu quả với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam để định hướng các hoạt động của CĐS ngành NH.

Thứ ba, CĐS ngành NH phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết hợp với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt để phát triển ngành NH Việt Nam có bước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên so với khu vực, thế giới.

Thứ tư, CĐS ngành NH một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin (ATTT).

Thứ năm, CĐS ngân hàng phải đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể, về nhiệm vụ, giải pháp chung trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ "5 đẩy mạnh" gồm:

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái NH số, nền kinh tế số.

Đẩy mạnh CĐS trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát NH, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, rửa tiền.

Đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành NH, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành NH;

Đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, bảo đảm thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý.

screenshot-1713-(1).png
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu lắng nghe các giải pháp số của các NH

Sớm trình Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực NH

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, trước hết là xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh CĐS, phát triển kinh tế số, trong đó khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Cùng với đó, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực NH và Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt (cố gắng hoàn thành trong quý II/2024); rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... và các hoạt động, nghiệp vụ NH trên nền tảng số.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực NH phù hợp với xu hướng phát triển, trong đó cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế (NH trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc…);

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin của NHNN, các tổ chức tín dụng để tăng tính cạnh tranh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ tư, phát triển dữ liệu số, tập trung kết hợp với Đề án 06 tạo động lực thúc đẩy CĐS ngành NH và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thứ năm, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của ngành NH.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh, an toàn. Tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số.

Phát triển theo hướng số hoá lấy khách hàng, người dân, DN làm trung tâm

Trước các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, người đứng đầu ngành NH, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” chính là thể hiện quyết tâm, sự chuẩn bị chủ động của ngành NH hướng đến sự phát triển, hiện thực hoá mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ chỉ đạo, giao phó.

ba-hong.jpg
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: NHNN chú trọng, phát triển theo hướng số hoá lấy khách hàng, người dân, đơn vị, DN làm trung tâm.

Để thực hiện thông suốt quan điểm, mục tiêu này, “NHNN chú trọng, phát triển theo hướng số hoá lấy khách hàng, người dân, đơn vị, DN làm trung tâm và sự trải nghiệm các dịch vụ, công nghệ số cho khách hàng dùng là thước đo của sự phát triển. Đặc biệt, các công nghệ số mới đã được ngành NH ứng dụng mạnh mẽ, tất cả là để phục vụ các nhiệm vụ phát triển mới, chủ động đáp ứng những yêu cầu cao của khách hàng, người dân, DN”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • Xây dựng hệ sinh thái số ngân hàng an toàn để đẩy nhanh chuyển đổi số
    Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh, ngành Ngân hàng cần nâng cao năng lực phòng thủ, quản trị rủi ro, bảo vệ dữ liệu khách hàng, nâng cao nhận thức, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, xây dựng một hệ sinh thái số an toàn và lành mạnh trước các tấn công mạng diễn biến phức tạp nhắm vào ngành này.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số ngân hàng với 3 mục tiêu và 5 quan điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO