Theo nghiên cứu mới "Danh tiếng kỹ thuật số" (Digital Reputation) do Kaspersky thực hiện vào tháng 11/2020 với 1.240 người, hoạt động ẩn danh đang được sử dụng nhiều nhất ở Đông Nam Á với 35%, tiếp theo là Nam Á với 28% và Úc là 20%.
Mạng xã hội có số người dùng ẩn danh nhiều nhất là Facebook (chiếm 70%), tiếp theo là YouTube (37%), Instagram (33%) và Twitter (25%).
Sử dụng tài khoản ẩn danh tác động theo hai hướng
Việc sử dụng tài khoản ẩn danh sẽ gây tác động theo hai hướng. Kết quả khảo sát đã chỉ ra việc ẩn danh cho phép các cá nhân thoải mái theo đuổi sở thích và sử dụng quyền tự do ngôn luận, nhưng đồng thời cũng dễ dàng thực hiện những hành vi gây hại.
49% số người được khảo sát cho biết họ sử dụng tài khoản ẩn danh để thực hiện quyền tự do ngôn luận và không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của mình, trong khi 48% muốn thoải mái theo đuổi những sở thích cá nhân mà không bị bạn bè vô tình biết được.
34% người dùng sử dụng tài khoản ẩn danh để thể hiện ý kiến không đồng tình với ai đó hoặc một tin tức nào đó. Trong khi 30% người dùng sử dụng tài khoản mạng xã hội ẩn danh để chia sẻ thông tin về nghệ sĩ yêu thích và sở thích, 22% ẩn danh để theo dõi người khác trên môi trường trực tuyến.
Chỉ một tỷ lệ nhỏ (3%) cho biết sử dụng tài khoản ẩn danh để tránh email spam, tránh bị tấn công doxing, hay sử dụng cho những mục đích khác như chơi game và ngăn việc bị truy cập vào tài khoản email thật sự.
Điểm mấu chốt của những phát hiện trên là người dùng ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng nhận thức được danh tiếng mà họ đang xây dựng khi trực tuyến và tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống ngoài đời thực. Trên cơ sở này, không ngạc nhiên khi 49% người được hỏi cho biết sẽ tìm hiểu tài khoản mạng xã hội của một thương hiệu hoặc một công ty trước khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ.
Đáng lưu ý, 51% số người trả lời khảo sát nhấn mạnh tầm quan trọng của danh tiếng trực tuyến của một doanh nghiệp (DN). 48% khẳng định rằng họ sẽ tránh mua hàng của những công ty dính líu đến bê bối hoặc có tin tức tiêu cực trên mạng.
Ngoài ra, 38% cũng ngừng sử dụng các sản phẩm của một công ty hoặc thương hiệu sau khi DN vướng vào khủng hoảng trực tuyến. 41% tiết lộ rằng danh tiếng của những người ủng hộ thương hiệu cũng ảnh hưởng đến quan điểm của người dùng về thương hiệu đó.
Khi được hỏi về tính minh bạch của thương hiệu trên các trang trực tuyến, 50% người dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng công ty không nên xóa những nhận xét tiêu cực trên tài khoản mạng xã hội của họ.
5 bước bảo vệ an toàn khi trực tuyến
Trước những kết quả của nghiên cứu, ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: "Từ mục đích ban đầu là tìm kiếm và kết nối với bạn bè và gia đình, mạng xã hội đã phát triển và sẽ tiếp tục phát triển theo những cách chưa từng có. Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta giao tiếp xã hội và biết thông tin về nhau, nhưng bây giờ, chúng ta đã đến "ngã ba đường", khi hồ sơ trực tuyến của cả cá nhân và công ty đang được nhìn nhận như một thông số để đánh giá".
"Cuộc khảo sát mới nhất của chúng tôi cho thấy người tiêu dùng hiện nay tin rằng các công ty cần chịu trách nhiệm về danh tiếng trực tuyến của họ, giống như việc hành vi của cá nhân trên mạng xã hội cũng được sử dụng để xác định điểm tín dụng của một người, để kiểm tra khả năng được tuyển dụng của một người, và thậm chí để từ chối hoặc chấp thuận yêu cầu thị thực. Với những hậu quả trong thế giới thực, chúng ta cần học cách cân bằng giữa quyền riêng tư và bảo mật để đảm bảo an toàn cho danh tiếng kỹ thuật số - điều ngày càng trở nên quan trọng đối với chúng ta.", ông nói thêm.
Để giúp người tiêu dùng bảo vệ danh tiếng trực tuyến, Kaspersky chia sẻ 5 bước quan trọng mà người dùng có thể thực hiện để được bảo vệ và an toàn khi trực tuyến.
Theo Kapersky, danh tiếng kỹ thuật số cũng được liên kết với danh tiếng cá nhân. Tất cả thông tin được đưa lên Internet sẽ vẫn còn trên Internet. Điều này có thể dẫn đến tình huống khó xử khi bạn phải giải thích những thông tin này với người cùng công ty hoặc trong quá trình tuyển dụng.
Để bảo vệ danh tiếng kỹ thuật số, người dùng nên thận trọng khi tiết lộ thông tin về bản thân, đặc biệt là trên mạng xã hội. Đừng bao giờ tiết lộ quá nhiều. Hãy bám vào những điều cơ bản và chỉ chia sẻ những thông tin thật sự cần thiết. Nếu bạn chia sẻ càng nhiều, bạn càng hấp dẫn kẻ tấn công đang tìm cách đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc thậm chí danh tính của bạn.
Tiếp theo, người dùng cần xóa tài khoản và dữ liệu - chúng ta đều có rất nhiều tài khoản, nhiều tài khoản hầu như không được sử dụng hoặc bị lãng quên. Nhiều tài khoản trong số này vẫn tồn tại và có thể làm rò rỉ thông tin của bạn.
Ngăn chặn lạm dụng dữ liệu cá nhân: nếu ứng dụng yêu cầu cấp quyền cho dữ liệu nhạy cảm, hãy xem chính sách bảo mật của ứng dụng vì chính sách này có thể tuyên bố rằng dữ liệu của bạn sẽ được chuyển cho bên thứ ba.
Người dùng không cấp quyền cho ứng dụng nhiều hơn mức cần thiết, và cần xem xét kỹ những gì ứng dụng thực sự cần, cũng như ứng dụng có thể làm được gì nếu không được cấp quyền. Cần nhớ rằng bất kỳ thông tin nào bạn đã chuyển giao cho các ứng dụng thì ít có khả năng dữ liệu được hoàn toàn riêng tư.
Cuối cùng, sử dụng giải pháp kết hợp giữa những sản phẩm bảo mật và các bước thực hành có thể giảm thiểu mối đe dọa và giữ cho dữ liệu của bạn an toàn khi trực tuyến. Các giải pháp bảo mật tin cậy để bảo vệ toàn diện khỏi hàng loạt các mối đe dọa, như Kaspersky Security Cloud và Kaspersky Internet Security, cùng Kaspersky Password Manager để lưu trữ an toàn dữ liệu kỹ thuật số có thể giúp giải quyết vấn đề lưu giữ thông tin cá nhân.