Chuyển động ICT

5 khác biệt trong đào tạo nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Tập đoàn Phenikaa

QA 04/05/2024 17:39

Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn (đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa) cùng các đối tác cam kết đào tạo tối thiểu 8.000 kỹ sư thiết kế chip và 12.000 kỹ sư/kỹ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến của ngành.

Ngày 4/5/2024, tại Trường Đại học (ĐH) Phenikaa, Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa, Trường ĐH Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và ĐH bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức đã thu hút sự quan tâm và tham gia của giới chuyên gia, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước.

Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các Bộ ban ngành: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương Binh và Xã hội, TP. Đà Nẵng, Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn: Synopsys, Qualcomn, Panasonic, CoAsia, Qorvo, …, cùng các chuyên gia hàng đầu trong ngành vi mạch, đến từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế: ĐH Chang Gung (CGU) - Đài Loan, Trường Đào tạo bán dẫn SiCADA (Synopsys), ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…

hoi-thao-quoc-te-nguon-nhan-luc-ban-dan-viet-nam-dai-hoc-phenikaa-12-1-.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các Bộ, ban ngành, các đại biểu trong nước và quốc tế thăm Trường ĐH Phenikaa.

Hội thảo đã cùng thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như: tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường ĐH đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường ĐH hàng đầu thế giới…

Cũng tại sự kiện, các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ về những phương tiện và phòng lab dùng chung cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn, và đặc biệt là cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng của Việt Nam...

Việt Nam đứng trước thời cơ trở thành điểm đến chiến lược của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Phát biểu chỉ đạo về giải pháp nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ: “Công nghiệp vi mạch bán dẫn chính là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, nền tảng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu; là tiền đề, là động lực thúc đẩy xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa vào tri thức của toàn cầu… Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn”.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-3.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: “Chúng ta cần phải chạy đua với thời gian, chính vì vậy, bài toán nhân lực đóng vai trò quyết định…".

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải chạy đua với thời gian, chính vì vậy, bài toán nhân lực đóng vai trò quyết định…".

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự đi đầu, dẫn dắt của các trường ĐH trong cả nước, trong đó có Trường ĐH Phenikaa đối với việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. “Tôi cũng đánh giá cao Trường - Viện - Doanh nghiệp của Phenikaa trong phục vụ cho quá trình đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất”.

bo-truong-bo-tt-tt-nguyen-manh-hung-1.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Một trong những bước đi của chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn Việt Nam là xây dựng Việt Nam thành hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Cũng tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Một trong những bước đi của chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn Việt Nam là xây dựng Việt Nam thành Hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn và từ hub nhân lực này sẽ tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Hub nhân lực toàn cầu bao gồm cả gia công, xuất khẩu lao động về công nghiệp bán dẫn. Về khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu lao động qua reskill, upskill thì Việt Nam là top đầu.

Những bước đi ban đầu độc đáo, nhanh, mạnh mẽ của Phenikaa có thể là một đảm bảo cho thành công, nhưng ngành công nghiệp này vốn không bao giờ là dễ dàng, cần có cách tiếp cận độc đáo, sự bền bỉ, niềm khát vọng lớn và quyết tâm rất cao. Xin chúc cho Phenikaa thành công”.

Thành lập liên minh hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công - tư (PPP)

Tại Hội thảo, Tập đoàn Phenikaa và các đối tác đã công bố những hành động cụ thể mang tầm chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết của mình đồng hành cùng Chính phủ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Việt Nam:

(1) Thành lập liên minh hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công - tư (PPP);

(2) Giới thiệu Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, tập trung đào tạo chuyên sâu và nâng cao kỹ năng và Công ty S-Phenikaa, công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch.

Chương trình hành động của Phenikaa và các đối tác tập trung vào 5 điểm khác biệt:

Đào tạo theo đơn hàng và nhu cầu của thị trường

Gắn đào tạo với DN nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra, Trường ĐH Phenikaa, Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn và Công ty S-Phenikaa sẽ phối hợp chặt chẽ và hoạt động như một tổ hợp dịch vụ kinh doanh cung cấp các dịch vụ: Đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên mô hình đào tạo trên công việc (training on jobs); Thiết kế sản phẩm chip theo nhu cầu thị trường, nhằm vào các ngách sản phẩm AI thiết yếu; Cung cấp các dịch vụ thiết kế chip hàng đầu khu vực và thế giới.

Với hướng đi dài hạn, bài bản từ đào tạo cơ bản ở bậc ĐH, tới đào tạo chuyên sâu, mở rộng và nâng cao kĩ năng (upskill), tiếp nối là thực hành, thực tập, giải các bài toán thực tế theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp (DN) và nhu cầu của xã hội. Mô hình này sẽ là vườn ươm tạo ra các nhân sự có năng lực của các kiến trúc sư, tổng công trình sư trong ngành, góp phần hoàn thiện tháp nhân lực Việt Nam về bán dẫn.

Bằng liên kết rộng mở với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước về đào tạo, thiết kế, sản xuất thử vi mạch, Phenikaa kì vọng, các thế hệ học viên bước ra từ hệ sinh thái Tập đoàn sẽ trở thành những nhân tố chủ chốt trong quá trình đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghệ bán dẫn nói riêng và ngành công nghiệp toàn cầu nói chung”, ông Lê Thái Hà, Giám đốc Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn chia sẻ.

Xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2040

Với mục tiêu cụ thể tới năm 2030, đào tạo ra tối thiểu 8.000 kỹ sư thiết kế chip và 12.000 kỹ sư/kỹ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế trong các nhà máy lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến của ngành, Tập đoàn Phenikaa chủ động đầu tư và kết nối với các đối tác trong và ngoài nước nhằm triển khai ngay kế hoạch đã đặt ra.

Theo đó, Tập đoàn đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo, nghiên cứu thiết kế chip cao cấp với hệ thống trang thiết bị thực hành tiên tiến, hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á, xây dựng các phòng thí nghiệm và hạ tầng cơ sở cho các công đoạn đào tạo ATP với tổng mức đầu tư ban đầu là 265 tỷ đồng; kết nối với Nacentech (Bộ KH&CN) để sử dụng phòng lab kiểm thử…

Thu hút đội ngũ nhân sự chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn

Phenikaa đã thu hút và tuyển dụng được đội ngũ nhân sự cốt lõi, đồng thời hợp tác với đội ngũ giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước có chuyên môn và kinh nghiệm thực chiến lâu năm tại các Tập đoàn lớn về vi mạch bán dẫn.

Đây là yếu tố chiến lược, quyết định thành công của kế hoạch và hiện thực hóa các mục tiêu Tập đoàn đã đặt ra.

Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công tư

Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA được thành lập bởi Trường ĐH Phenikaa (đại diện là Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn) và TP. Đà Nẵng (đại diện là Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế Vi mạch và AI), theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Liên minh sẽ tối ưu mọi nguồn lực hiện có theo hướng chia sẻ tài nguyên, áp dụng mô hình quản trị đào tạo hiện đại, đào tạo nâng cao kĩ năng (upskill) với các chứng chỉ được giới công nghiệp chấp nhận, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao trước hết cho thị trường Việt Nam, đồng thời cho các nước thuộc Chip 4 (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan) để làm việc nâng cao chuyên môn và quay trở lại Việt Nam khi có nhu cầu của các nhà đầu tư FDI hoặc trong nước.

Phát triển theo mô hình liên kết mở, sau giai đoạn cốt lõi ban đầu, VASA tiến tới mở rộng quan hệ đối tác tới các trường ĐH, tổ chức trên toàn quốc có nhu cầu và đủ điều kiện, tham gia đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế vi mạch, kỹ sư kiểm thử, đóng gói và triển khai các chương trình nghiên cứu, chế tạo vi mạch để hợp tác sản xuất các sản phẩm vi mạch “thuần Việt”.

Kết nối và hợp tác chặt chẽ với các đối tác uy tín trong nước và quốc tế

Để phát huy sức mạnh liên hợp trong ngành công nghiệp bán dẫn, Phenikaa kết nối và hợp tác với các đối tác công/tư uy tín trong nước và quốc tế là các tổ chức nhà nước, các trung tâm/viện, cơ sở đào tạo và các DN lớn hoạt động trong lĩnh vực vi mạnh bán dẫn.

Cụ thể, ngay tại Hội thảo ngày hôm nay cũng đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Phenikaa với các trường ĐH danh tiếng như ĐH bang Arizona, Hoa Kỳ, ĐH Chang Gung Đài Loan, các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty CP Công nghệ VMO Holding…, nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực tại Việt Nam và các quốc gia phát triển.

Chip bán dẫn là ngành công nghiệp toàn cầu. Để phát triển ngành tương xứng với tiềm năng và lợi thế, cần có sự huy động và phát huy tổng hòa nguồn lực quốc gia giữa Nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo, DN và các nguồn đầu tư, hợp tác quốc tế.

Tham gia vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn được xem là bước đi chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững của Tập đoàn Phenikaa và là bước tiến mới trong lĩnh vực công nghệ đang được Tập đoàn chú trọng.

Đây còn là trách nhiệm, khát vọng của Tập đoàn được chung tay cùng Chính phủ xây dựng tháp nhân lực vi mạch bán dẫn, ươm tạo tài năng vi mạch bán dẫn lành nghề, thúc đẩy gia tăng đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư, làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh, góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và nền kinh tế quốc gia theo kế hoạch của Chính phủ đến 2030 và tầm nhìn đến 2040 và 2050./.

Bài liên quan
  • Xây dựng Việt Nam thành trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam đang ở trung tâm toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Một trong những bước đi của chiến lược Quốc gia về công nghiệp bán dẫn Việt Nam là xây dựng Việt Nam thành hub nhân lực toàn cầu về nhân lực bán dẫn”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
5 khác biệt trong đào tạo nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Tập đoàn Phenikaa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO