Khi các quốc gia nỗ lực xây dựng và phục hồi nền kinh tế toàn cầu, các kế hoạch phục hồi phải tập trung vào việc tạo công ăn việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy đổi mới với tính bền vững là cốt lõi.
Đại dịch COVID-19 mang lại cơ hội ngàn năm có một để thúc đẩy nền kinh tế số, để các ngành công nghiệp có thể bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và phục hồi tốt hơn trong những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Thành công chung của chúng ta phụ thuộc vào khả năng của khu vực công và tư nhân trong việc bắt kịp hành trình chuyển đổi số (CĐS).
Một cuộc khảo sát từ Deloitte cho thấy nhiều "công ty đã chín muồi về kỹ thuật số" - những công ty mà chiến lược số và cơ sở hạ tầng được gắn vào tất cả các hoạt động kinh doanh của DN - có khả năng phục hồi và linh hoạt hơn trong khủng hoảng. Các công ty này cũng hiệu suất hơn về mặt tài chính.
Theo đó, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã nhận định một số lĩnh vực quan trọng mà có thể đầu tư để tạo nền tảng cho khả năng phục hồi lâu dài trước các cuộc khủng hoảng.
Mạng 5G mở đáp ứng chuyển đổi số bao trùm
Công nghệ di động 5G sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc và sống. 5G không chỉ có nghĩa là Internet nhanh hơn, 5G còn là cấp độ kết nối sâu hơn, đặt nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, nhằm tạo ra hiệu quả hơn trong tất cả các ngành.
Tuy nhiên, tính đến năm 2021, gần một nửa dân số thế giới vẫn đang ngoại tuyến cùng với ảnh hưởng của đại dịch đã cho thấy khoảng cách số ngày càng lớn do nhiều khu vực vẫn chưa thể truy cập băng thông rộng chất lượng cao cần thiết cho làm việc từ xa và học tập trực tuyến.
Một mạng 5G mở - di động, dựa trên phần mềm và tự động thay vì được xây dựng trên các hệ thống cũ - sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm và học tập hơn, đồng thời tạo ra lực lượng lao động toàn cầu đa dạng và linh hoạt hơn hơn về mặt kỹ thuật số.
Mạng 5G mở là yếu tố quan trọng để cung cấp cho tất cả các cộng đồng - thành thị, nông thôn và vùng hẻo lánh - tiếp cận được với Internet chất lượng cao, giá cả phải chăng có khả năng hỗ trợ làm việc và học tập từ xa.
Kết nối 5G này sẽ tạo ra các cơ hội kinh tế tốt hơn và đảm bảo việc làm, cung cấp hỗ trợ học tập cho sinh viên và phục hồi các DN địa phương. 5G cũng có thể mở ra cánh cửa cho các công nghệ sáng tạo mới như xe tự hành, thành phố tiết kiệm năng lượng và hệ thống nông nghiệp thông minh.
Hiện đại hóa chuỗi cung ứng để thích ứng với những thách thức trong tương lai
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, 94% trong số 1000 công ty trong danh sách Fortune 1000 đã trải qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19. 1,5 năm sau khi nhiều công ty cắt giảm để duy trì hoạt động, các ngành công nghiệp đang phải đối mặt với vấn đề tương tự vì không thể đáp ứng kịp nhu cầu khi thế giới mở cửa trở lại.
Đại dịch đã cho thấy sự kém hiệu quả và các lỗ hổng trong nhiều chuỗi cung ứng, vì vậy, các tổ chức cần giải quyết những vấn đề này để chuẩn bị cho những gián đoạn có thể trong tương lai. Các DN nên đầu tư thời gian và nguồn lực để đánh giá lại chuỗi cung ứng của mình để tìm ra và giải quyết những điểm yếu.
Khi phát hiện ra các lỗ hổng, các tổ chức có thể sử dụng những tiến bộ trong công nghệ, như hệ thống tự động và thông tin chi tiết theo hướng dữ liệu, để hiện đại hóa chuỗi cung ứng của mình và linh hoạt hơn. Ví dụ, dữ liệu thời gian thực có thể được sử dụng để phát hiện các vấn đề của chuỗi cung ứng hàng tồn kho nhanh chóng, dự báo sự gián đoạn trong tương lai và các giải pháp mô hình hóa. Bằng cách sử dụng công nghệ để cải thiện chuỗi cung ứng, các công ty có thể tiếp tục phục vụ khách hàng, tuyển dụng nhân viên và phát triển kinh doanh của họ.
Ưu tiên an ninh mạng là một phần quan trọng của CĐS
Cả khu vực công và tư đều là nạn nhân của sự gia tăng các cuộc tấn công ransomware. Theo dự báo của Cybersecurity Ventures, tội phạm mạng sẽ gây thiệt hại cho thế giới 10,5 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2025, do đó các DN cần phải coi an ninh mạng là một phần không thể thiếu trong chiến lược CĐS của mình. Các cuộc tấn công mạng không chỉ nguy hiểm vì chúng làm lộ dữ liệu bí mật mà còn tốn kém và mất thời gian để giải quyết. Bằng cách bảo vệ dữ liệu của mình, các tổ chức có thể tập trung vào việc đổi mới và duy trì hoạt động.
Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) có thể giúp các tổ chức dự đoán và giảm thiểu các mối đe dọa bảo mật trước khi chúng xảy ra. Các công ty và quốc gia cần đảm bảo cơ sở hạ tầng của họ từ đầu đến cuối, từ chuỗi cung ứng đến dịch vụ và thiết bị. Bằng cách đảm bảo an toàn cho mọi bộ phận, các DN sẽ giảm thiểu nguy cơ bị tấn công và tăng cường khả năng an ninh mạng tốt hơn về lâu dài.
Nâng cao kỹ năng và đào tạo lại người lao động cho một nền kinh tế đang chuyển đổi
Có một khoảng cách về kỹ năng trong ngành công nghệ. Theo một cuộc khảo sát gần đây của CIO, 65% các nhà lãnh đạo công nghệ cho biết những thách thức tuyển dụng đang tác động ngành công nghệ. Đại dịch đã nới rộng khoảng cách này khi các công ty và lực lượng lao động của các công ty cần phải nhanh chóng thích nghi với việc làm việc và điều hành DN từ xa.
Khi nền kinh tế của chúng ta chuyển đổi, mọi người sẽ cần học các kỹ năng mới. Các chính phủ và DN cần nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động để bắt kịp với tốc độ CĐS. Đồng thời, để giải quyết thiếu hụt nhân tài công nghệ cần phải khuyến khích nhiều người sớm theo đuổi vị trí việc làm trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như an ninh mạng. Các DN và tổ chức có thể làm điều này bằng cách hợp tác với các trường đại học, cơ sở giáo dục.
Chúng ta nên ưu tiên đầu tư vào công nghệ cơ sở hạ tầng và xây dựng kỹ năng cho các trường học để đảm bảo lực lượng lao động trong tương lai có các công cụ cần thiết để thành công trong một thế giới CĐS. Điều này bao gồm việc đảm bảo sinh viên học tập trong môi trường kết hợp (ở nhà và ở trường) có các công cụ học tập số in cậy, giá cả phải chăng và khả năng kết nối.
Khi chúng ta chuyển từ ứng phó sang phục hồi, ưu tiên CĐS là cần thiết, mọi chính phủ và ngành nghề đều có thể hưởng lợi từ việc củng cố cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của họ để sẵn sàng cho sự gián đoạn tiếp theo. Điều này không chỉ đòi hỏi vốn và các nguồn lực hoặc mua phần cứng mới mà còn phải có các chương trình phù hợp và cơ sở hạ tầng số sẵn sàng để phát triển nền kinh tế khi thế giới tiếp tục phát triển.
Một phiên họp của các nước G20 mới đây tại Italia đã tập trung bàn thảo các trụ cột cốt lõi là con người, trái đất và sự thịnh vượng làm tầm nhìn. Thành công của tầm nhìn này phải được củng cố và nâng cao bằng một cách tiếp cận mạnh mẽ đối với khả năng phục hồi kinh tế. Xây dựng kỹ thuật số hôm nay để thúc đẩy sự chuyển đổi của ngày mai./.