Kinh tế số

AI có thể giúp Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045

Anh Minh 12:14 15/11/2024

Thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI sẽ là yếu tố chủ chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030.

Việt Nam và Singapore là hai đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 quốc gia thế giới về nghiên cứu AI

Ngày 15/11, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Google tổ chức hội thảo “Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam”, nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ nhân tạo (AI) và trao đổi cơ chế chính sách phát triển AI tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg, trong đó đề xuất mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

ai-1.jpg
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung.

Đồng thời, Bộ KH&ĐT đã giao NIC phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo DN AI, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng AI và đào tạo chuyên sâu về AI với mục tiêu đến 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI.

“Đây là những bước đi hết sức chủ động của Bộ nhằm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Theo thông tin được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đưa ra tại sự kiện, Google đã có những nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD), trong đó, có sự đóng góp rất lớn của AI trong các lĩnh vực kinh tế số. Còn theo nghiên cứu của Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là 2 đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 quốc gia thế giới về nghiên cứu AI.

Chuyển đổi số và AI đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển mình của Việt Nam hướng tới một nền kinh tế đa dạng và cạnh tranh hơn trong khu vực và toàn cầu. Tại hội thảo, đại diện Google đã giới thiệu nội dung báo cáo "Tác động kinh tế: Thúc đẩy tăng trưởng số tại Việt Nam".

Thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI

Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ AI tại Việt Nam rất lớn. Để khai thác toàn bộ tiềm năng của AI, theo báo cáo "Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị" (AI Opportunity Agenda for Vietnam) của Google, Việt Nam cần củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ đổi mới sáng tạo dựa trên AI, xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI, và gia tăng khả năng tiếp cận AI trong toàn nền kinh tế.

Báo cáo của Google cũng phân tích sâu các chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách về kiến thức số và AI, giúp lực lượng lao động Việt Nam tận dụng hiệu quả AI và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI sẽ là yếu tố chủ chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030, tăng từ khoảng 12% vào năm 2023. Nếu được khai thác hiệu quả, AI có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược nghiên cứu và phát triển AI cũng như phát triển kinh tế nói chung. Vì thế, Việt Nam cần tập trung vào việc giữ chân và phát triển tài năng trong nước bằng cách mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục số và đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo DN. Để tối đa hóa lợi ích kinh tế từ AI, Việt Nam cần ưu tiên phát triển lực lượng lao động số. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số thông qua đào tạo chuyên sâu và ứng dụng công nghệ sẽ mở ra tiềm năng kinh tế lớn cho đất nước.

Việt Nam nằm trong khu vực có tính cạnh tranh cao về sản xuất. Một số quốc gia láng giềng gần đây đã công bố các sáng kiến nhằm thu hút đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt ở phạm vi rộng hơn trong khu vực. Việt Nam hiện đang nắm bắt cơ hội đẩy mạnh AI nhằm duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh lâu dài của mình như một trung tâm sản xuất, bao gồm đa dạng hóa các thế mạnh truyền thống và mở rộng sản xuất trong các ngành công nghệ cao như điện tử và viễn thông.

Các DN lớn của Việt Nam như Viettel, FPT, CMC, VNPT và VinGroup đã và đang đầu tư vào các giải pháp và sản phẩm sáng tạo sử dụng AI, thực tế này cho thấy rõ tiềm năng của AI trong việc mang lại lợi ích cho nhiều DN Việt Nam.

ai-2.jpg
Các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, đại diện các DN đã trao đổi, đề xuất các giải pháp, sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy sự chủ động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển AI.

Không có một chiến lược AI nào có thể phù hợp với tất cả các quốc gia

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết việc áp dụng AI một cách an toàn và có trách nhiệm trong toàn bộ nền kinh tế và xã hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất, thu hút đầu tư và tạo ra việc làm trong các ngành công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn.

Khẳng định AI là một phần cốt lõi trong lộ trình phát triển của Việt Nam, với mục tiêu trở thành “quốc gia phát triển có thu nhập cao” vào năm 2045, ông Andrew Ure, Giám đốc Cấp Cao Quan hệ Chính Phủ và Chính Sách Công của Google Đông Nam Á cho biết với dân số trẻ, yêu thích công nghệ và bối cảnh kỹ thuật số năng động, Việt Nam có vị thế tốt để khai thác cơ hội từ AI.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc NIC, không có một chiến lược AI nào có thể phù hợp với tất cả các quốc gia, địa phương cũng như DN, nhưng công thức cơ bản để thành công là chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu.

z6034323884847_7a2d8516b95af341930ad54d31b8a44b.jpg
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc NIC, công thức cơ bản để thành công là chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, đại diện các DN đã trao đổi, đề xuất các giải pháp, sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy sự chủ động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển AI; Xây dựng đội ngũ nhân lực AI chất lượng cao; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo AI để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các ý tưởng sáng tạo về AI được ươm mầm và phát triển.

Bên cạnh đó, một chủ đề cũng được quan tâm trao đổi tại hội thảo là về các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng khung pháp lý AI để đảm bảo rằng AI được phát triển và ứng dụng một cách an toàn, có trách nhiệm và tuân thủ các giá trị đạo đức.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung khẳng định Hội thảo “Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam” là một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm chủ động triển khai Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam cần tiếp tục tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẩn trương tinh gọn bộ máy, nhất là bộ máy trung gian, quyết liệt trong hành động để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
  • Phát triển kinh tế số ở Đông Nam Á: Cơ hội và thách thức
    Nền kinh tế số Đông Nam Á đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ mức độ số hoá, thâm nhập và sử dụng Internet ngày càng gia tăng. Kể từ năm 2016, số người dùng Internet trong khu vực đã tăng gấp đôi ở 6 quốc gia lớn nhất: Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
  • Sôi động thị trường ứng dụng di động tại Việt Nam
    Thị trường ứng dụng di động tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển hết sức sôi động. Cả số lượng ứng dụng (app), lượng người dùng, tần suất sử dụng và doanh thu từ các app đều tăng trưởng cao. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng công cụ đo lường hiệu quả quảng cáo và marketing trên những app này cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận.
  • Những đổi mới công nghệ sẽ thay đổi ngành y vào năm 2025
    Ngành chăm sóc sức khỏe đã có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đem lại vô số cơ hội mới, trong khi các yếu tố nhân khẩu học và xã hội lại đặt ra những thách thức không nhỏ.
  • Airbus đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam
    Chia sẻ về chiến lược đầu tư và ứng dụng công nghệ mới, lãnh đạo Airbus cho biết công ty tập trung phát triển công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và có tính ứng dụng cao, bởi vì “công nghệ, dù hiện đại đến đâu, cũng không mang lại giá trị nếu không ứng dụng hiệu quả”.
Đừng bỏ lỡ
AI có thể giúp Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO