40% doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên

PV| 27/10/2020 21:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại Việt Nam, chiến lược trải nghiệm nhân viên vẫn còn là điều mới mẻ đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, khi có tới 40% quản lý nhân sự (HR) và quản lý cấp cao, lãnh đạo DN chưa từng đọc, nghiên cứu về trải nghiệm nhân viên.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo "Trải nghiệm nhân sự Việt Nam 2020 - Hiện tại và những điều có thể làm cho tương lai" do ACheckin - giải pháp quản trị nâng cao trải nghiệm nhân sự (thuộc Appota Group) ra mắt ngày 27/10.

Báo cáo cho thấy các DN chưa có nhiều nhận thức và chiến lược xây dựng trải nghiệm nhân viên một cách rõ nét và có hiệu quả. Tại Việt Nam, chiến lược trải nghiệm nhân viên vẫn còn là điều mới mẻ, tuy nhiên, nó đã và đang được nhiều DN thực hiện một cách bản năng.

Báo cáo cũng giúp các nhà quản trị DN hiểu chính xác về xu hướng quản trị này của thế giới và biết cách bắt đầu xây dựng trải nghiệm nhân viên xuất sắc.

Trải nghiệm nhân viên là gì?

Trải nghiệm nhân viên (EX) là những tương tác, góc nhìn của nhân sự với tất cả khoảnh khắc xuyên suốt quá trình làm việc của họ.

Hiện nay, EX đang được ứng dụng trong chiến lược phát triển kinh doanh chủ chốt của nhiều DN lớn trên thế giới như IBM, LinkedIn, General Electrics, Facebook và được các tổ chức tư vấn quản lý hàng đầu thế giới như Deloitte, McKinsey, Gartner, Mercer cho là xu hướng phát triển nhân sự của tương lai.

40% doanh nghiệp tại Việt Nam chưa quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên - Ảnh 1.

Tại sao trải nghiệm nhân viên lại cần thiết?

Khác với cách quản trị truyền thống là dựa vào yêu cầu và mong muốn của lãnh đạo, thì trải nghiệm nhân viên tập trung trả lời và đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhân viên, chạm đến cảm xúc của từng cá nhân trong tập thể lớn. Từ đó, tạo dựng tinh thần tích cực, gắn kết khăng khít giữa DN và nhân viên, giúp nhân viên trở thành con người tốt nhất trong công việc của họ. Điều đó tạo ra sức mạnh nội lực, giúp DN vững vàng vượt qua cơn sóng dữ Covid-19 hay những khó khăn khác trong tương lai.

Đã có hàng loạt nghiên cứu, bài học trên thế giới thể hiện trải nghiệm nhân viên tốt đem lại lợi ích kinh tế thực sự bền vững cho DN. Trong khảo sát của Kincentric năm 2019, 79% DN cũng đồng ý rằng EX có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh, họ cho rằng tác động đó phần lớn đến từ việc nhân viên tích cực, gắn bó và tạo được sự kết nối cá nhân với mục tiêu của tổ chức (Oehler & Bakos, 2019).

Còn theo IBM và Viện nghiên cứu Workhuman, top 25% các DN có điểm EX cao nhất có được nỗ lực của nhân viên lên tới 95% và hiệu quả làm việc đạt 96%, trong khi nhóm tổ chức có EX thấp nhất chỉ nhận được 33% nỗ lực của nhân viên và hiệu quả chỉ đạt 73% (IBM, 2017). Nhóm đạt điểm EX cao có tỉ lệ muốn rời bỏ DN chỉ ở mức 21%, nhóm có điểm EX thấp nhất có tới 44% nhân viên muốn tìm kiếm công việc khác.

Thực tế về trải nghiệm nhân viên Việt Nam 2020

ACheckin đã thực hiện khảo sát với HR và quản lý cấp cao đại diện 150 DN của 21 ngành nghề khác nhau, cùng hơn 800 nhân viên tại hai khu vực chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong tháng 08/2020.

40% doanh nghiệp tại Việt Nam chưa quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên - Ảnh 2.

Chỉ số trải nghiệm nhân viên Việt Nam 2020

Trải nghiệm nhân viên nhìn chung dừng ở mức độ khá, chưa có phần trải nghiệm nào chạm đến mức tốt. Ngoài ra, trải nghiệm về cơ hội phát triển tiệm cận mức tệ (57%).

Không có sự khác biệt lớn ở điểm trải nghiệm nhân viên giữa hai miền, tuy vậy, trong các yếu tố nhỏ có một số điểm sáng của từng khu vực:

- Trải nghiệm về an toàn tài chính, lương tại phía Nam (86%) ở mức tốt, cao hơn nhiều phía Bắc (78%).

- Nhân viên tại khu vực phía Nam nhìn nhận mình có tương lai ở DN (76%) tốt hơn phía Bắc (70%).

- Các DN phía Bắc truyền đạt mục tiêu, tầm nhìn sứ mệnh tốt và hiệu quả hơn các DN phía Nam.

- Văn hóa học tập ở phía Bắc (63%) được nhân viên đánh giá cao hơn khu vực phía Nam (58%)

Trải nghiệm nhân viên có sự phân hóa rõ theo quy mô DN. Cụ thể, các tổ chức lớn trên 450 nhân viên có điểm EX cao nhất, đạt mức tốt ở nhiều yếu tố như an toàn, ổn định và công việc có ý nghĩa.

Các DN từ 101 - 250 nhân viên có điểm EX thấp nhất, chỉ ở mức cơ bản (64%), thậm chí bị đánh giá tệ trong nhiều mặt như cơ hội phát triển và lãnh đạo DN. Các DN nhỏ từ 10 - 100 nhân viên có điểm EX ở mức khá, điểm sáng của nhóm này là nhân viên thấy tin tưởng và ngưỡng mộ quản lý trực tiếp. Các DN từ 251 - 450 nhân viên có điểm EX tương đương với nhóm 10 - 100 nhân viên, tốt hơn về an toàn tài chính, lương, nhưng yếu hơn về sự tin tưởng, ngưỡng mộ quản lý trực tiếp.

Nhà quản lý DN Việt Nam chưa có nhiều sự quan tâm đến trải nghiệm nhân viên

Các DN Việt Nam chưa có sự quan tâm đến EX. Theo báo cáo, có tới 40% HR và quản lý cấp cao, lãnh đạo DN chưa từng đọc, nghiên cứu về trải nghiệm nhân viên. Và chỉ có 21% DN có vị trí quản lý chuyên trách về trải nghiệm nhân viên. Ứng dụng công nghệ trong quản lý DN còn hạn chế chỉ có 54% DN ứng dụng phần mềm HRM, ERP vào quản lý và vận hành. Ứng dụng công cụ công nghệ tại phía Nam (95%) vượt trội so với DN phía Bắc (66%).

HR và lãnh đạo DN hầu như chưa tiếp cận với tư duy thiết kế (design thinking). Đây là một trong những kỹ năng quan trọng trong xây dựng trải nghiệm nhân viên theo kinh nghiệm của các công ty trên thế giới.

Đa phần chúng ta vẫn đang làm những nghiệp vụ HR truyền thống, chưa mở rộng và thử những góc nhìn và công cụ mới, đặc biệt là trong việc lắng nghe, theo sát cảm xúc, ý kiến của nhân viên. Hiện mới chỉ có 48% DN thực hiện khảo sát nhân sự, mà trong đó có tới 88% thực hiện một năm một lần hoặc ít hơn.

Xu hướng xây dựng trải nghiệm nhân viên của Việt Nam sẽ ra sao?

EX còn là khái niệm mới, tư duy cũng như cách làm còn chưa được khai phá và thử nghiệm nhiều tại Việt Nam. Tuy vậy, với tinh thần cầu tiến và mong muốn cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên, đồng hành cùng mục tiêu kinh doanh, nhà quản lý đã bắt đầu "nghĩ nhiều hơn" cho nhân viên thông qua trải nghiệm nhân sự.

40% doanh nghiệp tại Việt Nam chưa quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên - Ảnh 3.

Để trải nghiệm nhân sự được đánh giá tốt, nhà quản trị cần nhanh chóng vun đắp tư duy, kiến thức của bản thân, học hỏi và ứng dụng những kỹ năng mới như tư duy thiết kế, chuyển đổi số, tổ chức linh hoạt, tư duy thiết kế dịch vụ, marketing.

Đặc biệt phải mở rộng, lắng nghe và thấu hiểu hành trình trải nghiệm của nhân viên, tối ưu hóa những điểm chạm, mang lại ý nghĩa thực sự cho người lao động. Công nghệ và phân tích dữ liệu, hành vi con người sẽ là người đồng hành không thể thiếu của HR trên con đường xây dựng trải nghiệm nhân viên và môi trường làm việc của tương lai.

Để có cái nhìn cụ thể hơn về việc xây dựng trải nghiệm nhân sự ở Việt Nam, ACheckin sẽ tổ chức talkshow hình thức livestream với chủ đề: "Trải nghiệm nhân sự - Hành trình từ tốt đến tuyệt vời" vào sáng ngày 6/11/2020 trên fanpage của ACheckin.

ACheckin cung cấp giải pháp đồng bộ hóa việc chấm công, quản lý nhân sự, dự án, truyền thông nội bộ trong một nền tảng duy nhất.

Giải pháp quản trị áp dụng công nghệ từ ACheckin sẽ giúp quản lý minh bạch nhưng vẫn đảm bảo sự linh hoạt, hấp dẫn cần thiết. Từ đó, trải nghiệm nhân viên sẽ nâng cao, lan tỏa năng lượng tích cực trong môi trường làm việc, gia tăng hiệu suất làm việc của nhân sự.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
40% doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO