Thiết kế chip, bán dẫn sẽ có mức lương “hot”: Người trẻ cần làm gì để đón đầu cơ hội?
Không chỉ nhu cầu trong nước tăng cao, mà nhiều doanh nghiệp (DN) trên thế giới cũng đang và sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự bán dẫn từ Việt Nam. Bởi vì, nhân sự ngành này đang thiếu hụt trên toàn thế giới.
Ngày 13/4 tại Hà Nội, Hệ thống đào tạo FPT Jetking phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức sự kiện "Tọa đàm Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới" dành cho những bạn học sinh, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, điện và điện tử, bán dẫn, hoặc người muốn chuyển đổi ngành nghề, phát triển công việc.
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều lợi thế cạnh tranh như sở hữu các mỏ đất hiếm trữ lượng lớn, hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Theo Bộ KH&ĐT, nhiều tập đoàn, DN lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor…
“Tôi tin rằng chỉ khoảng trong 5 năm tới, người ta sẽ phải nhắc đến Việt Nam như là một nơi phải đến khi nói đến chip và bán dẫn”
Trước cơ hội này cũng như những xu thế phát triển mới của thời đại, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một ngành công nghiệp có tính chất nền tảng và có vai trò trọng yếu trong sự phát triển của Việt Nam trong khoảng 30-50 năm tới. Ngành công nghiệp bán dẫn có tiềm năng phát triển lớn và đạt được vị thế quan trọng nhưng để đạt được điều đó, đầu tư vào nguồn nhân lực là điều rất quan trọng. Thực tế, với chính sách thu hút đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu về nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ tăng cao.
Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư. Điều này cho thấy sự quan trọng của việc chuẩn bị và đào tạo nhân lực cho ngành này.
Theo Ban tổ chức, sự kiện được tổ chức ngày hôm nay là một bước quan trọng để hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên và những người yêu công nghệ, điện tử có mong muốn gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn và thiết kế vi mạch. Đây là cơ hội để tạo ra những cuộc gặp gỡ, trao đổi và học hỏi từ những chia sẻ của các diễn giả có kinh nghiệm trong ngành.
Tại sự kiện, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, đã có những lời khuyên, động viên và truyền cảm hứng đến với các bạn học sinh, sinh viên tham dự sự kiện.
“Chúng tôi tin rằng với khả năng, với trình độ của mình, chúng ta có thể chinh phục thế giới”, ông Hoàng Nam Tiến nói.
“Tôi tin rằng chỉ khoảng trong 5 năm tới thôi, vào năm 2030, người ta sẽ phải nhắc đến Việt Nam như là một nơi cần đến, phải đến khi nói đến chip và bán dẫn. Niềm tin này thực sự có thể gọi là đam mê của tuổi trẻ, là khát vọng của đất nước, của thế hệ. Nhìn thấy quyết tâm của các bạn, tôi tin rằng Việt Nam đang phát triển, đang đổi mới và chúng ta sẽ có vị trí trên bản đồ của thế giới”.
Để tiếp thêm nguồn lực và sức mạnh cho thế hệ trẻ và những bạn học sinh, sinh viên đang tham dự sự kiện, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Vietnam, đã có phần chia sẻ về quy trình thiết kế và sản xuất chip, những thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt, ông Yên đã đề cập đến mức lương của kỹ sư thiết kế chip bán dẫn - điều mà hầu hết các bạn trẻ đang trên bước đường hướng nghiệp đều quan tâm.
Theo ông Yên, mức lương của kỹ sư thiết kế chip bán dẫn tại Mỹ là 100.000 - 300.000 USD/năm. Tại Việt Nam, lương kỹ sư ngành này vào khoảng 10.000 - 100.000 USD/năm tùy vào kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thường đã có mức lương khởi điểm khoảng 10.000 USD/năm, chưa kể thưởng.
Hãy là người đam mê, kiên trì, kiên nhẫn bởi “phải sau cỡ 10 năm mới bắt đầu thu quả ngọt”
Mức lương của kỹ sư thiết kế chip bán dẫn tại Việt Nam có cao hơn những ngành khác nhưng vẫn thấp hơn so với các nước phát triển như Mỹ. Theo ông Yên, với chi phí nhân công kỹ sư thiết kế chip bán dẫn thấp cùng các nền tảng tốt, nhiều DN trên thế giới đang và sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam.
Bởi vì, nhân sự ngành này đang thiếu hụt trên toàn thế giới. Việc Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt, trở thành nơi cung cấp nhân lực sẽ trở thành “mỏ neo” giữ các công ty đầu tư ở lại Việt Nam. Nguồn nhân lực càng nhiều và chất lượng thì “mỏ neo” càng lớn và càng chắc chắn để giữ dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.
Tiềm năng lớn nhưng cũng đặt ra thách thức cho những người trẻ muốn theo đuổi ngành thiết kế chip bán dẫn. Họ cần là người đam mê, kiên trì, kiên nhẫn bởi “phải sau cỡ 10 năm mới bắt đầu thu quả ngọt”.
Đúng như ông Hoàng Nam Tiến đã nói: “Tôi luôn nói với bạn trẻ rằng không đi thì làm sao biết chúng ta có đến được hay không, không làm thì làm sao biết được là chúng ta có làm được hay không?”.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng đưa ra lời khuyên thiết thực rằng: “Các bạn muốn muốn làm điều lớn, các bạn hãy bớt mạng xã hội đi, bớt hóng những “còm men” ở trên đó đi, tập trung vào công việc của mình. Tôi khuyên là các bạn hãy bớt nhìn vào điện thoại đi”.
Cũng tại sự kiện, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, khẳng định hiện nay, Việt Nam đang có cơ hội lớn trong ngành bán dẫn, đặc biệt sau chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 9/2023, đã nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Điều này tạo ra mối quan hệ đặc biệt và mở ra cơ hội hợp tác với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
“Tôi tin rằng với những cơ hội mới này, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới trẻ hiện nay. Họ sẽ giúp ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trở thành mũi nhọn trong tương lai, đồng thời giúp đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, ông Võ Xuân Hoài nói.
Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, đại diện NIC đã trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Hệ thống đào tạo FPT Jetking, đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn ở Việt Nam.
Ông Võ Xuân Hoài chia sẻ: "Chúng ta đang có sự đồng bộ giữa các trường, các đơn vị đào tạo liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam. Chưa bao giờ chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, cùng nhau đi lên, cùng nhau phát triển vì một mục tiêu chung quốc gia như hiện nay".
Năm 2024, Hệ thống đào tạo FPT Jetking ra mắt chương trình đào tạo Thiết Kế Vi Mạch Bán Dẫn liên kết quốc tế đầu tiên tại Việt Nam giữa Tổ chức giáo dục FPT và Jetking - Học Viện đào tạo CNTT hàng đầu Ấn Độ, tiền thân là công ty điện tử có 77 năm tuổi đời tại Ấn Độ.