100% Trung tâm phục vụ hành chính công triển khai số hóa hồ sơ để giải quyết TTHC

Trường Thanh| 30/03/2021 11:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp (DN) số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính - Ảnh 1.

Cải cách TTHC được xác định là một khâu đột phá, đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính. Ảnh: AĐ

100% Trung tâm phục vụ hành chính công triển khai số hóa hồ sơ

Đề án phấn đấu năm 2021, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và đăng ký DN với Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, DN trong giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp.

Đồng thời, hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 40%, 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công.

Nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa

Nội dung đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC là gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông;

Đồng thời, mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng CNTT trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa; đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới.

Trong đó, Đề án triển khai hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh là lõi của Bộ phận Một cửa các cấp nhằm thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Cùng với đó tổ chức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương với Cổng DVCQG, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ giải quyết TTHC bảo đảm tính liên tục, thống nhất, thuận lợi, đơn giản, đồng bộ, toàn vẹn dữ liệu, tránh lãng phí trong suốt quá trình từ khâu tiếp nhận, xử lý đến trả kết quả giải quyết TTHC.

Cụ thể, kết nối, chia sẻ đồng bộ trạng thái, kết quả xử lý hồ sơ giữa các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương với Cổng DVCQG, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ theo dõi, giám sát, đánh giá; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành với Cổng DVCQG, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết TTHC, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC…

Các Bộ, địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương.

Các Bộ, địa phương cũng thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL liệu quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ đơn giản hóa TTHC và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trên môi trường điện tử và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG...

Thủ tướng yêu cầu, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, DN có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án.

Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, địa phương có liên quan hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giấy tờ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành, địa phương do DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện; Thực hiện các biện pháp giám sát, bảo đảm an toàn thông tin cho Cổng DVCQG và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh.

Cải cách TTHC được xác định là một khâu đột phá

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 10 năm qua, công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo sát sao, hướng vào phục vụ người dân, DN, phục vụ sự phát triển, giảm chi phí tuân thủ TTHC. Cải cách TTHC được xác định là một khâu đột phá, đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính.

"Chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác CCHC đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và "chính các FTA này đã thúc đẩy chúng ta phải cải cách, nhất là CCHC".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ những định hướng CCHC thời gian tới là tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn.

Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định TTHC liên quan đến người dân, DN...

"Công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Chính sách của chúng ta là dù công nghệ hiện đại nhưng vẫn hướng về người dân và DN, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
100% Trung tâm phục vụ hành chính công triển khai số hóa hồ sơ để giải quyết TTHC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO