Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, bản thân công nghệ không thể thay thế hoặc bù đắp được cho các biện pháp và chính sách công, nhưng nó có vai trò ngày càng quan trọng trong các ứng phó khẩn cấp.
Công nghệ giúp phòng chống đại dịch Covid-19
Không giống như những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trước đây, đại dịch Covid -19 dường như đang chuyển người dân từ đối tượng giám sát, và phân tích dịch tễ, thành đối tượng tạo dữ liệu thông qua việc tự theo dõi, chia sẻ dữ liệu.
Trên thế giới và cả tại Việt Nam, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, và drone (thiết bị bay không người lái)... đang được triển khai để giúp theo dõi dịch bệnh, thực thi các biện pháp giãn cách xã hội. Trong khi đó các nhà khoa học cũng đang nhanh chóng áp dụng các kỹ thuật chỉnh sửa gen, sinh học tổng hợp, và công nghệ nano để nỗ lực sản xuất và thử nghiệm các loại vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán trong tương lai.
Các công nghệ blockchain có thể giúp theo dõi sự lây lan dịch bệnh, quản lý các khoản thanh toán bảo hiểm và duy trì chuỗi cung ứng y tế; Công nghệ in 3D, và mã nguồn mở giúp duy trì nỗ lực của các cơ quan nhà nước và bệnh viện, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phần cứng y tế (ví dụ: khẩu trang, máy thở và bộ lọc máy thở), tối ưu hóa việc cung cấp các thiết bị y tế cần thiết.
Hầu hết các công nghệ nói trên chưa từng được áp dụng trong bối cảnh y tế khẩn cấp trước đây. Trong đại dịch Covid-19, thông tin chính xác là tối quan trọng đối với những người lập phác đồ dịch bệnh, nhà nước, các tổ chức, và những người đang thực hiện công tác kiểm dịch, hoặc duy trì giãn cách xã hội, thông tin kỹ thuật số và công nghệ giám sát đã được sử dụng theo cách chưa từng có để thu thập dữ liệu, và bằng chứng đáng tin cậy, nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng đưa ra các quyết định cần thiết.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào công tác phòng chống dịch bệnh. Ở đợt bùng phát lần thứ 4 này, TP. HCM tiếp tục triển khai các sáng kiến công nghệ mới nhằm mục đích phòng chống, đầy lùi dịch bệnh và chữa trị cho bệnh nhân.
Trao đổi thông tin qua OTT và ứng dụng di động.
Ngay từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19, việc sử dụng công nghệ nhắn tin khá phổ biến, ít tốn kém là OTT (ứng dụng nhắn tin thông qua Internet) thông qua ứng dụng Zalo đã được nhiều cơ quan có liên quan sử dụng trên quy mô cả nước.
Tại TP.HCM, ở đợt bùng phát mới này, người dân Thành phố đã nhận được các tin nhắn liên quan đến Covid-19 từ các sở ban ngành. Đây chủ yếu là các tin nhắn nhắc nhở các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thông báo tìm người liên quan đến các ca dương tính, thông báo các khu vực bị cách ly...
Đặc biệt gần đây là các thông tin mang tính thời sự khi Thành phố tiến hành tiêm chủng vaccine Covid-19 như cảnh báo của sở TT&TT) về vấn đề lừa đảo tiêm chủng; Tin nhắn của sở Y tế mời đi tiêm với khung giờ và địa chỉ v.v... đã giúp ích được nhiều cho mục tiêu tiêm chủng và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Qua kênh nhắn tin Zalo, người dân cũng đã nhanh chóng tiếp cận được các thông tin cần thiết, bổ ích, và chính thống.
Không chỉ là cung cấp thông tin cho người dân. TP.HCM còn sử dụng công nghệ, tạo ra kênh để người dân trao đổi thông tin về dịch bệnh với chính quyền thành phố. Ứng dụng di động (hỗ trợ cả hệ điều hành Android và iOS) Tổng đài 1022 vừa được Thành phố triển khai là một ví dụ.
Theo Sở TT&TT TP.HCM, Ứng dụng Tổng đài 1022 có nhiệm vụ tiếp nhận các thông tin phản ánh về những hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch; Báo cáo những hoạt động kinh doanh, mua bán trái với quy định trong phòng, chống dịch bệnh; Phát hiện người lạ, phản ánh thông tin trường hợp nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; Những "kế sách" hay từ người dân liên quan đến các quy định trong công tác phòng, chống dịch của Thành phố...
Vẫn theo TT&TT TP.HCM, tất cả thông tin phản ánh sẽ được ghi nhận và chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý như tình huống khẩn cấp.
Công nghệ telehealth
Công nghệ telehealth (giải pháp kháp chữa bệnh từ xa dựa trên các nền tảng CNTT), cung cấp phương tiện hiệu quả về chi phí để làm chậm sự lây lan của virus, và duy trì công hiệu năng của bệnh viện bằng cách vận hành như một bộ lọc, để giữ người có triệu chứng nhẹ ở nhà, và chuyển các trường hợp nặng đến bệnh viện (BV).
Trên thực tế, telehealth là một trong những công nghệ được triển khai hiệu quả nhất tại TP.HCM trong đại dịch Covid-19 nói chung và ở đợt bùng phát mới nói riêng. Những bệnh viện (BV) lớn, tuyến trên - đang điều trị cho hơn 50% bệnh nhân là người ở các địa phương khác như BV Ung bướu TP. HCM, hay BV Nhi đồng 1 TP. HCM... đã sử dụng thành thạo và linh hoạt các giải pháp telehealth để tư vấn, chẩn đoán và điều trị từ xa cho nhiều bệnh nhân ở các địa phương khác mà không phải chuyển người bệnh đến TP. HCM.
Theo Sở Y tế TP. HCM, giải pháp telehealth trong đại dịch đã được sử dụng khá linh hoạt. Đối với các ca bệnh nặng, phức tạp, các BV tuyến trên tại Thành phố sẽ sử dụng các hệ thống CNTT chuyên nghiệp tại các Trung tâm telehealth đã được xây dựng và đi vào hoạt động của các BV. Còn đối với các ca có triệu chứng thông thường, các bác sĩ ở các BV này sẽ sử dụng các ứng dụng OTT như Zalo hay Viber để tư vấn.
Sử dụng telehealth cùng làm việc với các BV tại các địa phương, không phải chuyển bệnh nhân đến TP.HCM, đặc biệt trong thời điểm Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội đã góp phần cứu chữa người bệnh và đầy lùi dịch bệnh Covid-19.
Robot
Trong đại dịch, robot là một trong những gỉai pháp công nghệ được ứng dụng nhiều nhất tại TP. HCM, từ robot vệ sinh sàn BV; đến robot vận chuyển thức ăn, vật tư y tế trong các cơ sở y tế; từ robot phân phát gạo từ thiện; đến robot hỏi thăm sức khỏe nhân dân v.v... Đặc biệt, hầu hết các loại robot này đều do chính người Việt Nam thiết kế, và phát triển.
Gần đây nhất, trong đợt tái bùng phát Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, cùng với một số địa phương trong cả nước, TP. HCM đã sử dụng robot (AI Callbot) vào việc gọi điện hỏi thăm sức khỏe người dân. Một tổng đài tự động với đầu số 1800119 (miễn cước do VNPT cài đặt theo yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19) đã được sử dụng để hỏi thăm sức khoẻ, triệu chứng của người dân, cùng nhiều thông tin khác trong thời gian mới đây tại TP. HCM.
Công nghệ AI đã cho phép AI Callbot thu thập được nhiều dữ liệu có liên quan một cách có hệ thống, nhanh, đặc biệt là không tốn công sức, thời gian (nếu như sử dụng nhân lực để làm việc này), mang đến nhiều dữ liệu quý, báu phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM.
Bản đồ số 3D
Ngay tại thời điểm TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, ngày 21/6, Sở TT&TT TP. HCM đã công bố bản đồ Covid-19 TP.HCM phiên bản mới 2.0 sử dụng công nghệ 3D, bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Truy cập vào địa chỉ https://bando.tphcm.gov.vn/ogis trên các thiết bị có kế nối Internet như máy tính, smartphone, ti-vi thông minh, hoặc máy tính bảng, người dân có thể xem được các thông tin như bệnh viện, cơ sở y tế, các ca dương tính, vùng cách ly, điểm tiêm chủng, khu vực có điểm dịch tễ và khu vực có điểm phong toả...
Tại bản đổ này, người dân cũng có thể theo dõi được các số liệu về Covid-19 trên địa bàn Thành phố dưới dạng bản đồ trực quan, và cập nhật theo thời gian thực. Đặc biệt, chúng ta cũng có thể tìm kiếm lộ trình giữa điểm đi và điểm đến trên bản đồ này để trách các khu vực bị phong toả, vùng bị cách ly, hoặc đến các bệnh viện, cơ sở y tế, điểm tiêm chủng v.v...
Từ bản đồ này, người dân cũng có thể truy cập vào cổng 1022 để cung cấp, phản ánh các thông tin, các vi phạm về phòng chống dịch, như tổ chức hát karaoke, hay tụ tập đông người v.v... một cách thuận tiện, và đơn giản.
Có thể nói, trong thời điểm TP.HCM đang là một trong những điểm nóng về dịch bệnh Covid-19, đồng thời cũng là lúc Thành phố đang thực hiện chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất từ trước đến này, việc ra mắt bản đồ số 3D (phiên bản 2.0) của Sở TT&TT, cung cấp các thông tin cần thiết nhất về dịch bệnh, với giao diện dễ hiểu và dễ tiếp cận là một trong những công cụ để giúp người dân, ngành y tế, và chính quyền đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.