4 xu hướng chuyển đổi chính trong lĩnh vực truyền thông, giải trí

Tâm An| 25/03/2022 21:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc số hóa ngành truyền thông được thúc đẩy bởi sự thay đổi hành vi và kỳ vọng của người tiêu dùng. Từ thực tế đó, các công ty truyền thông cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi từ các phương pháp công nghiệp truyền thống sang các nền tảng số mới nhằm thích nghi với bối cảnh mới.

Truyền thông, giải trí là một trong những lĩnh vực có bước CĐS mạnh mẽ nhất

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, CĐS là một xu hướng tất yếu, đặc biệt đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua được coi là một "cú huých" khiến cho công cuộc CĐS được diễn ra nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo "Tương lai của Ngành truyền thông" do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp với Alibaba Cloud tổ chức ngày 25/3, ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch VDCA cho biết: "Điện toán đám mây (ĐTĐM) (cloud) đang thể hiện vai trò không thể thiếu trong quá trình doanh nghiệp (DN) CĐS. Nhờ ĐTĐM, quá trình này đã diễn ra nhanh chóng và phát triển vượt bậc như ngày nay".

Nhiều công ty đã thực hiện việc đo lường hiệu suất thông qua trải nghiệm của khách hàng, mô hình kinh doanh hỗ trợ đám mây và phân phối trên nền tảng cloud giúp các DN áp dụng các kênh mới hơn để cung cấp trải nghiệm khách hàng cấp cao bằng sự khác biệt chiến lược và giải pháp của mình so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội, nhu cầu của người dân trong việc tiếp cận với các công cụ trực tuyến đã tăng lên mạnh mẽ. Hành vi và thói quen của khách hàng cũng đã thay đổi rất nhiều. Và rõ ràng, khi hành vi của khách hàng thay đổi thì các DN cũng phải chuyển đổi để thích nghi với những xu hướng đó.

Lĩnh vực truyền thông, giải trí là một trong những lĩnh vực có bước CĐS mạnh mẽ nhất. Nhằm thích ứng với bối cảnh đại dịch, nhu cầu tiếp cận giải trí trực tiếp bị hạn chế và giảm mạnh mẽ, thay vào đó là nhu cầu giải trí trên môi trường trực tuyến gia tăng.

Chia sẻ về việc chuyển đổi ngành truyền thông , ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng Thư ký VDCA cho biết: "Lĩnh vực truyền thông đã có sự dịch chuyển lên các nền tảng số, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tik Tok, YouTube, Zalo… để cung cấp các sản phẩm truyền thông hoặc livestream, bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử, kết nối với những hệ thống thanh toán, hệ thống về logistics…"

Thậm chí, với những DN có tiềm năng, nguồn lực lớn có thể sở hữu một nền tảng riêng trên một hạ tầng siêu ứng dụng hội tụ người dùng trên cùng một ứng dụng duy nhất.

Những mô hình truyền thống cũng đã có những sự chuyển đổi mạnh mẽ như tổ hợp truyền thông VTV, VTC. Bên cạnh mô hình truyền thống, họ đều có những chiến lược số hóa như VTV Digital, VTC Now và rất nhiều hệ thống của các tòa soạn báo cũng được đẩy mạnh trên môi trường số.

Trong khi đó, lĩnh vực giải trí cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của các nền tảng trực tuyến nước ngoài như Netflix, Spotify và sự tăng trưởng thị trường của game, đặc biệt là game E-sport (thể thao điện tử).

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Chu Thế Anh, Giám đốc khối kinh doanh FPT Telecom International cho biết, ngành truyền thông phải có những thay đổi phù hợp để có thể đáp ứng nhanh nhất mong muốn của khách hàng cũng như đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Một trong những giải pháp đó là các DN có thể hợp tác với những đơn vị có sẵn nền tảng về công nghệ và hạ tầng tốt. Những đối tác như vậy sẽ đem đến những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, giúp nâng cao trải nghiệm cho người dùng cuối, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành truyền thông số Việt Nam.

Những xu hướng chuyển đổi chính trong lĩnh vực truyền thông, giải trí - Ảnh 1.

Các chuyên gia thảo luận về chủ đề "CĐS cho ngành truyền thông".

Những xu hướng chuyển đổi chính trong lĩnh vực truyền thông, giải trí

Về xu hướng chuyển đổi trong lĩnh vực truyền thông giải trí, ôngVũ Kiêm Văn đã nhận định có 4 xu hướng chính.

Theo đó, ông Vũ Kiêm Văn cho biết, đối với ngành truyền thông, giải trí, thời gian vừa qua đã có sự dịch chuyển trong lĩnh vực sáng tạo và cung cấp nội dung hướng đến cá nhân hóa dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhà cung cấp nội dung xác định nhu cầu, thị hiếu của từng độc giả để cung cấp nội dung phù hợp nhất cho từng đối tượng chứ không phải cung cấp đồng đều như trước đây.

Ví dụ, nền tảng Tik Tok cung cấp nội dung cá nhân hóa cho độc giả, cho người thụ hưởng hoàn toàn dựa trên AI.

Trong quá trình phân phối nội dung cá nhân hóa, nhà cung cấp nội dung sẽ tiếp tục thu thập thêm được nhiều dữ liệu lớn để phân tích. Từ đó, có thể giúp họ nâng cao trải nghiệm người dùng và đạt được hiệu quả cao hơn.

Xu hướng thứ hai là nâng cao tính tương tác giữa nhà cung cấp nội dung và khách hàng. Nội dung có thể được phân phối đến hàng trăm triệu, hàng tỷ khách hàng, do đó, để cải thiện và nâng cao tính tương tác giữa người dùng các DN buộc phải dùng các hệ thống dựa trên công nghệ AI.

Thứ ba, là đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới như blockchain, big data, AI vào ngành truyền thông giải trí. Rất nhiều công nghệ đã được ứng dụng để nâng cao chất lượng nội dung truyền tải cho khách hàng chẳng hạn như quá trình xử lý ảnh, cải thiện chất lượng video…

Và xu hướng cuối cùng là hợp tác và liên kết với các nền tảng thanh toán giúp người dùng có thể vừa thụ hưởng, vừa trả phí nội dung một cách dễ dàng.

Truyền thông giải trí là một trong những ngành có sự chuyển đổi khá mạnh mẽ nhưng quá trình đó cũng đang gặp phải những khó khăn và thách thức mà chúng ta cần nhận định và giải quyết trong thời gian tới như như vấn đề về bản quyền nội dung, phát tán thông tin xấu độc.

Theo ông Vũ Kiêm Văn, bản quyền nội dung không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp những khó khăn trong việc quản lý bản quyền khi phân phối nội dung trên môi trường số.

Bên cạnh đó, việc phát tán các các thông tin không mong muốn trên các nền tảng số cũng là một thách thức. Với tính chất lan truyền rất rộng rãi và nhanh chóng, việc kiểm soát quá trình phát tán này thực sự khó khăn đối với các nhà cung cấp nội dung./.

Bài liên quan
  • Tăng cường hợp tác về chuyển đổi số giữa Việt Nam và Cuba
    Ngày 2/11/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Cuba, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Cuba Mayra Arevich Marín và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
4 xu hướng chuyển đổi chính trong lĩnh vực truyền thông, giải trí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO