6 xu hướng lớn định hình hệ sinh thái số Trung Quốc

Bảo Bình| 20/10/2021 07:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Với gần một tỷ người dùng Internet, doanh số thương mại điện tử (TMĐT) của Trung Quốc đã tăng lên 1,7 nghìn tỷ USD năm 2020, một con số tương đương với 30% tổng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc.

Nhưng đây không chỉ là một câu chuyện về quy mô. Trên tất cả, nó là một câu chuyện của sự đổi mới và phá cách. Trong lĩnh vực bán lẻ đa kênh, truyền thông xã hội, dịch vụ theo yêu cầu, di động, công nghệ tài chính (fintech), công nghệ y tế (healthtech) và các lĩnh vực khác, quốc gia này đang có nhiều đổi mới “ưu tiên hàng đầu cho Trung Quốc”.

McKinsey vừa có báo cáo mới về nền kinh tế số của Trung Quốc, trong đó hãng nghiên cứu đã xác định sáu xu hướng lớn góp phần định hình tương lai của đổi mới số ở Trung Quốc. Các công ty ở nơi khác, ngay cả khi họ hiện không có mặt ở Trung Quốc, có thể tham khảo những trải nghiệm này.

6 xu hướng lớn định hình hệ sinh thái số Trung Quốc - Ảnh 1.

4 đặc điểm của các công ty Trung Quốc

Theo McKinsey, có ít nhất 4 lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc đang làm rất tốt. Thứ nhất, các công ty thể hiện sự nhanh nhẹn và hoạt bát của một startup, đồng thời trau dồi khả năng tổ chức và hoạt động mà họ cần để thúc đẩy các sáng kiến ở quy mô của một công ty lớn.

Thứ hai, các công ty thành công luôn theo đuổi “phong cách Darwin”, lấy động lực từ bên ngoài và tập trung vào bên trong. Đây là một quá trình cạnh tranh mang tính xây dựng nhằm chuyển nguồn lực vào đúng động cơ tăng trưởng, đồng thời nhanh chóng loại bỏ các mảng kinh doanh không đạt yêu cầu.

Thứ ba, quá trình này thường được kích hoạt bằng các nền tảng giúp nhanh chóng ươm mầm và mở rộng các mô hình kinh doanh mới.

Và cuối cùng, các công ty hàng đầu đang xóa nhòa ranh giới giữa chiến lược, tổ chức và thực thi. Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có những động thái điều chỉnh hoạt động của một số công ty Internet lớn, gây lo ngại cho hệ sinh thái số. Các nhà điều hành và các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang theo dõi sát sao những diễn biến này.

Cũng như các thị trường khác, các cơ quan quản lý ở Trung Quốc cố gắng quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các nền tảng Internet nhằm tạo ra sự cân bằng giữa đổi mới mô hình kinh doanh và phúc lợi xã hội. Nhưng những thay đổi đó diễn ra quá nhanh, khiến nhiều công ty và nhà đầu tư ngạc nhiên.

Quy mô và động lực trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật số có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và đổi mới hơn nữa. Các công ty nắm bắt được cách hoạt động của hệ sinh thái số của Trung Quốc, sẽ có thuận lợi thành công hơn.

Và sau đây là 6 xu hướng đổi mới số quan trọng nhất, định hình nên hệ sinh thái số to lớn trong hiện tại và tương lai của Trung Quốc.

Xu hướng đổi mới số thứ 1: Sự tích hợp của hệ thống bán lẻ

Thị trường bán lẻ Trung Quốc đã có những động tác tích hợp thành công, phù hợp với xu hướng công nghệ số. Trong đó, thị trường tích hợp bán lẻ đa kênh với nền kinh tế theo yêu cầu, nền kinh tế xã hội và chuỗi cung ứng bán lẻ. Kết quả là tạo ra một cảnh quan xã hội và bán lẻ khổng lồ và tích hợp liền mạch. Xu hướng này được điều chỉnh dần dần, mang lại những cải tiến trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; thuận tiện và hiệu quả, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa TMĐT theo yêu cầu và TMĐT truyền thống.

Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ tiếp tục khai thác các nguồn tin cậy để biết thông tin sản phẩm, bao gồm các kênh mở rộng trên các video ngắn, mạng xã hội, biển quảng cáo, thiết bị di động, web và TV. Các cơ hội giao dịch sẽ ngày càng trực tiếp, có nghĩa là chi tiêu cho xã hội và xây dựng thương hiệu sẽ tạo ra những tác động tích cực ngay lập tức cho các công ty.

TMĐT dựa trên nội dung bùng nổ trên các nền tảng chia sẻ video như Douyin (phiên bản Tiktok tiếng Trung) và Bilibili, cũng như các dịch vụ nặng về nội dung khác như Toutiao. Trong khi phát trực tiếp và truyền hình vẫn chiếm một phần doanh số TMĐT, điều này sẽ thay đổi khi Trung Quốc tiến vào kỷ nguyên 5G và Internet vạn vật (IoT).

Mảnh ghép cuối cùng của bức tranh tích hợp bán lẻ là sự nhanh nhạy của chuỗi cung ứng. Các chuỗi cung ứng sẽ phải trở nên nhanh nhẹn hơn để đáp ứng các đơn đặt hàng theo yêu cầu thường xuyên và đa dạng hơn, cũng như dự báo tốt hơn các xu hướng và nguồn cầu của người tiêu dùng.

Xu hướng đổi mới số thứ 2: Ảo hóa các dịch vụ

Cũng giống như “cơn bão” TMĐT, cung cấp dịch vụ trực tuyến sẽ lên ngôi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, một phần do dịch COVID-19 thúc đẩy, khiến các dịch vụ số hóa được đẩy nhanh trên nhiều lĩnh vực. Như chúng ta đã thấy, việc ảo hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đang được tiến hành, nhưng sẽ không chỉ có thế, tiềm năng to lớn của các đổi mới số để tiếp tục ở những lĩnh vực khác.

Các nền tảng như DingTalk của Alibaba, một ứng dụng giao tiếp và cộng tác dành cho doanh nghiệp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phân phối giáo dục trực tuyến và ngoại tuyến cho các trường học. Giờ đây, sinh viên đã quen với các mô hình tích hợp từ trực tuyến sang ngoại tuyến (O2O), thói quen này sẽ tiếp tục với thế hệ trẻ.

Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục thử nghiệm AI để tạo ra trải nghiệm học tập được cá nhân hóa, tương tác và nhập vai. Khi 5G trở thành tiêu chuẩn, AI sẽ cho phép học tập thích ứng, cung cấp nhiều dịch vụ được cá nhân hóa hơn dựa trên các mô hình học tập và sở thích học tập của từng cá nhân.

Điều này cũng đúng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi mà sự đổi mới số chỉ mới bắt đầu giải quyết sự chênh lệch lớn trong việc phân bổ các bác sĩ hàng đầu. Gần 80% nguồn lực y tế chỉ tập trung ở 20% bệnh viện ở Trung Quốc, vì vậy, các bệnh viện cơ sở và bệnh viện ở các thành phố vùng sâu và vùng xa thiếu nguồn cung cấp chất lượng cao. Hiện tại, chưa đến 5% tổng số cuộc tư vấn là trực tuyến, cho thấy cơ hội tăng trưởng của tư vấn trực tuyến, giúp bệnh nhân không phải đi xa để đến bệnh viện đa khoa ở các thành phố lớn và giải quyết vấn đề quá tải ở bệnh viện.

Ngay cả những trải nghiệm ngoại tuyến truyền thống như lĩnh vực bất động sản cũng chuyển sang trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Ví dụ, Beike, một nền tảng bất động sản dân cư trực tuyến, đã tổ chức hơn 10 triệu buổi trưng bày bất động sản ảo thông qua công nghệ thực tế ảo (VR) trong thời kỳ cao điểm, gấp 35 lần con số được thực hiện trước khi bùng phát COVID-19.

Ảo hóa các dịch vụ không dừng lại ở đó. Các dịch vụ của chính phủ và tư vấn pháp lý có thể sẽ được online hóa. Điều này sẽ mang lại sự minh bạch hơn thông qua các hệ thống xếp hạng công khai, giúp thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao tiêu chuẩn.

Số hóa cũng sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ có thể làm việc ở bất cứ đâu, phá bỏ các rào cản về quy định và tài chính truyền thống đối với sự dịch chuyển lao động, đồng thời cách mạng hóa tính sẵn có và chất lượng của dịch vụ. Tự động hóa cũng sẽ đóng một vai trò lớn hơn, các robot dịch vụ sẽ ra mắt trên thị trường tiêu thụ theo hướng dịch vụ.

Xu hướng đổi mới số thứ 3: Cuộc cách mạng di động

Cuộc cách mạng di động ở Trung Quốc sẽ mang lại bộ mặt mới cho nhiều lĩnh vực, trong đó có các loại xe điện (EV) và “phương tiện thông minh” được kết nối, xe tự hành hoàn toàn. Khi phần cứng trở thành một loại hàng hóa đơn thuần, đổi mới số sẽ trở thành trụ cột trong cuộc chiến giành thị phần, thúc đẩy sự đổi mới trong phần mềm, giải pháp và dịch vụ, đồng thời tạo ra cơ hội mới cho các công ty nhanh nhẹn và sáng tạo. Người Trung Quốc sẽ thúc đẩy cải tiến vào lĩnh vực ô tô, bằng chứng là sự thành công của các thương hiệu xe điện địa phương như Nio, Li Auto và Xpeng.

Không bị cản trở bởi các mô hình kinh doanh và mạng truyền thống, các startup xe điện này đang xác định cuộc chơi chính là nâng cao trải nghiệm khách hàng, ngay cả các nhà sản xuất ô tô truyền thống cũng phải chạy đua mới bắt kịp xu thế này của các startup xe điện.

Công nghệ trong xe ô tô sẽ có những cải tiến vượt bậc, xoay quanh những tính năng thông minh giúp cải thiện khả năng kết nối và an toàn, đồng thời cho phép các phương tiện nâng cấp qua lập trình vô tuyến (OTA). Chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi này của giao thông thông minh. Dự đoán, cuộc cách mạng đó sẽ sớm đưa Trung Quốc đến giai đoạn phát triển công nghệ V2X (vehicle-2-everything), bao gồm các công nghệ giao tiếp từ phương tiện đến phương tiện và từ phương tiện đến cơ sở hạ tầng. Việc ứng dụng AI có thể làm giảm 10 - 20% tình trạng tắc nghẽn giao thông khi chính quyền địa phương hợp tác với các dịch vụ gọi xe để phân tích dữ liệu người dùng đường bộ.

Các ứng dụng AI trong giao thông vận tải và lái xe tự động cũng sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của MaaS (mobility as a service). 

Thương mại hóa xe tự lái sẽ là giai đoạn tiếp theo. Đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến xe tự lái cấp độ 4 sẽ đạt mức thâm nhập 20% tại các thành phố. Chính phủ dự kiến các đội xe điện (EV) tự hành quy mô lớn trên đường phố Trung Quốc trong vòng một thập kỷ tới.

6 xu hướng lớn định hình hệ sinh thái số Trung Quốc - Ảnh 2.

Công nghệ V2X (vehicle-2-everything) bao gồm các công nghệ giao tiếp từ phương tiện đến phương tiện và từ phương tiện đến cơ sở hạ tầng.

Vào năm 2035, chính phủ nhắm mục tiêu triển khai quy mô lớn và thương mại hóa dịch vụ taxi robot và xe tự động cấp độ 5, cấp độ tự lái cao nhất - hoàn toàn tự động. Quá trình thương mại hóa có thể diễn ra nhanh hơn dự kiến: robot điều khiển tự động có thể chiếm 22% số km hành khách di chuyển chung vào năm 2030 ở các thành phố cấp 1 như Thượng Hải và Bắc Kinh. 

Lái xe tự hành sẽ cho phép trải nghiệm di chuyển hoàn toàn mới, trải nghiệm không phải là đi từ A đến B. Kỷ nguyên của những chiếc xe hơi như một trung tâm giải trí và các trạm làm việc trên bánh xe đã gần kề.

Xe điện, máy bay không người lái, xe tải tự lái và công nghiệp đóng gói sinh thái sẽ kết hợp, cùng cải thiện tốc độ giao hàng, giảm chi phí và khí thải, đồng thời mở ra cơ sở hạ tầng và chia sẻ năng lực. Điều này ngược lại sẽ hỗ trợ việc tích hợp hơn nữa hệ sinh thái bán lẻ và TMĐT của Trung Quốc, làm cho hệ sinh thái này trở nên thông minh hơn và hiệu quả hơn.

Xu hướng đổi mới số thứ 4: Số hóa đời sống xã hội

Những câu chuyện hư cấu về những người sống trong thế giới thực tế ảo được mô tả trong các tiểu thuyết nổi tiếng đang nhanh chóng trở thành sự thực. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng chuyển nhiều tương tác xã hội và hoạt động giải trí của họ sang các lĩnh vực ảo. Các hoạt động xã hội ảo và vật lý cũng đang hợp nhất, vì các tương tác xã hội ngoại tuyến ngày càng được điều phối thông qua các cộng đồng ảo. 

Các công ty số hàng đầu như Tencent đang xây dựng danh mục đầu tư hợp nhất trò chơi, TMĐT và xã hội, tạo ra một hệ sinh thái phi tập trung, cạnh tranh và thân thiện với người sáng tạo. Các ứng dụng xã hội giúp hình thành các cộng đồng. Theo cuộc khảo sát về Người tiêu dùng ô tô Trung Quốc mới nhất của McKinsey, các ứng dụng phong cách sống, bao gồm cả những ứng dụng tạo điều kiện cho các chủ sở hữu của một thương hiệu cụ thể tụ họp, là dịch vụ giá trị gia tăng phổ biến thứ hai về tổng thể và được mong muốn nhất trong số các chủ sở hữu xe điện.

Xu hướng đổi mới số thứ 5: IoT công nghiệp 

Đổi mới số chuyển đổi hoạt động phân phối trong bán lẻ tiêu dùng, nhưng đây chỉ là phần nổi khi nói đến tiềm năng số hóa các hoạt động và quy trình B2B.

Công nghệ IoT công nghiệp (IIoT) được Trung Quốc triển khai trên quy mô lớn để chuyển đổi sản xuất số, phát triển chuỗi cung ứng số và quản lý hàng tồn kho dựa trên blockchain.

Ví dụ, trong lĩnh vực dược phẩm, Yaoshibang, một nền tảng bán thuốc B2B trực tuyến, đã xử lý 1,6 triệu đơn đặt hàng trong tháng 2, gấp ba lần mức đăng ký trong cùng tháng năm 2020 và gợi ý về tiềm năng phát triển mạnh mẽ của các nền tảng này khi ngày càng có nhiều đơn đặt hàng chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc được xử lý và hoàn thành trực tuyến.

Các công ty sản xuất sẽ ngày càng áp dụng sản xuất số hỗ trợ IIoT để nâng cao hiệu quả và tính bền vững. Vào năm 2020, Trung Quốc đã tổ chức 11 cơ sở sản xuất “ngọn hải đăng”, điển hình của quy trình sản xuất tiên tiến trong ngành công nghiệp 4.0 được McKinsey và Diễn đàn Kinh tế Thế giới xác định, đây là cơ sở cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào.

Nhà sản xuất đồ điện gia dụng Midea triển khai công nghệ IIoT để cải tiến quy trình sản xuất và hỗ trợ đổi mới sản phẩm. Trong dây chuyền lắp ráp “tự động hóa linh hoạt” được kích hoạt bằng cảm biến của Midea, quy trình sản xuất không chỉ hoàn toàn tự động mà còn có thể điều chỉnh, giải quyết sự khác biệt về kiểu máy, yêu cầu chế biến và vật liệu. Thị giác máy được áp dụng để phát hiện lỗi trong quy trình sản xuất, trong khi máy hỗ trợ IIoT gửi lại dữ liệu sử dụng của khách hàng cho nhóm R&D, cung cấp thông tin đầu vào và thông tin chi tiết có giá trị giúp thúc đẩy quá trình đổi mới liên tục.

SAIC, một nhà sản xuất ô tô hàng đầu, đã chỉ ra các cam kết sản xuất kỹ thuật số có thể kích hoạt các mẫu xe hoàn toàn mới. Các giải pháp số cho phép người mua tùy chỉnh đơn đặt hàng của họ thông qua mô phỏng ô tô kỹ thuật số 3D. Thông tin về cấu hình ô tô và hàng đợi sản xuất sau đó được chuyển đến các nhà cung cấp để bắt đầu vận chuyển theo trình tự, giảm 35% thời gian đưa ra thị trường. 

Trong khi đó, các công cụ AI liên tục theo dõi tiến độ xây dựng để xác định lỗi, giúp nâng độ chính xác của cấu hình đơn đặt hàng lên 99,8%. Cho đến nay, đã có nhiều các “công ty hải đăng” trong các ngành công nghiệp hướng đến người tiêu dùng như ô tô, hàng tiêu dùng và thiết bị gia dụng, nhưng giai đoạn tiếp theo sẽ là mở rộng cuộc cách mạng sang các ngành truyền thống như thép, máy công cụ và sản xuất.

Xu hướng đổi mới số thứ 6: Số hóa đô thị

Gần một nửa số thành phố thông minh trên thế giới nằm ở Trung Quốc, tổng số khoảng 500 thành phố. Trong khi các ứng dụng thành phố thông minh ban đầu tập trung vào các lĩnh vực như an ninh và quản lý giao thông, mạng 5G và những tiến bộ về điện toán có khả năng mở ra một kỷ nguyên mới cho các thành phố dưới dạng nền tảng số tích hợp.

Tại Thâm Quyến, Tencent đang xây dựng một thành phố thông minh đặt con người và môi trường lên hàng đầu, giảm sử dụng ô tô, thay vào đó sẽ sử dụng công nghệ AI để cải thiện khả năng tiếp cận phương tiện công cộng, đồng thời tích hợp không gian xanh vào một khuôn viên rộng lớn cho nhân viên.

Các dịch vụ của chính phủ có khả năng là đối tượng được hưởng lợi chính, vì số hóa sẽ giải quyết các vấn đề khó khăn như quá tải và phân bổ sai nguồn lực./.

Bài liên quan
  • Hệ sinh thái số FPT - Giải pháp cho kỷ nguyên mới
    Hơn 3 thập kỷ qua, FPT đã và đang nỗ lực đem sức mạnh đột phá của các công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT... để phục vụ đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam cũng như hàng nghìn khách hàng quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
6 xu hướng lớn định hình hệ sinh thái số Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO